Khung cảnh buồn tẻ
Vào thời gian này hàng năm, làng nghề mộc Thái Yên (Đức Thọ, Hà Tĩnh) nhộn nhịp không khí sản xuất, mua bán. Tuy nhiên, dù đã cận kề tết, hàng mộc ở đây vẫn ế ẩm, sản xuất cầm chừng.
Cảnh đìu hiu, vắng khách tại các cửa hàng kinh doanh đồ mộc ở Thái Yên
Anh Phạm Việt Hà (32 tuổi), quản lý cửa hàng mộc Lộc Phát (Khu tiểu thủ công nghiệp Thái Yên) buồn bã: “Những năm trước, thời điểm này khách đã đến đông. Trung bình mỗi ngày chúng tôi bán được 3-4 bộ salon, tủ… Những ngày nghỉ thì bán được nhiều hơn. Tuy nhiên, đợt này, ngóng cả tuần đến thứ 7 cũng chẳng có ai đến hỏi”.
Bên trong một cửa hàng kinh doanh đồ mộc Thái Yên tại khu Tiểu thủ công nghiệp xã Thái Yên
Tình trạng ảm đạm đó bao trùm khắp cả làng mộc Thái Yên khi nhiều cơ sở mộc ở đây hoặc sản xuất cầm chừng, hoặc có gia đình tạm dừng công việc vì không có đơn hàng mới.
Chị Nguyễn Thị Lành - chủ cơ sở mộc Tố Trọng (thôn Bình Định) cho biết: “Những năm trước, dịp này, cả làng chúng tôi phải thức đến 2h sáng để làm, tiếng cưa, đục, máy mài vang lên không nghỉ. Nhưng hiện nay, bữa nào cố thêm, đến 20-21h, chúng tôi cũng phải tắt máy vì hết việc”.
Hàng làm xong tồn đọng nhiều, đơn hàng mới không có khiến cơ sở sản xuất của chị Nguyễn Thị Lành hoạt động cầm chừng.
Không có người mua, nhiều cơ sở sản xuất chỉ hoạt động cầm chừng (Trong ảnh: Chị Nguyễn Thị Lành, chủ cơ sở mộc ở thôn Bình Định (Thái Yên) đang hoàn thiện sản phẩm).
Không chỉ cơ sở Tố Trọng, cơ sở Lộc Phát của anh Hà, mà ở làng nghề Thái Yên, nhiều cơ sở làm nghề mộc khác cũng rơi vào trường hợp tương tự. Hàng mộc bày tràn ra cả lề đường như tại cơ sở Dung Cơ, Trọng Thu, Nguyên Khôi…
Được biết, những năm trước, vào dịp cuối tháng 11 dương lịch, ở làng mộc Thái Yên, nhiều đơn đặt hàng trong và ngoài tỉnh tới tấp gửi về. Cùng với các cơ sở mộc hoạt động ngày đêm, các xe chuyên chở hàng cũng chạy hết công suất để kịp nhu cầu của khách. Thế nhưng, năm nay, nhiều xe chuyên chở cả tuần mới hoạt động vài lần, chở hàng cho khách lẻ.
Đi tìm nguyên nhân…
Chị Nguyễn Thị Lành, chủ cơ sở mộc Tố Trọng ở thôn Bình Định cho rằng, nguyên nhân hàng mộc Thái Yên không bán được là do hàng Bắc (đồ mộc của các tỉnh như Hà Nội, Quảng Ninh…) tràn về Hà Tĩnh. Các đại lý kinh doanh cũ thay đổi đầu mối vì giá thành rẻ hơn.
Một cửa hàng đồ mộc ở đường Nguyễn Công Trứ (Tp Hà Tĩnh) đã “mạo nhận” đồ mộc Thái Yên đối với một số sản phẩm được nhập từ nơi khác
Chủ tịch Hiệp hội làng nghề mộc Thái Yên Lê Hữu Hoàng cho biết: “Vấn đề ở đây là đạo đức của người kinh doanh, vì có thể nhiều cơ sở kinh doanh nhập hàng nơi khác nhưng “mạo nhận” với khách hàng là đồ mộc Thái Yên. Hàng mộc Thái Yên cùng chủng loại nhưng hình thức, kỹ thuật, độ chắc bền hơn hẳn”.
Một trong những cách phân biệt đồ gỗ Thái Yên với nơi khác là mối, mộng không dùng đinh vít kim loại (Trong ảnh: Sản phẩm dùng đinh vít có xuất xứ nơi khác)
Tại một cửa hàng kinh doanh đồ gỗ nội thất khá lớn ở đường Nguyễn Công Trứ (TP Hà Tĩnh), ông chủ M.T giới thiệu cho chúng tôi rất nhiều mẫu mã salon, tủ… đều là hàng Thái Yên (Đức Thọ), thậm chí còn cho biết ông có cơ sở sản xuất ở Đức Bình (tên gọi xã Thái Yên trước đây). Tuy nhiên, sau khi được hỏi về một số mặt hàng có đúng là hàng mộc Thái Yên hay không thì ông chủ ậm ờ "hàng mộc Đức Thọ ở đâu chẳng như nhau”.
Điều tương tự diễn ra ở cửa hàng P.Q cách đó không xa. Bà chủ cửa hàng thừa nhận “mộc ở đâu cũng vậy, đồ Bắc vừa rẻ, vừa mẫu mã đẹp”.
Không chỉ ở TP Hà Tĩnh, một số cửa hàng đồ mộc gần chợ huyện Lộc Hà cũng làm tương tự.
Bộ sa lon cao cấp làm bằng gỗ mun của một cơ sở mộc tại Thái Yên (Đức Thọ)
“Người ta khẳng định đó là đồ Thái Yên nhưng với kinh nghiệm của mình tôi lại thấy dường như không phải” - anh Trần Quốc Sơn, một khách hàng ở Hồng Lộc (Lộc Hà) cho biết. Theo anh Sơn, anh cũng đã đến một số cửa hàng ở Thái Yên (Đức Thọ) để mua nhưng ở đây có cửa hàng vẫn nhập hàng ngoài Bắc về bán.
Tháng 3/2019, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Mộc Thái Yên - Làng nghề truyền thống Đức Thọ, Hà Tĩnh”.
Từ thực trạng trên, chính quyền và các cơ quan chức năng cần có giải pháp lâu dài để bảo vệ thương hiệu làng nghề mộc có tuổi đời hơn 400 năm và từng vang danh đến tận Hồng Kông, Thượng Hải (Trung Quốc) một thời.
|