Ngoại trừ một vài phim của Woody Allen mà tôi xem ở rạp Fansland Hà Nội hồi cuối thập niên 90, Wonder Wheel là bộ phim đầu tiên của ông được nhập về chiếu chính thức tại các rạp chiếu ở Việt Nam. Hầu hết phim của ông tôi đều xem qua đĩa DVD mua ở nước ngoài hoặc trên các trang xem phim trực tuyến hiện nay.
Sự nghiệp của Woody Allen tỏa sáng nhất trong 2 thập niên 70, 80 với những tác phẩm xuất sắc như Annie Hall, Manhattan, Hannah and Her Sisters, Crimes and Misdemeanors, Broadway Danny Rose, Love and Death.
Trong 10 năm trở lại đây, ông một lần nữa ghi dấu ấn với Match Point, Midnight in Paris, Vicky Cristina Barcelona và Blue Jasmine. Woody Allen chắc chắn là một đạo diễn, biên kịch và diễn viên làm việc năng suất và hiệu quả nhất tôi từng biết.
Trong suốt hơn 5 thập niên qua, chưa năm nào Woody Allen không ra phim. Kinh khủng. Cảm giác viết kịch bản và làm phim với Woody Allen dễ như lấy kẹo trong túi ra ăn vậy.
Phim của Allen dĩ nhiên không dành cho số đông, nhưng có một lượng khán giả trung thành luôn chờ đón xem phim của ông, dù hay dù dở (trong đó có tôi). Fan của ông đông nhất ở châu Âu hơn là quê nhà (nhiều phim được chọn mở màn cho LHP Cannes mà gần đây nhất là Cafe Society).
Có lẽ do dân châu Âu phóng khoáng hơn, chỉ quan tâm đến các tác phẩm nghệ thuật của ông hơn là dân Mỹ, vốn bảo thủ, thường lôi nhân cách và những scandal tình ái, tình dục của ông (dù là những lời cáo buộc thiếu chứng cứ) ra để đánh giá một bộ phim.
Điểm sáng Kate Winslet
Và trong năm nay, khi vụ scandal tình dục gây rúng động ngành công nghiệp điện ảnh Hollywood, ông già 82 tuổi cần mẫn Woody Allen vẫn bị lôi ra để phán xét. Wonder Wheel, bộ phim mới nhất của ông - tôi đồ rằng cũng là nạn nhân của những trận đánh hội chợ quá khích này.
Kate Winslet tỏa sáng trong Wonder Wheel. |
Wonder Wheel, dĩ nhiên không phải tác phẩm xuất sắc nhất của Woody Allen, nhưng tất nhiên cũng không phải dở như đánh giá của hầu hết cây bút phê bình của Mỹ. Phim này ra mắt tháng 10 tại LHP New York, nhận được những đánh giá khá tích cực.
Trong đó, điểm thu hút nhất là diễn xuất của Kate Winslet, cô sớm được xem là một trong 5 ứng cử viên nữ diễn viên chính xuất sắc của Oscar 2018.
Nhưng khi vụ scandal tình dục nổ ra và phát tán ầm ĩ tại Hollywood với danh sách những cái tên nổi tiếng bị đưa ra ánh sáng, trong đó có scandal của Woody Allen, Wonder Wheel chịu sự ảnh hưởng không đáng có trong đánh giá của giới phê bình.
Wonder Wheel trình chiếu chính thức đầu tháng 12, lập tức nhận nhiều đánh giá tiêu cực, nhiều cây bút chỉ chấm 1/5 sao, tất nhiên vẫn có một số đánh giá tích cực ở mức 3, 4 sao. Tôi đọc khoảng dăm bài chỉ trích, hầu hết đều lôi chuyện bê bối tình dục của Woody Allen ra để đánh giá và phán xét bộ phim.
Bỏ hết những đánh giá ra ngoài tai, Wonder Wheel với tôi vẫn là một bộ phim thú vị và sắc sảo khi khai phá những cám dỗ và vỡ mộng của những ả đàn bà trung niên nông nổi, phù phiếm với một trái tim vụn vỡ.
Một bộ phim hồi cố có hương vị những năm 50 gợi nhớ đến Chuyến tàu mang tên dục vọng (A Streetcar Named Desire) của đạo diễn Elia Kazan, Revolutionary Road của Sam Mendes hay Blue Jasmine cũng của Woody Allen gần đây.
Những bộ phim về thập niên 50 tại Mỹ luôn có một hương vị rất đặc sắc. Đấy là giai đoạn mà phụ nữ Mỹ vẫn sống trong vòng kiềm tỏa của bổn phận và đạo đức giáo điều, của áp đặt phán xét từ những gã đàn ông trưởng giả, của những khao khát được sống với đam mê và bi kịch của những giấc mơ không thành.
Đấy là thời của những nhà viết kịch kiệt xuất của nước Mỹ như Tennesse Williams, Eugene O"Neill hay Arthur Miller. Ba ông hoàng này đã ném lên sân khấu những bi kịch vụn vỡ của những ả đàn bà nông nổi, nhẹ dạ và ngu muội trong tình yêu - phần nào gợi nhớ đến những vở kịch của các tên tuổi lớn châu Âu như Anton Chekhov (Nga), Henrik Ibsen (Na Uy) và August Strindberg (Thụy Điển)...
Ta nhớ gì về những nhân vật và bộ phim lấy bối cảnh thập niên 50? Tất nhiên phải kể đến Blanche DuBois (Vivien Leigh), người đàn bà với một trái tim thương tổn tìm đến New Orleans để nương nhờ cô em gái.
Hai người vốn có một mối quan hệ chị em lỏng lẻo, để rồi Blanche phải chịu thêm một lần tủi nhục nữa trước gã em chồng thô bạo (Marlon Brando) trong bộ phim A Streetcar Named Desire, chuyển thể từ vở kịch cùng tên của Tennesse Williams.
Đạo diễn Woody Allen. |
Người đàn bà vỡ mộng
Woody Allen thừa nhận chịu nhiều ảnh hưởng của Tennesse Williams khi biên kịch và đạo diễn Blue Jasmine, trong đó Cate Blanchett hóa thân thành nàng Jasmine phù phiếm cùng đường cũng phải tìm đến nương nhờ cô em gái ở California sau bao nhiêu năm không gặp mặt trong một câu chuyện bi kịch vừa là thừa hưởng vừa là phản đề của A Streetcar Named Desire.
Kate Winslet từng một lần hóa thân vào vai một người đàn bà vỡ mộng đến mức phải chọn cái chết để hóa giải nó trong bộ phim Revolutionary Road, chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của David Yates.
Và trong Wonder Wheel, Kate Winslet một lần nữa hóa thân vào vai Ginny, người đàn bà của thập niên 50 sống trong bế tắc với một cuộc hôn nhân vô vị và giấc mơ không thành, đang cố gắng giải thoát mình trong một cuộc tình vô vọng với gã trai trẻ làm chân phòng vệ bãi biển mơ thành nhà biên kịch (Justin Timberlake đóng).
Nếu Blue Jasmine là lời “tri ân” của Woody Allen dành cho Tennesse Williams thì trong Wonder Wheel, Woody Allen để nhân vật của ông nhắc nhiều đến Eugene O"Neill - nhà văn, nhà biên kịch từng đoạt giải Nobel văn chương với vở kịch kinh điển Long Day"s Journey into Night.
Có điều gì giống nhau giữa các nhân vật trong Wonder Wheel và các vở kịch của Eugene O’Neill? Đó chắc chắn là câu chuyện của những người đàn bà bị cuốn theo vòng xoáy cám dỗ, mắc những sai lầm do sự nhẹ dạ, nông nổi của mình, nhưng vẫn cố gắng duy trì hi vọng và khát vọng được làm lại cuộc đời.
Có điều, cuối cùng họ lại rơi vào tình trạng vỡ mộng khi sai lầm tiếp nối sai lầm, để lại một trái tim rạn vỡ trong một đường hầm không lối thoát.
Ginny từng là một diễn viên sân khấu, nhưng giấc mộng không thành và cuộc hôn nhân đầu tiên tan vỡ do ngoại tình với một gã kép đẹp trên sàn diễn khiến cuộc đời của cô lâm vào bế tắc.
Để giải thoát mình và đứa con nhỏ, Ginny phải chấp nhận lấy Humpty, một gã đàn ông lớn tuổi phàm phu tục tử và làm nghề phục vụ trong một quán bar ở bờ biển trong công viên trên đảo Coney để kiếm sống qua ngày.
Cuộc sống của Ginny là một chuỗi ngày bế tắc, gã chồng già tẻ nhạt, công việc vô vị, đứa con trai mới lớn mắc chứng cuồng phóng hỏa (pyromaniac) luôn gây rắc rối và hay ăn trộm tiền của bố dượng chui vào rạp xem phim gangster.
Chưa hết, đứa con gái riêng của Humpty là Carolina (Juno Temple), cô gái tóc vàng nông nổi, đang chạy trốn gã chồng gangster tìm về nương nhờ nhà bố ruột sau nhiều năm xa cách.
Carolina như là một phiên bản của Ginny thời trẻ, liên tục mắc sai lầm và lãnh hậu quả, nhưng đánh chết cũng chẳng chừa cái bản năng mơ mộng, nhẹ dạ đàn bà.
Trái tim rạn vỡ giữa ngã ba đường
Giữa cuộc sống nhàm chán và căng thẳng khiến Ginny luôn ở bên bờ vực của những cơn trầm cảm thất thường. Cô như được tái sinh khi gặp Mickey (Justin Timberlake), gã thanh niên trẻ hơn tuổi đang làm nghề cứu hộ bãi biển và khát khao trở thành nhà biên kịch lừng danh như Eugene O"Neill.
Phim có sự góp mặt của Justin Timberlake. |
Cả thể xác và tâm hồn của Ginny đều được giải thoát trong cuộc tình say đắm với Mickey và cô khao khát làm lại cuộc đời một lần nữa. Nhưng Mickey chỉ là một gã “prince charming” tìm thú vui và cảm giác qua đường, nhất là khi gã tình cờ gặp Carolina, cô gái tóc vàng trong mộng của bao gã đàn ông.
Giấc mơ được giải thoát chưa thành hình thì vụn vỡ một lần nữa, đẩy Ginny tiếp tục rơi vào những cơn trầm cảm và khiến cô hành xử như một ả đàn bà ngu ngốc, vô tâm.
Cái kết của Wonder Wheel phần nào giống với Blue Jasmine, tâm trạng của Ginny cũng phần nào giống Jasmine - đều là những người đàn bà mang một trái tim rạn vỡ ở ngã ba đường...
Một tứ truyện như thế, nhất là với một vai diễn đậm đặc đàn bà như Ginny qua diễn xuất xuất sắc của Kate Winslet thì tất nhiên không thể là một tác phẩm dễ dãi tầm thường. Hơn nữa Woody Allen chưa bao giờ để tác phẩm của mình rơi vào dễ dãi tầm thường.
Wonder Wheel có vẻ gần với một vở kịch sân khấu ba hồi phơi bày những góc tối trong bản chất con người (như hầu hết các bộ phim của Woody Allen), qua câu chuyện được kể lại bởi một gã đàn ông chứng kiến và trải nghiệm nó (trong phim này là qua lời dẫn của Mickey).
Dù vậy nó vẫn không thiếu những khuôn hình giàu chất điện ảnh qua ống kính của Vittorio Storaro, một trong những nhà quay phim có sự nghiệp đồ sộ cũng kéo dài trong suốt 5 thập kỷ.
Cách sử dụng ánh sáng và màu sắc (nổi bật với hai màu “midnight blue” và “sunset orange”) của Vittorio với những frame hình gây ấn tượng thị giác mạnh mẽ, tạo sự tương tác với chuyển động và như soi thấu tâm can của nhân vật, khiến việc thưởng thức Wonder Wheel ở rạp chiếu, với tôi là một trải nghiệm tuyệt vời.