Hơn 200 hộ dân thiếu nước
Một tháng nay, gia đình bà Nguyễn Thị Hà, thôn Đông Mỹ phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt. Mặc dù hệ thống van mở 24/24h nhưng gia đình bà Hà vẫn không đủ nước dùng hằng ngày. Bà phải mua thau, xô về trữ nước.
Một tháng nay, nước sạch cấp cho gia đình bà Hà chỉ chảy nhỏ giọt, có những thời điểm 2 - 3 ngày liên tục không có
Bà Nguyễn Thị Hà ái ngại: “Trước đây, nước cũng đã yếu sẵn nhưng vẫn bơm lên được bồn chứa. Tuy nhiên, từ đợt ra tết đến nay, nước yếu hẳn khiến cho mọi sinh hoạt của gia đình bị đảo lộn. Phải tiết kiệm từng gáo nước nên ai cũng bức xúc”.
Ông Lê Quang Lý mở van đường ống nước sạch nhưng không có nước
Chung cảnh thiếu nước sinh hoạt, ông Lê Quang Lý, ở thôn Đông Mỹ bức xúc: “Hơn một tuần nay, để có nước nấu ăn, tôi phải sang nhà hàng xóm xin. Cũng may nhà có giếng khoan chứ không biết lấy đâu ra nước để tắm giặt, vệ sinh”.
Người dân thôn Đông Mỹ thiếu nước sạch từ nhiều ngày nay
Toàn thôn Đông Mỹ hiện có hơn 200 hộ dân phải chịu cảnh thiếu nước sạch. Được biết, hệ thống nước sạch của thôn được lắp đặt từ năm 2010 theo dự án cung cấp nước sạch nông thôn. Hiện nay, hệ thống này do Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh quản lý, điều tiết. Lâu nay, nước sạch cấp cho vùng Đông Mỹ vẫn thường yếu do đây là điểm cuối tuyến, xa trạm điều tiết.
Tuy nhiên, hơn 1 tháng nay, tình trạng yếu và thiếu nước xảy ra thường xuyên hơn. Có những thời điểm, 2 – 3 ngày liên tục, người dân không có nước sử dụng. Theo chính quyền địa phương, thời điểm này, trên địa bàn đang thi công tuyến đường huyện ĐH 133 Vịnh – Thành – Quang (đoạn qua xã Cẩm Thành), một số điểm vướng hệ thống đường ống nên xảy ra sự cố dẫn đến không đảm bảo cấp nước sạch cho người dân trên địa bàn.
Cần sớm giải phóng mặt bằng đường ống nước
Ông Phạm Hoàng Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Năm 2010, khi thi công đường ống nước, nhà thầu không báo cáo huyện đề nghị cấp phép thi công mà tự ý triển khai bên tuyến đường ĐH 133. Hiện nay, huyện đang đầu tư mở rộng tuyến đường này để đảm bảo đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
Theo nguyên tắc, khi huyện mở rộng đường thì đơn vị quản lý nước sạch phải chịu trách nhiệm di dời công trình. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh vẫn không thực hiện di dời nên gây cản trở tiến độ thi công và ảnh hưởng đến việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân”.
Công nhân sửa chữa đường ống cấp nước bị hỏng trên tuyến đường ĐH. 133 đoạn qua xã Cẩm Thành
Để hỗ trợ Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh, UBND huyện Cẩm Xuyên triển khai phương án là các đơn vị thi công đường sẽ hỗ trợ máy móc, nhân lực và một phần kinh phí để sửa chữa những đường ống bị hư hỏng.
Kế hoạch là vậy nhưng quá trình thi công, đường ống bị hỏng nhiều lần, kinh phí phát sinh lớn nên đơn vị thi công “khước từ” việc sửa chữa, di dời đường ống.
Tiến độ thi công đường ĐH. 133 đang bị ảnh hưởng do đường ống nước chưa được di dời
Ông Hồ Đình Hoài – Phó Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh chia sẻ: “Chúng tôi tiếp nhận công trình nước sạch tại xã Cẩm Thành từ sau năm 2010 nên những vấn đề liên quan đến mặt bằng trước đây đơn vị không nắm rõ.
Hiện nay, có khoảng 2 km đường ống nước qua thôn Đông Bàu và thôn Trung Nam (xã Cẩm Thành) bám 2 bên hành lang đường cần phải di dời. Huyện đã gửi văn bản yêu cầu nhưng kinh phí quá sức với đơn vị sự nghiệp như chúng tôi. Hi vọng chủ đầu tư hỗ trợ kinh phí để sớm giải phóng mặt bằng đường ống nhằm đảm bảo tiến độ thi công cũng như việc cấp nước cho Nhân dân trên địa bàn”.
Liên quan đến việc người dân thôn Đông Mỹ thiếu nước sạch, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh Hồ Đình Hoài khẳng định: “Sắp tới sẽ có dự án đầu tư hệ thống cấp nước cho xã Cẩm Quang. Khi triển khai xây dựng hệ thống này, chúng tôi sẽ đấu nối với đường ống khu vực Cẩm Thành để khắc phục triệt để vấn đề này”. |