Tháng 6/2025, TAND TP Hà Tĩnh cũ (nay là TAND khu vực 1) mở phiên tòa dân sự sơ thẩm xét xử tranh chấp về thừa kế tài sản. Nguyên đơn là bà N.T.T. và bị đơn không ai khác, là… con ruột - ông T.N.S.

Theo nội dung vụ án, vợ chồng bà T. tổ chức đám cưới vào năm 1960. Quá trình chung sống, vợ chồng ông bà sinh được 4 người con và tạo lập được thửa đất có diện tích 1.200m2 tại Thạch Quý, TP Hà Tĩnh cũ (nay là phường Thành Sen).
Năm 2017, vợ chồng bà T. làm thủ tục tặng đất cho tất cả các con. Phần đất 225m2 còn lại, vợ chồng để sử dụng và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) - thửa đất số 89.
Năm 2021, ông mất không để lại di chúc, bà T. thường xuyên ốm đau nên muốn bán thửa đất số 89 nhưng nhiều lần bị con trai là ông T.N.S. ngăn cản, xúc phạm. Vì vậy, bà làm đơn khởi kiện yêu cầu tòa án công nhận 1/2 diện tích đất tại thửa đất số 89 thuộc quyền quản lý, sử dụng của bà; đồng thời, chia thừa kế cho các đồng thừa kế đối với di sản chồng bà để lại là 1/2 diện tích tại thửa 89.

Tại phiên tòa, hội đồng xét xử đã đưa ra các nhận định về từng nội dung liên quan; chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà T; giao toàn bộ diện tích 225m2 cho bà T. được quyền quản lý, sử dụng (do đã làm nhà kiên cố trên phần lớn diện tích đất, không đủ diện tích đất tối thiểu để tách thửa nên giao toàn bộ đất cho bà). Đồng thời, bà T. có nghĩa vụ thanh toán số tiền 195 triệu đồng cho ông S. (tiền kỷ phần di sản thừa kế mà ông S. được hưởng - kỷ phần thừa kế là phần thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc, mà theo quy định của pháp luật).

Trước đó, tháng 1/2025, TAND tỉnh đã mở phiên tòa xét xử tranh chấp di sản thừa kế và yêu cầu hủy GCNQSDĐ; nguyên đơn là ông N.Đ.L. và bị đơn là em trai ruột N.Đ.C.
Lúc còn sống, bố mẹ ông L. tạo lập được khối tài sản là thửa đất số 300 có diện tích 2.500m2 tại xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân cũ (nay là xã Nghi Xuân). Năm 2015, bố ông L. và ông C. mất và không để lại di chúc, thời điểm này, thửa đất chưa được cấp GCNQSDĐ lần đầu. Đến năm 2016, ông C. tự ý kê khai xin cấp GCNQSDĐ, mọi thành viên không hề hay biết. Việc ông C. tự ý kê khai cấp GCNQSDĐ là trái pháp luật vì không có giấy tờ tài liệu, chứng cứ phản ánh việc bố mẹ thừa kế hay tặng cho ông C.; không có biên bản họp gia đình đồng ý giao đất nên việc cấp GCNQSDĐ do ông C. tự ý kê khai, không có bất kỳ văn bản thỏa thuận nào của hàng thừa kế thứ nhất.
Trên cơ sở xem xét, đánh giá các tình tiết, TAND tỉnh đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, đồng thời, hủy GCNQSDĐ đã cấp cho ông C.
Từ ngày 1/1 - 30/6/2025, TAND 2 cấp tỉnh Hà Tĩnh đã thụ lý, giải quyết 333/552 vụ, việc dân sự, kinh doanh thương mại; tăng 68 vụ việc (14%) so với cùng kỳ. Trong đó, tranh chấp liên quan đến đất đai chiếm tỷ lệ lớn nhất (46,5%), tranh chấp về thừa kế tài sản chiếm 5,9%. Các vụ án tranh chấp đất đai có xu hướng gia tăng, tính chất phức tạp, nhất là giữa những người trong gia đình, dòng họ.

Luật sư Phan Văn Chiều - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Châu khuyến cáo: “Để ngăn ngừa tranh chấp thừa kế, quan trọng nhất là phải lập di chúc rõ ràng, minh bạch. Di chúc phải được lập theo đúng quy định, có thể là di chúc miệng (trong một số trường hợp đặc biệt) hoặc di chúc bằng văn bản có công chứng, chứng thực. Bên cạnh đó, thường xuyên xem xét và cập nhật di chúc khi có thay đổi về tài sản hoặc người thừa kế”.
Cũng theo Luật sư Chiều, việc lập di chúc đối với tài sản của cá nhân là điều hết sức cần thiết, không chỉ thể hiện tình cảm, nguyện vọng của cha mẹ trước lúc qua đời mà còn tránh phát sinh mâu thuẫn trong chính gia đình. Khi lập di chúc, nên tìm đến sự hỗ trợ của người am hiểu pháp luật để hiểu rõ quy định về thừa kế.