Thời gian gần đây, trên địa bàn Hà Tĩnh xuất hiện các vụ lừa đảo tinh vi dưới chiêu trò “bắt cóc online” nhằm tống tiền, gây hoang mang dư luận. Các đối tượng mạo danh lực lượng công an, sử dụng công nghệ cao để thao túng tâm lý nạn nhân, buộc họ phải cung cấp thông tin cá nhân hoặc chuyển tiền cho chúng.
Đây là hồi chuông cảnh báo về sự cần thiết phải nâng cao cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo ngày càng biến tướng.

Mới đây, vào sáng 3/7, một nam thanh niên trên địa bàn xã Đức Thịnh (huyện Đức Thọ cũ) nhận được cuộc gọi video từ đối tượng tự xưng là cán bộ Phòng Cảnh sát ma túy - Công an TP. HCM. Kẻ lừa đảo cáo buộc nạn nhân liên quan đến đường dây ma túy và yêu cầu lập tức rời nhà, thuê phòng khách sạn để “làm việc riêng”. Bằng thủ đoạn tinh vi, nhóm lừa đảo đã mặc cảnh phục, dàn dựng cảnh thẩm vấn qua nền tảng Zoom để thao túng tâm lý nạn nhân.
Sau đó, chúng ép buộc thanh niên này cắt liên lạc với người thân và nhắn tin về nhà, viện lý do nợ lô đề, yêu cầu gia đình chuyển gấp 220 triệu đồng. Toàn bộ nội dung tin nhắn và cuộc gọi đều do các đối tượng soạn sẵn, buộc nạn nhân phải làm theo.
May mắn thay, phát hiện dấu hiệu bất thường, người thân nạn nhân đã kịp thời trình báo công an. Nhận được tin báo, Công an xã Đức Thịnh đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh Hà Tĩnh) nhanh chóng xác định vị trí và giải cứu thành công nạn nhân vào lúc 16h30 cùng ngày, đồng thời thu giữ các thiết bị liên quan để phục vụ điều tra.

Hay trước đó, vào ngày 29/5, em N.C.H. (SN 2008, trú thị trấn Phố Châu, nay là xã Hương Sơn) bất ngờ nhận được cuộc điện thoại từ một người lạ, yêu cầu kết bạn Zalo để gửi ảnh đơn hàng. Ngay sau khi kết bạn, đối tượng chủ động gọi video cho em H., trong đó có hình ảnh một người mặc quân phục cảnh sát đang hỏi cung một đối tượng khác, người này khai nhận em H. có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy. Tiếp đó, em H. nhận được "lệnh bắt giữ" cùng nhiều lời đe dọa không được nói cho ai biết, nếu không sẽ bị bắt ngay lập tức.
Đối tượng yêu cầu em H. đem theo căn cước công dân, điện thoại di động, máy tính xách tay đi vào một nhà nghỉ trên địa bàn xã Hương Sơn để “làm việc kín đáo”. Do hoảng sợ, H. đã làm theo. Tại nhà nghỉ, các đối tượng tiếp tục thao túng tâm lý, buộc H. chia sẻ màn hình, đăng nhập vào các tài khoản mạng xã hội và tài khoản ngân hàng để kiểm tra. Sau đó, chúng yêu cầu em H. nộp tiền để chứng minh bản thân trong sạch, hướng dẫn em vay tiền qua ID Apple (tài khoản iCloud điện thoại iPhone). Sau khi vay 3,2 triệu đồng, em H. đã chuyển toàn bộ số tiền này vào tài khoản ngân hàng của đối tượng.
Chưa dừng lại, các đối tượng tiếp tục yêu cầu em H. hợp tác đóng giả một vụ bắt cóc để lừa bố mẹ chuộc với số tiền 50 triệu đồng. Chúng đã soạn sẵn tin nhắn mẫu, yêu cầu em H. gửi cho bố mẹ và liên tục thúc giục gia đình chuyển tiền. Ngay sau khi nhận được tin báo từ gia đình, Công an xã Hương Sơn đã kịp thời ngăn chặn việc chuyển tiền và tìm kiếm em H.

Theo số liệu từ Công an tỉnh Hà Tĩnh, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã khởi tố 16 vụ với 46 bị can liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Các đối tượng lừa đảo hoạt động chuyên nghiệp, có tổ chức và sử dụng công nghệ cao, thay đổi thủ đoạn liên tục. Nạn nhân của các vụ lừa đảo qua mạng đa phần là do mất cảnh giác, thiếu thông tin hoặc quá lo sợ, quá tin tưởng vào các thông báo giả mạo.
Chị N.T.L. (phường Thành Sen) chia sẻ: “Thực sự, những thủ đoạn lừa đảo này quá tinh vi và khó lường. Tôi nghĩ, điều quan trọng nhất là mỗi người dân cần phải thật bình tĩnh và tỉnh táo trước mọi thông tin lạ, nhất là những yêu cầu liên quan đến tiền bạc hay thông tin cá nhân. Chúng ta cần tìm hiểu kỹ, hỏi ý kiến người thân hoặc báo ngay cho công an để tránh “tiền mất tật mang".
Trước những thủ đoạn lừa đảo tinh vi và táo tợn của tội phạm công nghệ cao, việc trang bị kiến thức và nâng cao cảnh giác cho mỗi người dân trở thành yếu tố then chốt. Để không trở thành nạn nhân của những chiêu trò "bắt cóc online" hay các hình thức lừa đảo khác, người dân cần nắm rõ các khuyến cáo quan trọng từ cơ quan chức năng.

Theo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Hà Tĩnh), khi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần hết sức bình tĩnh, không hoảng loạn khi có người tự xưng là công an, viện kiểm sát hoặc các cơ quan chức năng khác yêu cầu làm việc qua điện thoại. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, hay mã OTP cho bất kỳ ai qua điện thoại, tin nhắn hay các nền tảng trực tuyến khác. Không chuyển tiền theo yêu cầu khi chưa xác minh rõ ràng thông tin.
Khi có bất kỳ nghi ngờ nào, hãy liên hệ ngay cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ kịp thời. Đặc biệt, hãy thông báo cho người thân ngay lập tức nếu có yêu cầu "cách ly" hoặc "bí mật" không được tiết lộ cho bất kỳ ai. Cần chú ý nâng cao cảnh giác cho người già, trẻ em và những người thường xuyên ở nhà một mình, vì đây là những đối tượng dễ bị kẻ xấu lợi dụng.
Để tránh sập bẫy loại tội phạm này, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng công an các cấp, quan trọng nhất vẫn là ý thức phòng ngừa, cảnh giác của người dân. Mọi người phải hết sức thận trọng, bình tĩnh trước những thông tin đe dọa, uy hiếp. Hãy dứt khoát từ chối làm việc qua điện thoại hoặc bất kỳ nền tảng trực tuyến nào khi chưa xác minh và chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ từ cơ quan công an nếu có bất kỳ nghi ngờ nào.