Viêm đa xoang có thể do virus, vi khuẩn, vệ sinh răng miệng kém, môi trường ô nhiễm, dị ứng… Đặc biệt, trong thời điểm giao mùa, không khí lạnh. Hiện nay, việc điều trị dứt điểm bệnh còn gặp nhiều khó khăn, song người bệnh vẫn có thể kiểm soát triệu chứng bằng thuốc điều trị và chăm sóc tại nhà.
Xoang là các hốc rỗng tập trung trong xương của hộp sọ, gồm có các xoang: Sàng, hàm, trán, bướm. Bên trong bề mặt của xoang là các lớp niêm mạc. Tình trạng viêm đa xoang là do các lớp niêm mạc bị sưng viêm và nhiễm trùng từ ít nhất hai xoang trở lên. Dấu hiệu của bệnh cũng tương tự như viêm xoang thông thường, nhưng triệu chứng rõ ràng hơn, diễn biến nặng hơn nếu không được điều trị kịp thời.
Nguyên nhân gây viêm đa xoang
Viêm đa xoang được chia thành viêm xoang cấp tính và viêm xoang mạn tính, với các nguyên nhân gây bệnh khác nhau.
- Đối với viêm xoang cấp tính thường do các loại virus như cúm Rhinovirus và Parainfluenza. Ngoài ra, một số loại vi khuẩn cũng gây ra viêm đa xoang cấp tính có thể kể đến như: Haemophilus Influenzae, phế cầu, tụ cầu, vi khuẩn kỵ khí, Moraxella Catarrhalis. Người bệnh có hệ miễn dịch suy yếu do các bệnh như HIV, đái tháo đường, bệnh ung thư… thường có khả năng bị viêm đa xoang do nấm.
- Đối với viêm xoang mạn tính thường có nhiều yếu tố bệnh sinh bao gồm: Hen suyễn, hút thuốc lá, viêm mũi dị ứng, cấu trúc vùng mũi xoang bất thường, chức năng lông chuyển niêm mạc mũi xoang và răng miệng bị nhiễm trùng.
Các nguyên nhân khác dẫn đến viêm đa xoang bao gồm:
- Yếu tố vệ sinh không sạch sẽ: Các vật dụng cá nhân thường dùng có thể chứa vi khuẩn gây viêm xoang, từ đó xâm nhập vào cơ thể người qua các hành động vệ sinh và lau mũi.
- Yếu tố cơ địa người bệnh: Phù nề niêm mạc mũi, tắc nghẽn lỗ thông xoang có thể xuất hiện ở người bị dị ứng, hen suyễn và dẫn đến nhiễm trùng, viêm xoang nhưng không phải người bệnh nào cũng mắc bệnh viêm đa xoang.
- Do sức đề kháng kém: Nguy cơ viêm đa xoang và viêm các bộ phận khác tăng cao ở những người có sức đề kháng kém, đồng thời bệnh sẽ trở nặng và khó điều trị nên yêu cầu chăm sóc y tế cẩn thận hơn.
- Do ảnh hưởng môi trường sống bị ô nhiễm: Môi trường sống ô nhiễm thường đi kèm nhiều tác nhân gây dị ứng khác nhau. Do đó, người bệnh có thể bị viêm xoang sau khi vi khuẩn xâm nhập.
Biểu hiện bệnh viêm đa xoang
Người bệnh bị viêm đa xoang có thể gặp các dấu hiệu như: Sốt; khả năng ngửi và nếm mùi vị suy giảm; cơ thể đau nhức; áp lực vùng mũi, má và quanh mắt; đau đầu; mệt mỏi; dịch viêm gây hôi miệng; ho; đau răng, đau họng, đau hàm…
Trong khoảng thời gian từ 7 đến 10 ngày, viêm đa xoang cấp tính có thể thuyên giảm nếu được chăm sóc và điều trị tốt. Bệnh có thể tái phát nếu yếu tố nguy cơ và nguyên nhân không được xử lý.
Điều trị viêm đa xoang
Tùy theo tình trạng bệnh mà các bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp. Các loại thuốc kháng sinh, kháng dị ứng, kháng viêm và thuốc giảm triệu chứng có thể được tư vấn cho người bệnh.
Người bệnh cần bổ sung nước và xịt mũi để làm loãng dịch nhầy. Cần hạn chế tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng như thuốc lá, không khí lạnh, không khí ô nhiễm…
Việc thông rửa xoang sẽ được bác sĩ tư vấn để loại bỏ mủ trong xoang. Ngoài ra, liệu pháp miễn dịch có thể giúp cho người bệnh cải thiện tình trạng viêm mũi dị ứng. Người bệnh cũng nên nghỉ ngơi tại nhà, chườm khăn ấm, thư giãn, rửa mũi bằng nước muối…
Nếu điều trị bằng thuốc không mang lại hiệu quả, phẫu thuật có thể là phương pháp điều trị được chỉ định. Cấu trúc mũi bất thường gây ra tình trạng tắc nghẽn như phì đại cuống mũi và vẹo vách ngăn sẽ được loại bỏ.
Để điều trị bệnh hiệu quả người bệnh cần chú ý khi có các biểu hiện thì nên thăm khám sớm, nhằm tìm ra nguyên nhân và có phương pháp điều trị phù hợp. Người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ. Không tự ý dùng kháng sinh vì kháng sinh sẽ không được dùng để điều trị nhiễm trùng do virus.
Nếu nguyên nhân là do dị ứng thì bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân thực hiện một số biện pháp miễn dịch để cải thiện tình trạng này. Nếu bệnh nhân có polyp/khối u trong mũi thì sẽ được thực hiện phẫu thuật. Thông thường các thủ tục tiểu phẫu sẽ thực hiện để mở rộng lỗ xoang bị hẹp, giúp điều trị viêm dễ dàng hơn.
Ngoài ra, người bệnh cần giữ ấm cơ thể khi thời tiết trở lạnh, những lúc giao mùa để tránh bị cảm.
Tránh hít những luồng không khí lạnh khô (đặc biệt là không khí của điều hòa), giữ ấm đường thở. Giữ môi trường sống sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát tránh nấm mốc sinh sôi. Tránh tiếp xúc dị ứng nguyên như phấn hoa, nấm mốc, bụi khói, thức ăn lạ…
Chú ý đeo khẩu trang mỗi khi ra đường và nơi ô nhiễm khói bụi… Khi bị hắt hơi, ngạt mũi không nên dùng tinh dầu xoa trực tiếp lên mũi, bởi có thể sẽ gây tình trạng kích ứng niêm mạc mũi, họng. Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người bị viêm xoang. Tránh xa những tác nhân gây bệnh và không cho tay lên mũi để phòng ngừa vi trùng xâm nhập.
Thường luyện tập thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe cũng như sức đề kháng. Điều trị dứt điểm một số bệnh có nguy cơ dẫn đến viêm xoang khi mới khởi phát như: Viêm họng, viêm đường hô hấp, trào ngược dạ dày...