Nguy cơ về “chiến tranh giữa các vì sao mới” đã xuất hiện?

Tuy nhiên, quá trình hợp tác giữa hai bên không chỉ vì mục đích hòa bình, mà còn là cạnh tranh để giành ưu thế trên vũ trụ . Cả hai siêu cường đều hiểu rõ, ai làm chủ không gian sẽ có lợi thế rất lớn trên chiến trường tương lai.

Chính vì thế, không quá khó hiểu khi hơn một thập niên qua cả Nga và Mỹ đều có các chương trình phát triển vũ khí trên quỹ đạo. Đặc biệt sau xung đột tại Ukraine, cả Nga và Mỹ đều đã rút hoặc tạm đình chỉ các hiệp định và thỏa thuận ràng buộc về kiểm soát vũ khí đang tạo ra “khoảng trống” để khơi mào cho cuộc chạy đua vũ trang mới, trong đó có việc đưa vũ khí lên quỹ đạo trái đất.

Phương tiện bay không gian tuyệt mật của Mỹ

Mới đây, những thông tin về thiết bị bay không người lái tuyệt mật X-37B của Mỹ bí mật trở về trái đất sau chuyến bay kéo dài gần 2 năm trên quỹ đạo đã nhận được sự quan tâm lớn của giới chuyên gia quân sự. Phi thuyền không người lái này thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2010 và đến nay đã ở trên không gian tổng cộng hơn 10 năm, bay hơn 2 tỷ km trong 6 sứ mệnh.

Dù mục đích chính của chuyến bay được công khai là nghiên cứu các phương pháp chuyển đổi hiệu quả năng lượng mặt trời thành các loại năng lượng hữu ích khác dành cho thiết bị bay không người lái và tàu không gian.

Nguy cơ về “chiến tranh giữa các vì sao mới” đã xuất hiện?

Thiết bị bay không người lái tuyệt mật X-37B. Ảnh: Defense News.

“Sứ mệnh lần này nhấn mạnh sự tập trung của Quân chủng không gian vào việc phối hợp giữa thám hiểm không gian và mở rộng khả năng tiếp cận không gian chi phí thấp cho các đối tác của chúng tôi, trong và ngoài Bộ Không quân”, tướng Chance Saltzman, lãnh đạo các chiến dịch không gian của Lầu Năm Góc công bố.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát quân sự đã hoài nghi về tuyên bố trên của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA).

Chương trình phát triển thiết bị bay không gian đặc biệt X-37B được NASA và Boeing khởi động từ năm 1999 được cho là dự án vũ khí do Lầu Năm Góc lấy làm bình phong để tránh cáo buộc quân sự hóa vũ trụ. Mục tiêu chính của chương trình là phát triển các thiết bị vũ khí với mục đích chống vệ tinh của đối phương. Tới năm 2004, một phần mục đích phát triển Chương trình X-37B đã được công bố và thuộc phân loại lưỡng dụng, có thể sử dụng cho cả mục đích quân sự.

Theo đó, X-37B có thể hoạt động lâu dài trong không gian và tự cơ động quỹ đạo để theo sát các vệ tinh của đối phương. Khi cần, thiết bị bay X-37B có thể trang bị vũ khí để vô hiệu hóa hoặc tiêu diệt vệ tinh trong tầm kiểm soát. Tổng cộng, các nguyên mẫu X-37B đã thực hiện 6 chuyến bay vào không gian, trong đó chuyến bay thứ 5 có thời gian kéo dài kỷ lục tới 780 ngày trên quỹ đạo. Rất có thể, X-37B sẽ trở thành vũ khí của lực lượng không gian Mỹ trong tương lai gần.

Liên Xô cũng từng có chương trình tương tự X-37B

Trong giai đoạn 1960-1970, thời điểm cao trào của Chiến tranh Lạnh, trước mối đe dọa từ vệ tinh gián điệp của Mỹ, Liên Xô cũng từng theo đuổi chương trình phát triển thiết bị bay không gian vũ trang có khả năng tiêu diệt vệ tinh đối phương. Chịu trách nhiệm thiết kế chương trình mang mật danh “Xoắn ốc” là Tổ hợp thiết kế MiG với sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng công trình sư danh tiếng Artem Mikoyan.

Liên Xô phát triển một thiết bị bay không gian như tàu con thoi được đưa lên vũ trụ nhờ tên lửa đẩy Soyuz. Nguyên mẫu thiết bị với tên gọi “Sản phẩm 105-11” đã được thử nghiệm trên các máy bay ném bom hạng nặng của Không quân Liên Xô để thử nghiệm khả năng bay với vận tốc siêu thanh tới Mach 6 (gấp 6 lần tốc độ âm thanh). Một máy bay ném bom Tu-95KM cũng được hoán cải đặc biệt cho quá trình thử nghiệm “Sản phẩm 105-11”.

Nguy cơ về “chiến tranh giữa các vì sao mới” đã xuất hiện?

Trong quá khứ, Mỹ và Liên Xô từng có nhiều chương trình vũ khí dự kiến triển khai trên quỹ đạo trái đất.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng Liên Xô thời điểm đó là Andrey Grechko coi chương trình vũ khí không gian này là quá tham vọng và ẩn chứa nhiều nguy cơ nên đã tạm đóng băng quá trình phát triển.

Tuy nhiên, sau khi đoàn công tác Không quân Liên Xô khảo sát chương trình “Xoắn ốc” năm 1984, các chuyên gia đã ngạc nhiên về tư duy và các tiếp cận phát triển vũ khí mới của Tập đoàn MiG. Thậm chí, lãnh đạo Không quân Liên Xô, Ivan Silaev nhận định chương trình “Xoắn ốc” đã đi trước thời đại tới 50 năm.

Căn cứ vào các hình ảnh được công bố, nguyên mẫu “Sản phẩm 105-11” có rất nhiều nét tương đồng với X-37B và tàu con thoi Buran. Dù không rõ hướng tiếp cận công nghệ của phía Mỹ, nhưng rõ ràng với hàng loạt chuyến bay thử nghiệm thành công của X-37B, Lầu Năm Góc đã đạt được những tiến bộ công nghệ vượt xa Nga trong lĩnh vực này.

Mỹ nghi ngờ Nga đang phát triển vũ khí diệt vệ tinh thế hệ mới

Giới chuyên gia quân sự Mỹ gần đây đang hoài nghi về khả năng Nga âm thầm phát triển vũ khí diệt vệ tinh thế hệ mới. Tạp chí National Interest dẫn lời chuyên gia phân tích về các dự án không gian của Liên Xô và Nga, Bert Hendrix cho rằng, Moscow đang đạt được những bước tiến đáng kể với chương trình vũ khí không gian Bedevetnik. Dòng vũ khí này là một thiết bị bay không gian cỡ nhỏ, được thiết kế đủ để đặt trong tên lửa hàng không. Thiết bị diệt vệ tinh này có thể được ngụy trang như một tên lửa phóng từ máy bay thông thường.

Theo đó, bệ phóng của thiết bị là máy bay tiêm kích hạng nặng Mig-31BM để đưa tên lửa lên độ cao lớn. Khi đủ sơ tốc và cao độ, máy bay sẽ phóng tên lửa mang thiết bị diệt vệ tinh lên quỹ đạo. Sau khi tách khỏi tên lửa đẩy, thiết bị sẽ tự kích hoạt đầu dò tự dẫn để lao vào tiêu diệt vệ tinh đối phương.

Nguy cơ về “chiến tranh giữa các vì sao mới” đã xuất hiện?

Khi các định chế kiểm soát vũ khí giữa các siêu cường bị hủy bỏ hoặc tạm dừng, nguy cơ về “Chiến tranh giữa các vì sao” mới lại hiện hữu và nguy hiểm hơn với công nghệ ở thời điểm hiện tại.

Để dẫn chứng cho loại vũ khí diệt vệ tinh mới này, chuyên gia Bert Hendrix đã công bố một số bức ảnh về máy bay Mig-31BM mang các tên lửa có kích thước đặc biệt dưới thân. Chúng có kích thước quá khổ so với các dòng tên lửa phóng từ máy bay thông thường của Nga và nhiều khả năng đây chính là vũ khí chống vệ tinh mới. Theo lời ông Bert Hendrix, Nga đã thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh mới từ năm 2013, nhưng không rõ kết quả thử nghiệm và hoàn thiện của dòng vũ khí này đạt tới mức độ nào.

Rõ ràng, cả Nga và Mỹ đều đang sở hữu công nghệ đủ để theo đuổi các chương trình không gian với mục đích quân sự và là xu hướng tất yếu. Với hình thái chiến tranh hiện tại, bất kỳ nước nào có khả năng vô hiệu hóa bất ngờ một số vệ tinh chiến lược của đối phương sẽ có lợi thế chiến lược quan trọng khi các hệ thống chỉ huy tác chiến trên hải-lục-không quân, cũng như các loại tên lửa tấn công tiên tiến nhất đều hoạt động nhờ kết nối vệ tinh…

Theo QĐND

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast