Mỹ từng dội khoảng 60 quả tên lửa vào một sân bay của Syria hồi năm ngoái cũng vì cáo buộc quân đội trung thành với ông Assad dùng vũ khí hóa học tấn công dân thường
Bất chấp thông báo của Tổng thống Donald Trump về việc Mỹ sẽ rút 2.000 quân đóng tại Syria – một quyết định được xem như một sự thay đổi đột ngột trong tiến trình ở Syria của Mỹ, nhưng dường như thực tế trên không ảnh hưởng gì nhiều đến chính sách chung của Washington đối với Syria. Trong phát biểu mới nhất của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton được đưa ra trên đường đến Israel, ông này đã đưa ra lời đe dọa về khả năng Mỹ đánh Syria.
"Tuyệt đối không có sự thay đổi trong lập trường của Mỹ đối với việc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học và tuyệt đối cũng không có sự thay đổi trong lập trường của chúng tôi về việc bất kỳ vụ tấn công bằng vũ khí hóa học nào cũng sẽ bị đáp trả một cách mạnh mẽ như chúng tôi đã làm hai lần trước đây”, ông Bolton cho các phóng viên biết khi đang trên máy bay bay đến Tel Aviv.
Trong khi kế hoạch rút quân của Mỹ ra khỏi chiến trường Syria chưa được công bố cụ thể về lịch trình thì ông Bolton vẫn nhắc nhở rằng, Mỹ sẽ bắt Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải chịu trách nhiệm về bất kỳ vụ việc nào liên quan đến vũ khí hóa học.
"Khi chúng tôi lập kế hoạch chi tiết về cách hoạt động rút quân sẽ diễn ra và những tình huống xung quanh đó, chúng tôi không muốn chính quyền của Tổng thống Assad xem đó như là một sự giảm bớt lập trường phản đối của chúng tôi đối với việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt”, ông Bolton nhấn mạnh.
"Rất nhiều sự lựa chọn sẽ được đặt lên bàn… nếu họ (chính quyền Syria) không chú ý đến những bài học từ hai lần tấn công trước của chúng tôi và lần tiếp theo sẽ mạnh hơn rất nhiều," ông Bolton cảnh báo. Đây không phải là lần đầu tiên giới chức Mỹ tuyên bố về đòn phản ứng “mạnh hơn rất nhiều” nếu vũ khí hóa học được sử dụng ở Syria. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ đã đưa ra lời tuyên bố tương tự vào tháng 9 năm ngoái.
Lâu nay các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học xảy ra ở chiến trường Syria luôn là một vấn đề nhạy cảm. Mỹ và phương Tây luôn đổ lỗi cho Damascus mỗi lần có cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học nào xảy ra trên chiến trường Syria. Chính quyền Syria liên tục bác bỏ mọi cáo buộc cho rằng họ sử dụng vũ khí hóa học, khẳng định họ đã hoàn toàn phá bỏ kho vũ khí hóa học của nước này. Nga cũng luôn đứng ra bênh vực chính quyền của Tổng thống Assad trong vấn đề sử dụng vũ khí hóa học.
Bất chấp những lời bác bỏ của Nga và Syria, phương Tây đã hai lần tiến đánh Syria vì vấn đề vũ khí hóa học. Hồi tháng Tư năm ngoái, Mỹ, Pháp và Anh đã phát động một cuộc tấn công chung bằng tên lửa nhằm vào các mục tiêu của Syria để đáp trả một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học xảy ra ở Douma mà phương Tây đổ lỗi cho quân của ông Assad gây ra. Trước đó đúng một năm, Mỹ cũng từng bắn "cơn mưa" tên lửa vào Syria cũng vì lý do tương tự.
Cuộc nội chiến kéo dài dai dẳng ở Syria - cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới hiện giờ theo Liên Hợp Quốc, tiếp tục chứng kiến cuộc đối đầu giữa hai cường quốc Nga và Mỹ. Dù hai nước này đang chung tay nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc chiến ở Syria nhưng mâu thuẫn giữa họ vẫn còn tồn tại, khiến nỗ lực này khó thành công. Mỹ tiếp tục ủng hộ cho phe nổi dậy Syria và muốn lật đổ chính quyền Tổng thống Assad. Về phần mình, Moscow kiên quyết phản đối bất kỳ hành động nào nhằm chống lại đồng minh Bashar al-Assad của họ. Nga được cho là đang hậu thuẫn cho quân đội Syria chống lại các phe nhóm nổi dậy cũng như các lực lượng khủng bố.