Vụ xử công ty “ma” SCI: Bản cáo trạng quy kết tội danh cho các bị cáo?

(Baohatinh.vn) - Đó là lời khẳng định của 3 bị cáo Nguyễn Quang Chung, Lê Đình Quốc và Nguyễn Thị Bảo Hằng cùng các luật sư bào chữa sau khi nghe đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh công bố bản luận tội.

Sau 5 ngày tạm dừng phiên tòa để giám định chữ ký, tại phiên xử sáng nay, bị cáo Nguyễn Thị Bảo Hằng cùng Luật sư bào chữa đã được tiếp cận với 4 biên bản trong 4 bộ hồ sơ kiểm tra hoàn thuế. Qua xác minh, kiểm tra khẳng định, ¾ chữ ký của bị cáo là thật, 1 chữ ký tại 1 bản còn lại là giả mạo.

vu xu cong ty ma sci ban cao trang quy ket toi danh cho cac bi cao

Luật sư bào chữa cùng bị cáo giám định lại chữ ký

Phiên tòa bước vào phần tranh tụng, đại diện Viện kiểm sát công bố bản cáo trạng. Theo đó, mức án đề nghị dành cho các bị cáo lần lượt là: Nguyễn Quang Chung 20 năm tù giam, Nguyễn Thị Bảo Hằng 12-14 năm tù giam và Lê Đình Quốc 10-12 năm tù giam về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và Nguyễn Thị Tình từ 18-24 tháng tù treo về tội “Mua bán trái phép hóa đơn chứng từ”.

vu xu cong ty ma sci ban cao trang quy ket toi danh cho cac bi cao

Đại diện VKS công bố bản cáo trạng

Tuy nhiên, chỉ duy nhất bị cáo Nguyễn Thị Tình đồng tình với bản cáo trạng này. “Mong HĐXX xem xét, giảm nhẹ tội cho bị cáo. Gia cảnh khó khăn, bị cáo còn nuôi con nhỏ”, Tình giãi bày.

Riêng 3 bị cáo còn lại cùng các Luật sư bào chữa đã thể hiện sự bức xúc. Đồng thời, đưa ra các phản biện xung quanh bản luận tội này.

Bản cáo trạng có dựa trên sự thật khách quan?

vu xu cong ty ma sci ban cao trang quy ket toi danh cho cac bi cao

“Bị cáo xin khẳng định với HĐXX, bản cáo trạng này không xác định đúng sự thật khách quan của vụ án; chưa phát hiện hết những sai phạm trong các hồ sơ hoàn thuế. Các tài liệu, chứng cứ được nêu ra trong quá trình điều tra, truy tố là không hợp pháp, không có giá trị pháp lý theo quy định đã được Bộ luật TTHS 2015 quy định. Bên cạnh đó, các vật chứng, tài liệu hợp pháp lại không được cơ quan điều tra và viện kiểm sát sử dụng. Bản cáo trạng không xác định được cụ thể, chi tiết hóa đơn GTGT, hàng hóa, tiền tệ; thử hỏi, nếu không thuộc sở hữu hợp pháp của SCI thì của đối tượng nào? Cáo trạng cũng không đánh giá chi tiết các mối quan hệ diễn ra. Quá trình tố tụng diễn ra với ý kiến chủ quan từ phía cơ quan điều tra, viện kiểm sát và bị cáo sẽ có phản biện chi tiết với từng chứng cứ đã đưa ra trong bản luận tội này”, Nguyễn Quang Chung khẳng định.

Cùng chung ý kiến với Chung, Bảo Hằng thể hiện rõ sự bức xúc: “Cáo trạng nêu rằng tôi là kế toán tại SCI từ ngày 20/9/2014 là hoàn toàn sai. Bởi lẽ thời gian tôi bắt đầu công việc là ngày 15/11/2014. Cáo trạng nói tôi ký hợp đồng với Công ty Vinh Hiền từ ngày 1/10/2014 trong khi 15/11/2014 tôi mới đi làm. Toàn bộ hoạt động của Công ty không hề được biết, tại sao lại nói tôi là đồng phạm? Tất cả hồ sơ hoàn thuế đều đúng nguyên tắc, tờ khai hải quan cũng được thông qua, thử hỏi tôi làm khống cái gì? Vậy chẳng hóa ra tờ khai hải quan cũng là khống? Tôi không vẽ ra những số liệu như trong cáo trạng đã viết. Nếu lừa đảo tôi phải có mục đích nhưng thực tế, ngoài đồng lương 4 triệu đồng/tháng, công ty còn nợ tôi 2-3 tháng lương chưa trả. Tôi chỉ là một kế toán thử việc, tư cách nào để tôi lừa đảo? Bản cáo trạng quy chụp tôi trong khi trên thực tế tôi chỉ là một nạn nhân bị lợi dụng”.

Lê Đình Quốc cũng nhấn mạnh, bị cáo chỉ là nạn nhân và bị Chung dựng lên với chức danh pháp lý “hữu danh vô thực”. Cáo trạng nêu rằng bị cáo sang Lào để nạp tiền trong các cuộc giao dịch với công ty SP nhưng bị cáo chưa hề biết tiếng Lào. Tất cả những lần giao dịch tại Lào đều có Chung và Dũng đi cùng; đồng thời bị cáo chỉ biết nghe theo những gì hai người này sai bảo. Bị cáo cũng đề nghị HĐXX xem xét và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người có hành vi sai trái liên quan đến vụ án này.

Luật sư bào chữa yêu cầu viện kiểm sát làm rõ chứng cứ buộc tội

Dẫn giải quy định của pháp luật tại phần tranh tụng, Luật sư Trần Vũ Hải nhắc lại: “Về nguyên tắc, bản luận tội phải đầy đủ chứng cứ và nhận định. Theo quy định tại điều 321 của Bộ luật TTHS 2015, các chứng cứ, tài liệu phải được đưa ra tại tòa. Tại phần xét hỏi, tôi đã nhiều lần yêu cầu viện kiểm sát đưa ra các chứng cứ buộc tội nhưng vị này không thực hiện. Trong quá trình buộc tội, phải phân tích vai trò của các bị cáo là chủ mưu hay giúp sức, đồng phạm như thế nào, từ đó mới áp dụng các quy định của pháp luật”.

vu xu cong ty ma sci ban cao trang quy ket toi danh cho cac bi cao

Luật sư Trần Vũ Hải: Trong vụ án này, Chung khẳng định không chiếm đoạt tiền hoàn thuế do hàng hóa có thật và đã được Hải quan xác nhận; tôi muốn VKS đưa ra chứng cứ có đủ độ tin cậy và cơ sở pháp lý về việc các bị cáo chiếm đoạt tiền hoàn thuế.

Luật sư cũng đưa ra 3 trường hợp: hàng hóa và hóa đơn thật; hàng hóa thật nhưng không khớp với hóa đơn; hàng hóa và hóa đơn khống. Đồng thời cho rằng VKS chỉ đưa ra chứng cứ buộc tội đối với trường hợp thứ 3 dựa trên lời khai không khách quan. Tuy nhiên, do những người này không có mặt tại phiên tòa, không trải qua quá trình đối chất nên chi tiết này vẫn đang là dấu hỏi lớn đối với những người tham gia tố tụng.

Quá trình mua bán hàng hóa, SCI đóng vai trò trung gian và theo nhận định của luật sư, đây là vấn đề “tay 3”. Cơ quan điều tra đã thu giữ một số tài liệu nhưng không xác định, làm rõ các tình tiết liên quan đến vụ án. Luật sư cũng nói rõ, trong quá trình điều tra, luôn đề cao nguyên tắc suy đoán vô tội, không được kết tội người khác khi không có đầy đủ chứng cứ để chứng minh.

Luật sư cũng đề nghị cần triệu tập những người có liên quan trong vụ án đến tham dự phiên tòa. Điều này sẽ góp phần quan trọng đưa vụ án ra ánh sáng.

Luật sư Diện – người bào chữa cho bị cáo Hằng cũng nêu ra một thực tế, theo diễn biến tâm lý tội phạm kinh tế, việc thực hiện hành vi sai trái phải đạt được mục đích nhất định. Nhưng bản thân Hằng lại chỉ được trả 4 triệu đồng tiền lương/tháng và vẫn còn bị nợ lương trong 2-3 tháng nên việc quy chụp Hằng là đồng phạm giúp sức cho Chung lập khống hóa đơn, chứng từ để chiếm đoạt tiền hoàn thuế là không thuyết phục

Đồng tình với đồng nghiệp, Luật sư Trần Đình Triển đề nghị HĐXX cần trả hồ sơ, điều tra lại. Quá trình điều tra phải công bằng, khách quan trên cơ sở xem xét mức độ, hành vi phạm tội của các bị cáo và tuyệt đối không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm.

Kiểm tra hoàn thuế và những sai phạm nghiêm trọng

vu xu cong ty ma sci ban cao trang quy ket toi danh cho cac bi cao

Tại phần tranh tụng, các luật sư liên tục đưa ra quan điểm về những sai phạm trong quá trình kiểm tra hoàn thuế. Vị này cho rằng, cán bộ thuế đã phạm các sai lầm nghiêm trọng. Cụ thể: Biên bản kiểm tra hoàn thuế lần 1 có chữ ký của Nguyễn Thị Bảo Hằng và Lê Đình Quốc. Nhưng trên thực tế đã được xác minh, buổi chiều trước ngày kiểm tra Quốc vẫn đang ở Gia Lai. Theo lập luận của cơ quan điều tra, Quốc có thể có mặt tại lần kiểm tra này nếu di chuyển bằng máy bay nhưng căn cứ vào lời khai tại phiên tòa, Quốc chưa từng đi phương tiện này và HĐXX có thể xác minh thông qua số vé bán ra tại các cơ quan vận tải. Giám đốc Lê Đình Quốc không hề có giấy ủy quyền cho Nguyễn Quang Chung và Nguyễn Tiến Dũng nhưng cán bộ thuế vẫn tiến hành làm việc với những người không có ủy quyền (trái với quy định của luật trong quá trình kiểm tra hoàn thuế đối với DN rủi ro cao phải có người đại diện theo pháp luật).

Biên bản ghi rõ, quá trình kiểm tra tại trụ sở Công ty SCI nhưng thực tế, cán bộ thuế lại khai ở nhà kế toán và nhà Chung, Hằng lại cho rằng ở khách sạn Ruby. Như vậy, cán bộ thuế đã khai báo gian dối về địa điểm kiểm tra. Tại phiên tòa này, cán bộ thuế đã trích dẫn thông tư của Bộ Tài chính về việc có thể kiểm tra ở nơi có tài sản nhưng luật sư đã phủ nhận. Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2015, việc kiểm tra sổ sách, chứng từ phải được thực hiện tại trụ sở công ty và rõ ràng, cán bộ thuế cũng biết điều này. Trong trường hợp trụ sở công ty không đủ các điều kiện làm việc, cán bộ thuế phải chụp ảnh, miêu tả và ghi rõ tình hình cụ thể, đây là nguyên tắc đã được pháp luật quy định. Biên bản kiểm tra hoàn thuế là một phần của hồ sơ hoàn thuế, cán bộ thuế cần phải ghi rõ ông Chung có mặt và không có giấy ủy quyền. Nhưng trong trường hợp này, cán bộ thuế không thực hiện công việc đó. Vì vậy, việc kiểm tra hoàn thuế không được coi là hợp lệ!

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Trần Vũ Hải khẳng định: Ngay từ đầu cán bộ thuế đã làm sai quy định của Luật Quản lý thuế và Luật Doanh nghiệp. Đồng thời, cơ quan điều tra cần phải làm rõ hành vi cố ý làm trái trong quá trình kiểm tra hoàn thuế và báo cáo gian dối với cấp trên. Trong lần kiểm tra thứ 2 vào ngày 21/4, cán bộ thuế có khai nhận đã gửi quyết định kiểm tra về cho DN vào ngày 20/4. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra ở đây là nếu gửi vào ngày 20 thì trong ngày hôm đó có kịp để DN nhận thông báo và tiến hành kiểm tra vào sáng 21? Bác bỏ lời khai này của ông Trần Đại Vệ, Chung khai nhận ông Vệ chỉ gọi điện thông báo với bị cáo.

Về thời hạn giải quyết hoàn thuế, theo quy định của Thông tư 99/2016/TT-BTC, cơ quan thuế tiến hành kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế và ban hành quyết định hoàn thuế trong thời hạn không quá 40 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hoàn thuế (HSHT). Nếu hết thời hạn 40 ngày vẫn chưa xác minh được thì phải ra quyết định hoàn thuế. Tuy nhiên, dù chưa có kết quả xác minh hóa đơn, văn bản trả lời từ các địa phương có liên quan, đoàn kiểm tra vẫn vội vàng chấp thuận cho Công ty SCI hoàn thuế vào ngày 9/6 (chỉ sau 5 ngày).

Ngay cả lời khai của cán bộ trong 3 lần kiểm tra cũng phát sinh mâu thuẫn. Nếu trước đây, cán bộ thuế khai nhận chỉ đến thẳng trụ sở công ty thì nay lại đến nhà kế toán.

Sau khi sự việc xảy ra và bị công an "sờ gáy", Hằng khai đoàn kiểm tra đã đến nhà bị cáo yêu cầu hủy, hợp thức một số giấy tờ. Trong biên bản ghi rõ những người tham gia cùng ký nhưng thực tế, Hằng và Quốc đều không ký. Ngoài ra, cán bộ thuế còn không có ý kiến khi Chung giả mạo chữ ký của Quốc. Có thể thấy, một biên bản quan trọng liên quan đến ngân sách Nhà nước song cán bộ thuế đã làm việc rất cẩu thả!

Kết thúc phần tranh tụng của mình, các luật sư khẳng định: Nếu coi Lê Đình Quốc là đồng phạm của Nguyễn Quang Chung thì cán bộ thuế cũng phải chịu trách nhiệm. Bởi lẽ, Quốc có vị trí, vai trò mờ nhạt trong hoạt động của Công ty và nhận thức pháp luật thấp trong khi cán bộ thuế lại dày dặn kinh nghiệm trong quá trình công tác.

Chiều nay, phiên tranh tụng tiếp tục với phần lập luận của đại diện Viện Kiểm sát.

Chủ đề Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Đọc thêm

“Đi bão” - khi không còn là hiện tượng?

“Đi bão” - khi không còn là hiện tượng?

Thời gian gần đây, một số nhóm thanh thiếu niên tụ tập đi xe máy mang theo hung khí, lạng lách, đánh võng, rú ga trên một số tuyến đường ở Hà Tĩnh đã gióng lên hồi chuông báo động.
Hứa… không giữ lời hứa!

Hứa… không giữ lời hứa!

Lừa góp vốn đầu tư làm ăn rồi chiếm đoạt của một bị hại ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) số tiền 1,6 tỷ đồng, nhưng bị cáo Nguyễn Đức Hứa (trú tỉnh Bình Dương) vẫn quanh co chối tội.
Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Nhiệm kỳ qua, Hội Luật gia Hà Tĩnh đã phát huy trí tuệ, trách nhiệm trong việc tích cực tham gia xây dựng chính sách pháp luật; góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT-XH, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
“Phông bạt” để lừa đảo

“Phông bạt” để lừa đảo

Không có chức quyền trong xã hội nhưng Tô Thị Vĩnh vẫn “phông bạt”, tự tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo để lừa đảo, kết cục là bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tuyên 18 năm tù giam.