VTV đơn độc trong tâm bão “bản quyền phát sóng World Cup 2018”

Hôm qua, đã rộ lên thông tin VTV đã có được bản quyền phát sóng World Cup 2018 trên lãnh thổ Việt Nam. Nguồn cơn của sự việc xuất phát từ việc một cán bộ nhà đài đã bình luận trên Facebook của Bình luận viên Anh Ngọc rằng VTV đã mua được bản quyền. Tuy nhiên, sau đó câu chuyện này được đính chính rằng chỉ là những lời bông đùa. Sự thực thì cuộc chiến bản quyền World Cup vẫn chưa kết thúc…

Tại sao lại nói đây là một cuộc chiến? Đơn giản là bởi tính chất căng thẳng và đấu trí của nó. Theo quy định của FIFA, bản quyền phát sóng vòng chung kết World Cup 2018 sẽ được phát sóng quảng bá rộng rãi cho người dân ở các quốc gia là thành viên của FIFA xem. Do đó, về nguyên tắc, đơn vị nào mua bản quyền cũng sẽ phải chia sẻ quyền phát sóng trên các kênh truyền hình quảng bá, phát miễn phí cho người dân trên cả nước được xem.

Điều này đương nhiên sẽ khiến các đơn vị truyền hình trả tiền không máu me trong việc đàm phán bản quyền phát sóng World Cup 2018. Và như thường lệ, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) lại chịu trách nhiệm lĩnh ấn tiên phong trong việc đàm phán bản quyền giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh này.

Vấn đề nằm ở chỗ, World Cup tuy là giải đấu được người hâm mộ túc cầu khắp hành tinh (kể cả Việt Nam) háo hức chờ đón. Nhưng lại không hẳn là một con gà đẻ trứng vàng với các nhà đài. Như đã đề cập ở trên, do quy định của FIFA bắt buộc ngày hội lớn của bóng đá thế giới phải được phát quảng bá nên World Cup hoàn toàn không có giá trị phát triển thuê bao cho các hãng truyền hình. Các nhà đài chỉ có thể trông chờ vào nguồn thu đến từ quảng cáo.

Thế nhưng, giải đấu này lại chỉ diễn ra trong vòng vỏn vẹn 1 tháng. Điều này sẽ khiến các nhà đài gặp khó khăn trong phương án kinh doanh, thu hồi vốn. Hơn nữa, World Cup chỉ có 64 trận đấu, và cũng không phải trận đấu nào cũng thu hút được sự chú ý. Gần như phải đến giai đoạn knock-out thì chất lượng các trận đấu mới được nâng lên, còn giai đoạn vòng bảng không thiếu những trận đấu “hạng lông” chẳng ai đoái hoài như Iran – Morocco, Panama – Tunisia… Nếu so sánh với Champions League hay Premier League thì rõ ràng khả năng sinh lời của World Cup là thấp hơn đáng kể.

Trong khi đó thì các đơn vị sở hữu bản quyền lại có vẻ “không biết điều”, luôn đưa ra một con số chào hàng tăng phi mã, thường là tăng gấp 2 lần sau mỗi kì World Cup. Cụ thể là năm 2006, FPT từng mua được bản quyền World Cup tại Việt Nam với giá 2 triệu USD. Đến năm 2010, mức giá tăng lên 3,5 triệu USD. Con số tiếp tục tăng lên 7 triệu USD vào năm 2014.

Còn năm nay theo nhiều nguồn tin, phía Infront Sports & Media – đơn vị đã chào bán bản quyền phát sóng World Cup ở Việt Nam muốn thu về 15 triệu USD (hơn 340 tỷ đồng). Hiện VTV và Infront Sports & Media vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong quá trình đàm phán, dù ngày bóng lăn ở Nga đã cận kề. Thậm chí, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang là quốc gia cuối cùng chưa có được quyền phát sóng World Cup.

Hiện cuộc đàm phán đang trở thành cuộc cân não của 2 bên. VTV tuy giữ quan điểm không mua bằng mọi giá, nhưng cũng chịu áp lực từ giới hâm mộ trong nước với trọng trách là đài quốc gia. Ngược lại, Infront Sports & Media nếu không bán cho VTV thì cũng chẳng bán được cho đối tác nào khác, bản quyền World Cup sẽ trở thành một thứ tài sản vô giá trị.

Không loại trừ khả năng người hâm mộ Việt Nam sẽ không thể theo dõi Messi thi đấu tại World Cup 2018 trên sóng truyền hình.

Thế nhưng, nếu đơn vị này vẫn quyết định “găng” đến cùng hoặc VTV không đáp ứng được con số thấp nhất mà Infront Sports & Media có thể dành cho họ thì nguy cơ khán giả Việt Nam không được xem World Cup trên sóng truyền hình là hoàn toàn có thật. Bởi cần biết rằng, dù Infront Sports & Media đưa ra mức giá 15 triệu USD với Việt Nam (có nguồn tin cho rằng giờ đã giảm xuống còn 11 triệu USD) thì nó vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với con số mà một số quốc gia cũng trong khu vực Đông Nam Á phải bỏ ra (Thái Lan đã phải chi 41 triệu USD, Singapore là 18,8 triệu USD).

Trên thực tế, với xu hướng tăng giá không ngừng của phí bản quyền truyền hình World Cup cũng như các giải đấu thể thao khác như hiện nay thì một mình nhà đài sẽ rất khó có khả năng đảm đương việc mua được bản quyền. Về lâu dài, có lẽ cần có 1 phương án dài hơi đồng hành cùng nhà đài trong những thương vụ “khó nhằn” như thế này, thay vì để VTV đơn độc trong tâm bão.

Ví dụ như ở Thái Lan, một số tập đoàn lớn nhất nước này đã góp tiền mua bản quyền phát sóng World Cup 2018 về phục vụ nhân dân. Còn ở Singapore, ba công ty Mediacorp, Singtel và StarHub hợp sức để chi 18,8 triệu USD để có được bản quyền phát sóng.

Theo CAND

Chủ đề World Cup 2018

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói