Chạy theo trào lưu: Đối với những nhãn hàng khác thì việc thiết kế các sản phẩm tạo ra xu hướng là quan trọng nhất. Tuy nhiên, Zara lại đi theo hướng mới khi đội ngũ sản xuất tập hợp những dữ liệu thời trang có sẵn, rồi biến tấu theo ý riêng để tạo ra sản phẩm mới hơn. Họ luôn đuổi theo những trào lưu trên thế giới nhằm thoả mãn sự khao khát của người tiêu dùng. Mỗi năm thương hiệu Tây Ban Nha ra mắt hơn 11.000 sản phẩm. Từ khâu lên ý tưởng cho đến bắt đầu chu trình sản xuất chỉ mất khoảng 30 ngày. |
Đội ngũ thiết kế luôn bận rộn: Toàn bộ nhân viên thiết kế và lên ý tưởng thực hiện sản phẩm đều làm việc tại Tây Ban Nha. Đội ngũ bao gồm hơn 200 người, mỗi tháng ra mắt 1.000 sản phẩm mới, trung bình mỗi tuần, bắt buộc họ phải suy nghĩ từ một đến hai mẫu. |
Thời trang đến từ cảm hứng đường phố: Ngoài việc nhận định xu hướng thời trang thông qua những bản báo cáo thị trường, Zara còn tìm thấy nguồn cảm hứng từ bất cứ đâu. Đội ngũ thiết kế sẽ thu thập thông tin bằng việc đến các vũ trường, đường phố, khu vui chơi để nghiên cứu thị hiếu của giới trẻ ngày nay. |
Quy trình sản xuất nhanh chóng: Đối với ngành công nghiệp Fast Fashion, thời gian tạo ra một sản phẩm phải nhanh chóng sau khi lên ý tưởng. Các thợ may mẫu phát triển một sản phẩm thử nghiệm theo ý tưởng ban đầu. Họ mất 5 ngày để hoàn thành một mẫu thiết kế mới. Các nhà máy của Zara tại Tây Ban Nha lập tức bắt tay vào gia công, sản xuất khoảng hàng nghìn sản phẩm trong 13 ngày. Như vậy, các khách hàng có thể mua được mẫu thiết kế mới chỉ trong vòng chưa đến 1 tháng. |
Sản xuất chủ yếu nhờ máy móc: Zara xây dựng 14 nhà máy tự động tại Tây Ban Nha với hệ thống robot làm việc chuyên nghiệp gồm chu trình nhuộm sẵn vải và tạo ra thành phần. Thương hiệu bình dân còn đầu tư máy quét mã vạch để phân loại, sắp xếp hơn 80.000 miếng vải với tỷ lệ lỗi dưới 0,5% nhằm kịp tiến độ ra đời một sản phẩm hoàn chỉnh. |
Lắng nghe ý kiến khách hàng: Sau khi sản phẩm ra mắt, chúng được sản xuất với số lượng ít để khách hàng trải nghiệm. Sau đó, nhãn hãng tiếp nhận phản hồi trên hệ thống rồi gửi về trụ sở tại Tây Ban Nha nhằm hoàn thiện trong lần sản xuất sau. Không chỉ trang phục mới, ngay cả những mẫu mã đang bày bán, thương hiệu cũng liên tục tiếp thu góp ý và thay đổi để phù hợp với người tiêu dùng. |
Đa dạng mẫu mã: Đến với Zara, khách hàng có nhiều lựa chọn phù hợp với phong cách thời trang của bản thân. Thay vì sản xuất số lượng nhiều, thương hiệu Tây Ban Nha tập trung vào việc tạo ra những kiểu dáng mới lạ hơn. Ngay khi sản phẩm hết hàng, người tiêu dùng vẫn có thể tìm thấy những thiết kế khác trên kệ. |
Quảng bá cửa hiệu bằng mạng xã hội: Zara chi 0,3% doanh thu để đầu tư quảng bá thương hiệu trên các phương tiện truyền thông. Những bộ ảnh thời trang của hãng hiếm khi xuất hiện trên tạp chí thời trang. Mỗi khi giới thiệu bộ sưu tập mới, thương hiệu Tây Ban Nha sử dụng mạng xã hội. Các chuyên gia cho rằng thương hiệu Tây Ban Nha nhanh chóng bắt kịp xu hướng thông qua truyền thông đại chúng để quảng bá sản phẩm. |