Vợ chồng 8X "nổi khùng" đấu thầu đồng trũng dựng trang trại "hái" trăm triệu

(Baohatinh.vn) - Với nguồn thu mỗi năm hơn trăm triệu đồng, mô hình trang trại tổng hợp giữa vùng đồng trũng mênh mông của vợ chồng chị Nguyễn Thị Sơn (thôn Tây Bắc, Thường Nga, Can Lộc, Hà Tĩnh) đã mở ra hướng đi mới về dồn điền đổi thửa cho người dân nơi đây.

Những lứa thanh long đầu tiên đã cho mùa trái ngọt

Nhìn khu vực trồng các loại cây ăn trái được quy hoạch bài bản, hợp lý xen lẫn những hồ cá và trại chăn nuôi, Nguyễn Thị Sơn (SN 1985) không khỏi tự hào về thành quả lao động suốt 4 năm của hai vợ chồng.

Sơn cho biết: “Ý định làm trang trại của vợ chồng bắt đầu từ khoảng tháng 8/2015 khi xã cho đấu thầu vùng đồng trũng rộng khoảng 2 ha chỉ toàn cỏ lác. Ở vùng đất này, mỗi năm người dân chỉ sản xuất được 1 vụ lúa, năng suất lại không đáng là bao nên diện tích bỏ hoang rất lớn. Cũng vì thế, chúng tôi có ý tưởng mở rộng thêm trang trại bằng việc vận động bà con dồn điền, đổi thửa”.

Từ việc mạnh dạn dồn điền đổi thửa, vợ chồng Nguyễn Thị Sơn đã biến vùng đồng trũng hoang vu thành trang trại tổng hợp có quy mô rộng 5 ha

Từ sự đồng tình ủng hộ của chính quyền địa phương, vợ chồng Sơn đã đến từng gia đình có ruộng để vận động. Có những nhà hết sức ủng hộ và tạo mọi điều kiện nhưng cũng có gia đình phải đi rất nhiều lần.

Để bà con chấp thuận, ngoài vận động, vợ chồng Sơn đã mua lại những mảnh ruộng ở những vùng đất khác để đổi…. sự kiên trì và bền bỉ của đôi vợ chồng trẻ đã được đền đáp khi hơn 30 hộ dân có ruộng nơi cánh đồng trũng này đồng thuận đổi đất, thêm 3 ha trang trại được mở rộng.

Hơn 600 con vịt siêu trứng cũng đã mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình chị Nguyễn Thị Sơn

Lúc đó, nhìn cánh đồng nước mênh mông cỏ dại, nhiều người cho rằng vợ chồng Sơn quá liều, cũng có người chân tình khuyên can nên dừng bước. Bởi thế, cũng có lúc Sơn thực sự nản lòng và hoang mang trước quyết định của mình.

Thế nhưng, vượt lên tất cả, sự ủng hộ về vật chất, tinh thần của gia đình, cha mẹ và sự quyết tâm của chồng đã là động lực để gia đình tiếp tục thực hiện ý tưởng.

Vay mượn thêm nguồn vốn từ bạn bè, người thân, ngân hàng..., vợ chồng Sơn đã thuê hàng trăm công máy về múc đất để quy hoạch thành những vùng trồng cây ăn trái và chăn nuôi.

“Chúng tôi giành 2 ha mặt nước (những nơi múc đất để bồi cho khu quy hoạch trồng cây) để nuôi các loại cá thông thường như: trắm, chép, gáy, mè, rô phi, cá leo. Đây là những loại cá dễ thích nghi với môi trường sống, có sức chống chịu bệnh tật cao và quan trọng là thức ăn của cá được tận dụng từ nguồn cỏ dại trong trại nên giảm bớt được chi phí.

Diện tích còn lại trồng 1.300 trụ thanh long ruột đỏ và ruột trắng, 400 gốc ổi, táo và cam, bưởi. Ngoài ra, chúng tôi còn quy hoạch khu chăn nuôi lợn và chăn nuôi vịt siêu trứng với quy mô hơn 600 con đồng thời thả thêm hơn trăm con gà. Diện tích còn lại để trồng lúa phục vụ lương thực cho gia đình và chăn nuôi”.

Thương lái và người dân tìm đến tận trạng trại để thu mua sản phẩm

4 năm trôi qua, vùng đồng trũng hoang vu ngày nào đã trở thành trang trại sầm uất. Dưới bàn tay chăm bón của người lao động, vườn ổi, cam, bưởi đã bắt đầu bén rễ trên vùng đất mới.

Thấp thoáng bên những hồ cá, hơn 1.000 trụ thanh long cũng đã cho những mùa trái ngọt. Thương lái và bà con trong vùng cũng đã dần quen với một địa chỉ mới cung cấp trứng vịt và cá hồ… nên việc tiêu thụ sản phẩm với vợ chồng Sơn đã không còn là nỗi lo.

Nguồn thu nhập năm đầu tiên hơn trăm triệu đồng dẫu chưa nhiều so với công sức, tiền của đổ xuống, nhưng đây thực sự là tín hiệu vui, là nguồn động viên để Nguyễn Thị Sơn tiếp tục kiên trì với mục tiêu đã đặt ra.

Trong khu trại tổng hợp này, ổi đã bắt đầu kết trái, cam bưởi đã đơm hoa… tất cả đang hứa hẹn một mùa thu nhập mới.

Chủ đề Hoa đẹp núi hồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói