Sản phẩm thạch cao của Vilaco Hà Tĩnh tại Lào vẫn thiếu sức cạnh tranh so với các nước trong khu vực
Trao đổi về tình hình sản xuất kinh doanh những tháng đầu năm 2018, ông Lê Viết Thảo - Giám đốc Công ty Vilaco Hà Tĩnh cho biết: “Hiện nay, hoạt động khai thác khoáng sản của công ty tại Lào gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, từ tháng 2/2018 đến nay, Lào thực hiện tăng thu thuế xuất khẩu khoáng sản từ 7% lên 13%. Dự kiến, trong thời gian tới, các chính sách thuế của Lào tiếp tục có nhiều thay đổi nhằm siết chặt hơn nữa về xuất khẩu khoáng sản. Từ đây, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chiến lược sản xuất kinh doanh, nhất là nguồn thu của đơn vị".
Thuế phí tăng mạnh trong khi sức cạnh tranh của sản phẩm lại “yếu thế” hơn so với các nước trong khu vực cũng là một trở ngại lớn của Vilaco Hà Tĩnh. Thực tế cho thấy, hiện nay, các sản phẩm chế biến từ thạch cao của công ty ở Lào đều xuất về thị trường Việt Nam duy nhất bằng đường bộ. Trong khi đó, sản phẩm thạch cao của một số nước như: Thái Lan, Trung Quốc... lại xuất sang Việt Nam cả đường thủy lẫn đường bộ nên chi phí vận chuyển thấp hơn. Việc chênh lệch về giá thành là nguyên nhân căn bản khiến sản phẩm của Vilaco Hà Tĩnh giảm sức cạnh tranh trên thị trường.
Đường quốc tế 12 đoạn qua tỉnh Khăm Muộn vẫn ngập sâu trên chiều dài khoảng 3km...
Trong khi Công ty Vilaco Hà Tĩnh đang đối mặt với nhiều thách thức thì sự cố vỡ đập thủy điện Xepien Xenamnoy (thuộc huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, Lào) diễn ra vào ngày 23/7 vừa qua càng khiến cho tình hình thêm tồi tệ. Sự cố vỡ đập thủy điện tuy không ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất, song đã ảnh hưởng gián tiếp tới việc vận chuyển sản phẩm của đơn vị.
Sau vỡ đập, ở Lào diễn ra tình trạng ngập lụt trên diện rộng. Tuyến đường quốc tế số 12 nối liền đường số 13 thuộc tỉnh Khămmuộn của Lào với tỉnh Quảng Bình của Việt Nam bị ngập nặng. Để đảm bảo an toàn cho phương tiện và tránh cho đường khỏi chịu tải khi đang ngập, Lào đã cấm lưu thông qua đường số 12. Việc cấm đường diễn ra gần 1 tháng nay. Dự kiến 2 tuần nữa, chính phủ Lào mới cho phép thông đường.
... nên xe tải lớn đang bị cấm lưu thông
"Để duy trì hoạt động kinh doanh, công ty phải vận chuyển hàng hóa qua tuyến đường 9A. Như vậy, thay vì thông quan qua cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) thì nay, hàng hóa của công ty phải thông quan qua cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị). Quãng đường vì thế mà dài gấp đôi, tầm 250 km. Vilaco Hà Tĩnh đã phải bù lỗ cho chi phí vận chuyển này, ước tính hàng trăm triệu đồng" - Giám đốc Công ty Vilaco Hà Tĩnh ái ngại.
Thuế phí tăng cùng với sự cố vỡ đập thủy điện khiến doanh thu của Công ty Vilaco Hà Tĩnh giảm mạnh
Không chỉ bị ảnh hưởng bởi sự cố vỡ đập thủy điện tại Lào, tháng 7 và tháng 8 là thời điểm mưa nhiều nên hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị hiện cũng bị ngưng trệ. Theo đó, gần 2 tháng nay, công nhân hầu như nghỉ việc. Doanh thu của đơn vị cũng vì thế mà sụt giảm nghiêm trọng (bình quân hàng tháng đạt khoảng 15 tỷ đồng, riêng 2 tháng 7 và 8 chỉ đạt từ 7 - 8 tỷ đồng)...
Dù sự cố vỡ đập thủy điện Xepien Xenamnoy tại tỉnh Attapeu vừa qua đã ảnh hưởng khá lớn tới hoạt động SX-KD của doanh nghiệp nhưng mới đây, Công ty Vilaco Hà Tĩnh đã khâu nối qua chính quyền tỉnh Khăm Muộn để trao 30 suất quà trị giá gần 80 triệu đồng nhằm hỗ trợ, chia sẻ với những mất mát, đau thương đối với đồng bào bị thiệt hại tại tỉnh Attapeu. Điều này, thể hiện rõ tinh thần, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Hà Tĩnh khi tham gia sản xuất kinh doanh trên nước bạn Lào. |