Tăng quyền xử phạt hành chính cho công an xã

Theo quy định mới, trưởng công an cấp xã có quyền phạt tiền đến 50% mức tối đa, tương đương quyền của giám đốc công an tỉnh (cũ).

Đây là nội dung mới được đề cập trong Nghị định 189/2025, quy định chi tiết về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của 14 nhóm cán bộ có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Thẩm quyền này trước đây được quy định tại các điều từ 38-51 của Luật xử lý vi phạm hành chính cũ. Với việc Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi bổ sung năm 2025 vừa có hiệu lực hôm 1/7, 14 điều này được bãi bỏ và được tách riêng thành Nghị định 189 này.

Thẩm quyền của công an nhân dân (CAND) được quy định tại điều 8 của Nghị định với cụ thể từng chức danh, từ chiến sĩ, đến trưởng công an xã, giám đốc công an cấp tỉnh và các cục trưởng... theo hướng tăng thẩm quyền so với quy định cũ.

Cụ thể, từ 1/7, chiến sĩ CAND đang thi hành công vụ có quyền: a) phạt cảnh cáo; b) phạt tiền đến 10% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng; c) tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 2 lần mức tiền phạt tại điểm b.

Trước đây, chiến sĩ CAND chỉ được phạt tiền đến 1% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng nhưng không quá 500.000 đồng; không có quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Công an phường tại Hà Nội nhắc nhở các cửa hàng trong thời gian giãn cách dịch Covid-19. Ảnh: Giang Huy
Công an phường tại Hà Nội nhắc nhở các cửa hàng trong thời gian giãn cách dịch Covid-19. Ảnh: Giang Huy

Nghị định 189 cũng trao quyền cho thủ trưởng đơn vị cảnh sát cơ động cấp đại đội được phạt đến 20% mức phạt tiền tối đa (mức cũ là 3%, không quá 1,5 triệu đồng); trưởng đồn công an, thủ trưởng đơn vị cảnh sát cơ động cấp tiểu đoàn... được quyền phạt tiền đến 30% mức tối đa (mức cũ là 5%, không quá 2,5 triệu đồng).

Người giữ chức danh này còn có quyền tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn cá nhân, tổ chức vi phạm.

Cũng theo quy định mới, trưởng công an cấp xã ngoài các quyền phạt cảnh cáo, tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và buộc khắc phục hậu quả còn có quyền phạt tiền đến 50% mức tiền phạt tối đa.

Như vậy, thẩm quyền phạt tiền của trưởng công an cấp xã hiện tại ngang với giám đốc công an tỉnh theo quy định cũ.

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của trưởng công an xã Thẩm quyền xử phạt của Giám đốc công an tỉnh
Khoản 4, Điều 8, Nghị định 189/2025 (hiệu lực từ 1/7/2025) Khoản 5, Điều 39, Luật xử lý vi phạm hành chính (bãi bỏ từ 1/7/2025)
Trưởng Công an cấp xã có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 50% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 50% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 100.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
đ) Giám đốc Công an cấp tỉnh quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất;
e) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c, đ, i và k khoản 1 Điều 28 của Luật này.

Theo luật mới, giám đốc công an tỉnh có quyền phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực tương ứng - mức trước đây chỉ các cục trưởng thuộc Bộ Công an mới có quyền quyết định.

Về quyết định xử phạt trục xuất, theo quy định cũ đây là thẩm quyền của giám đốc công an tỉnh và cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh. Từ ngày 1/7, quyền này được mở rộng cho cả Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh thuộc Công an tỉnh.

Tương tự công an nhân dân, 13 nhóm cán bộ có thẩm quyền xử phạt hành chính còn lại cũng được tăng quyền xử phạt, theo quy định mới.

Theo đó, chủ tịch xã có quyền phạt tiền tới 50% mức tiền phạt tối đa với lĩnh vực tương ứng, tức cao gấp 5 lần quy định cũ (10%, không quá 5 triệu đồng). Người giữ chức này còn có quyền tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn. Đây là hai quyền mà trước đây chỉ được giao cho chủ tịch UBND cấp huyện.

Sự thay đổi này đến từ vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp, bỏ cấp huyện từ 1/7.

Cán bộ thi hành án dân sự TP Hải Phòng trong buổi cưỡng chế thi hành án dân sự tháng 7/2023. Ảnh: Công an Hải Phòng
Cán bộ thi hành án dân sự TP Hải Phòng trong buổi cưỡng chế thi hành án dân sự tháng 7/2023. Ảnh: Công an Hải Phòng

Bên cạnh đó, Nghị định cũng thu hẹp đối tượng được xử phạt hành chính, ví dụ trong cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên đã không còn quyền xử phạt hành chính. Theo quy định cũ, chấp hành viên thi hành án dân sự đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo và phạt tiền đến 500.000 đồng.

Hiện quyền này được phân cho hai cấp: thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, có quyền phạt tiền đến 50% mức tiền phạt tối đa (luật cũ quy định là 20 triệu đồng); và cục trưởng Quản lý thi hành án, được phạt tiền đến mức tối đa. >> Xem chi tiết

Theo Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, mức phạt tiền tối đa dành cho cá nhân là một tỷ đồng, và cho tổ chức là hai tỷ đồng.

vnexpress.net

Đọc thêm

Những người “gác cửa” pháp luật từ cơ sở

Những người “gác cửa” pháp luật từ cơ sở

Dù ở bất kỳ địa bàn nào, đội ngũ công chức phụ trách lĩnh vực tư pháp xã, phường tại Hà Tĩnh đều nỗ lực trở thành "cánh tay nối dài" của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được thực hiện một cách tốt nhất.
Tăng gấp đôi hình phạt tiền với 24 tội danh

Tăng gấp đôi hình phạt tiền với 24 tội danh

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự nâng gấp 2 lần hình phạt tiền với 24 tội danh, tập trung vào nhóm tội về hàng giả, môi trường, an toàn thực phẩm, tham nhũng...
Người dân đăng ký xe thế nào từ 1/7?

Người dân đăng ký xe thế nào từ 1/7?

Người dân hoặc tổ chức có nhu cầu đăng ký xe ô tô, mô tô, xe máy chuyên dùng có thể được lựa chọn đăng ký xe tại Phòng CSGT hoặc bất cứ công an cấp xã nào trong địa bàn tỉnh, thành phố mà mình đang cư trú hoặc có trụ sở.
Bất an khi trạm điện đầu nguồn Sông Trí "tê liệt"

Bất an khi trạm điện đầu nguồn Sông Trí "tê liệt"

Trạm biến áp Thượng nguồn Sông Trí tại xã Kỳ Hoa, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) gặp sự cố, hư hỏng từ năm 2023 nhưng đến nay chưa được khắc phục khiến những người làm công tác vận hành hồ chứa gặp nhiều khó khăn.