Dịch vụ internet di động băng thông rộng thế hệ thứ tư (còn được gọi là 4G) được MobiFone cung cấp lần đầu tiên từ 1/7/2016. Tiếp đó là VinaPhone và Viettel là nhà mạng đầu tiên tuyên bố cung cấp dịch vụ 4G trên toàn quốc từ tháng 4/2017. Tuy nhiên theo các chuyên gia, tốc độ được cung cấp cho người sử dụng chưa thực sự đạt tiêu chuẩn công nghệ 4G.
Dịch vụ 5G ưu việt hơn 4G, tuy nhiên thực tế triển khai 4G tại Việt Nam còn chưa đạt kỳ vọng. (Ảnh minh họa: KT). |
Theo tiêu chuẩn Liên minh Viễn thông thế giới, tốc độ truyền tải dữ liệu của 4G cao hơn 3G hàng chục lần. Thế nhưng, tại Việt Nam, tốc độ truyền tải dữ liệu trung bình của mạng 4G tại Việt Nam là 35-37 Mbit/giây, cao gấp 3,5 đến 4,5 lần so với tốc độ trung bình của mạng 3G hiện tại. Không những vậy tốc độ truyền tải dữ liệu có độ chênh khá lớn ở các khu vực khác nhau.
Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) nhận định, tốc độ 4G được cung cấp cho người dùng tại Việt Nam hiện nay chưa đạt được tốc độ tiêu chuẩn của nó, do bị giới hạn bởi độ rộng băng tần và số người sử dụng.
Thực tế cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đang cung cấp dịch vụ 4G trên băng tần 1800 MHz. Trong khi đó băng tần có thể giúp cho tốc độ 4G tại Việt Nam tốt hơn lại là 2,6 MHz.
Ông Hoan cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông định đấu giá băng tần 2,6 MHz trong năm nay cho các nhà mạng cung cấp 4G, nhưng khi Luật Đấu giá tài sản công thay đổi thì kế hoạch này phải dừng lại để theo luật mới.
Ông Thiều Phương Nam, Giám đốc Qualcomm tại Việt Nam, Lào và Campuchia cho rằng, trước xu hướng hoạt động chuẩn bị cho 5G đang diễn ra trên toàn thế giới, mặc dù 4G mới được triển khai tại Việt Nam trong 2 năm qua nhưng Việt Nam hiện đang đi sau nhiều nền kinh tế trên thế giới trong việc ứng dụng công nghệ này. Do đó, ngay từ giờ Chính phủ cần có những bước chuẩn bị cho việc triển khai 5G.
Qualcomm cho rằng 5G không chỉ cho phép tốc độ kết nối Internet di động nhanh hơn 4G rất nhiều lần mà còn rất phù hợp để triển khai tại Việt Nam, bởi Việt Nam đang trở thành điểm đến thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào công nghiệp chế tạo. Mà trong tương lai, với xu hướng IoT (Internet kết nối vạn vật) thì việc kết nối không dây sẽ rất quan trọng.
Nhiều chuyên gia công nghệ lại cho rằng, chỉ cần Việt Nam phát triển công nghệ 4G đạt đúng như chuẩn dịch vụ là đã phục vụ cho những nhu cầu đa dạng khác nhau của nền kinh tế.
Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần chú trọng xây dựng nền tảng dữ liệu thông tin đầy đủ, chính xác kèm với đó là hệ thống bảo mật tốt.
Ông Lê Nam Thắng, Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT - người nhiều năm phụ trách lĩnh vực viễn thông - nhận định, "Vấn đề cốt yếu không phải là phủ sóng dịch vụ 4G nhiều hay ít. Dù có phủ sóng đến 95% toàn quốc nhưng tốc độ đường truyền lại tậm tịt thì không thể gọi là dịch vụ 4G được.".