Vui buồn những ngày giáp Tết ở Làng Nủ

Ngày nhập trạch, chị Cảnh bê bát hương bước lên chín bậc cầu thang nhà sàn, chạnh lòng nhớ nhiều năm trước chồng làm việc này khi họ ra ở riêng.

Chiều cuối năm, chị Hoàng Thị Cảnh, thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên xới lại khoảnh đất trước nhà sàn trồng thêm mấy khóm hoa cúc vàng. Từ cửa sổ nhà sàn người Tày mới xây có thể nhìn xuống rặng hoa mới trồng. Vườn sau nhà cải bắp đang úp bẹ, ra giêng chị tính đổ thêm ít đất phù sa mở rộng để lấy rau ăn. Người phụ nữ 37 tuổi quen làm lụng, thích chăm chút cho không gian sống từ ngày còn ở nhà cũ.

Ngôi nhà sàn mới dọn về một tháng được lắp rèm ngăn hai buồng ngủ. Gian chính không bày biện nhiều đồ, toàn bộ sàn được lót xốp màu hồng ngồi cho bớt lạnh trong những ngày đông giá. "Lót cho sáng nhà, cũng để giữ lấy hơi người", góa phụ đã mất chồng giãi bày.

Gần bốn tháng trước, ngày 10/9/2024, trận lũ quét đã chôn vùi một phần thôn Làng Nủ, khiến 33 hộ dân bị vùi lấp, 40 gia đình bị ảnh hưởng, 60 người chết, 7 người hiện mất tích. Chồng chị Cảnh nằm trong số người tử nạn.

Chị Cảnh vẫn còn những vết sẹo lồi ở cánh tay, chân sau trận lũ quét. Ảnh: Hoàng Phương
Chị Cảnh vẫn còn những vết sẹo lồi ở cánh tay, chân sau trận lũ quét. Ảnh: Hoàng Phương

Con trai lớn của chị Cảnh học cấp ba ngoài thị trấn Bảo Yên, con út lớp 8 ở trung tâm xã Phúc Khánh cuối tuần mới về. Nhà sàn gần trăm mét vuông thường xuyên chỉ có mình chị. Chốn an cư khiến những giấc ngủ không còn mộng mị, chị tăng cân trở lại sau những ngày sụt hơn 6 kg. Vén ống tay áo để lộ vết sẹo lồi ở khuỷu tay với đầu gối, chị nói "được ông trời cho sống đã là một đặc ân".

Ngày nhập trạch nhà mới, ba mẹ con làm 5 mâm cơm mời họ hàng. Lúc bê bát hương lên bậc thang nhà sàn, chị chạnh lòng nhớ nhiều năm trước chồng làm lễ khi họ ra ở riêng. Với người Tày, cúng tổ tiên do đàn ông phụ trách. Ngôi nhà sàn đầu tiên của họ làm bằng gỗ, lợp mái cọ nhiều năm sau mới thay tôn.

"Giờ cũng có mái cọ che đầu, nhưng là trên mộ", chị Cảnh nói, giải thích người Tày trước thường lợp mái nhà bằng lá cọ. Người mới mất trên mộ có mái cọ như đang được che chở dưới mái nhà mình, qua giỗ đầu mới được dỡ ra.

Trước Tết một tuần, chị Cảnh chưa định mua sắm gì ngoài gói chục bánh chưng gù đủ đặt lên bàn thờ gia tiên và thắp hương trên mộ chồng. Bằng giờ những năm trước, chị thường lên rừng đầu nguồn núi Voi tìm lá dong về gói bánh. Tết của ba mẹ con năm nay gói gọn trong nhà, không đi chúc tụng bởi đang đeo khăn tang.

Đôi chân quen đi rừng, làm đồi, chị vẫn muốn đợi "năm cùng tháng tận" trôi đi, mùa xuân mới bắt đầu trồng cấy lại. Nếu được mở rộng mặt bằng phía sau nhà, chị tính trồng mít, bưởi, những loại cây vừa cho trái ăn vừa che bóng mát tránh nóng mùa hè trên đồi cao.

Khu tái định cư mặt bằng hẹp, ruộng nương bị vùi lấp gần hết, chị Cảnh sẽ quay về nền nhà cũ - nơi đầu nguồn núi Voi sau trận lũ quét vẫn cao hơn hai mét so với mặt suối, để trồng các loại cây ăn quả, đào ao thả cá tính sinh kế lâu dài. Ăn đời ở kiếp với đất này, chị không muốn đi xa và cũng không biết đi đâu, chỉ muốn túc tắc làm ăn nuôi hai con khôn lớn.

Một góc khu tái định cư làng Nủ, tháng 1/2025. Ảnh: Phạm Chiểu
Một góc khu tái định cư làng Nủ, tháng 1/2025. Ảnh: Phạm Chiểu

Ngôi làng sau lũ quét chia tách 175 hộ với 701 nhân khẩu "phân tán" thành ba cụm dân cư, mỗi cụm xa nhau 2-3 cây số. Hàng xóm trước đây cách nhau vài trăm mét, nay ở khu tái thiết từ cửa sổ nhà này thấy bậc thang nhà kia, nhưng hơn ba chục hộ phần lớn neo người.

Qua 23 tháng chạp những năm trước, người Làng Nủ đi làm ăn xa lần lượt trở về. Người ở làng xong vụ nhổ sắn thuê, bóc quế, lên rừng hái lá xong thêm đồng ra vào cuối năm cho cái Tết tươm tất. Ngoài 25 âm lịch, người Tày thường luân phiên nhau ăn Tết nhà họ hàng kết hợp mổ lợn, gói bánh chưng, làm giò. Ra giêng chia đội chơi bóng chuyền, đá bóng, múa hát ở nhà văn hóa thôn.

Năm nay cái Tết đầu tiên sau biến cố, ai cũng lắc đầu "không có tâm trạng để vui riêng" vì mỗi gia đình, dòng họ đều có tang. Tết vì thế sẽ gói gọn trong nội bộ gia đình, không đi chúc tụng vì quan niệm tránh mang vận rủi đầu năm mới. Chức sắc trong thôn sẽ họp bàn dân làng chọn một ngày làm mâm cơm cúng trong nhà bia tưởng niệm, thắp hương chung cho người quá cố.

Nhà đối diện điểm trường tiểu học và mầm non mới xây, anh Hoàng Văn Duân mở tiệm tạp hóa, bán đồ ăn sáng cho học sinh. Anh tính qua năm mới nhập thêm hàng hóa cho vợ, bởi bà con phần lớn còn quà hỗ trợ từ các đoàn thể. Duân biết Tết này chẳng mấy ai mua sắm ngoài vài gói bánh kẹo đặt lên bàn thờ. Đồi quế trồng gần 10 năm mới thu hoạch một mùa đã bị đánh sạt lở gần hết, ra giêng anh sẽ xuống xuôi đi làm công ty. Trước mắt "cứ tạm cho hết cái năm vận hạn này đi".

Duân vẫn còn hơi lạ lẫm với chốn an cư mới khi bốn tháng chuyển chỗ ở ba lần, phần vì hàng xóm cũ không còn. Trước Tết, anh tính hẹn Thớ - hàng xóm duy nhất còn lại mang chè, rượu lên mộ mấy ông bạn cũ thắp hương.

Những ngày cuối năm, anh Duân nhớ nhiều về những cái Tết bên hàng xóm cũ. Ảnh: Phạm Chiểu
Những ngày cuối năm, anh Duân nhớ nhiều về những cái Tết bên hàng xóm cũ. Ảnh: Phạm Chiểu

Những năm còn sum vầy, một cụm sáu nhà chơi thân nhiều năm thường góp công góp của làm Tết chung. Duân nhớ sau 25 tháng chạp, các gia đình bắt đầu đụng lợn lấy thịt gói bánh chưng và ăn Tết. Trước nhà cũ của Duân có khoảnh sân rộng, đàn ông tập trung gói bánh chưng chiều 28 Tết.

Đêm trên núi cao trông nồi bánh, mấy ông chồng tụ tập bên ấm nước chè, điếu thuốc lào, các bà vợ chuyện trò rôm rả, lũ trẻ nô chán rồi trải chiếu nằm ngủ ngay bên cạnh. Mâm cơm tất niên luôn đủ mặt sáu nhà, đều là gia đình trẻ trạc tuổi nhau. Ra giêng, cánh đàn ông lại xỏ giày chơi chung một đội bóng đá thi đấu với các thôn trong xã. Cuộc sống bình bình cho đến ngày tai ương ập đến.

Tiến tới hạnh phúc - khẩu hiệu đặt ở ngã tư trung tâm khu tái thiết với hy vọng thương đau tạm lắng để gầy dựng lại từ đầu. Người Làng Nủ vẫn tin "còn chồi nảy cây", nhưng trước mắt đối diện nỗi lo sinh kế lâu bền do lũ quét đã đánh sạt đồi nương, ao vườn. Cánh đồng hai bên bờ suối nơi người Tày canh tác cả trăm năm giờ đã vùi sâu dưới mười mét đất đá.

Bà Hoàng Thị Thắng vẫn đang xoay xở gạo gói bánh chưng do những sào lúa nếp vừa trổ đòng đã bị vùi dưới bùn. Ba sào sắn được mùa "củ to hơn bắp tay" lại không được giá, bà chưa buồn thu hoạch. Hai năm tai ương ập đến liên tiếp, hỏa hoạn rồi lũ quét khiến gia đình kiệt quệ.

Mấy tháng trước, cán bộ phòng nông nghiệp huyện cùng xã mang phân, giống về hỗ trợ bà con trồng vụ rau mới ngay trên diện tích từng trồng lúa giờ bị san phẳng sau lũ quét. Người dân đánh luống, xới sâu 20 cm đất vẫn gặp phải nhiều đoạn sắt thép, đinh gỉ, vật dụng gia đình. Bà Thắng cách vài hôm lại ra thăm ruộng, trông đợi vì ven suối vốn là đất phù sa, nhưng cây cứ còi rồi lụi dần vì mặt ruộng lẫn toàn sỏi đá.

Bà Thắng ôm cháu trai nhận quà Tết của một đoàn thiện nguyện, tháng 1/2025. Ảnh: Hoàng Phương
Bà Thắng ôm cháu trai nhận quà Tết của một đoàn thiện nguyện, tháng 1/2025. Ảnh: Hoàng Phương

Khoản duy nhất mà bà Thắng trông cậy là đàn gà 50 con nuôi dựng từ tiền hỗ trợ của đoàn thiện nguyện. Mỗi con nặng chừng 1,8 kg, hơi non nhưng Tết này bán sớm để đổi gạo, thịt. Gần 10 năm trồng quế mới được bóc vỏ, bà sốt ruột lại chuyển gieo hạt bồ đề nhưng lo nắng hanh cây không lên được. Chẳng ai hướng dẫn, người phụ nữ học mót thấy người ta làm gì học nấy.

"Qua năm chỉ mong sớm khôi phục ruộng nương để cấy cày thì mới có thu nhập, ổn định cuộc sống. Đã là ruộng thì trồng cây khác nó không lên", bà Thắng mong mỏi, tin rằng cách duy nhất là khôi phục con suối - nguồn nước trồng cấy duy nhất của cả làng.

Khôi phục ruộng đồng, đất canh tác sẽ là việc ưu tiên trong năm nay, theo trưởng thôn Hoàng Văn Diệp. Đó cũng là cách phòng tránh trước mùa mưa lũ năm 2025. Ông Diệp lo lượng đất bùn còn nhiều, cây cối chưa bén rễ chặt có thể tiếp tục sạt khi mưa lũ tràn về. Hướng xử lý là xin ý kiến cấp thẩm quyền hỗ trợ san tạo lại mặt bằng hiện trường bị vùi lấp, nơi không làm ruộng được nữa thì trồng cây ăn quả hoặc lâu năm; chỗ sình lầy đào ao hồ nhỏ nuôi cá. Dòng suối chảy qua làng khảo sát tận đầu nguồn sạt lở thấy lượng đất đá còn nhiều, cần sớm khơi sâu dòng chảy, làm kè an toàn để thoát nước khi mưa xuống.

Riêng việc nghiên cứu ngăn hồ đập tạo cảnh quan sinh thái, nuôi trồng thủy sản phát triển kinh tế lâu dài như chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm khánh thành 22/12/2024, ông Diệp nói qua khảo sát thực tế thấy độ dốc quá lớn, đắp đập ngăn nước "không được là bao". Địa phương sẽ xin ý kiến chính quyền cấp trên bàn bạc với bộ ngành để sớm báo cáo lại Thủ tướng.

vnexpress.net

Đọc thêm

Ăn Tết hay chơi Tết?

Ăn Tết hay chơi Tết?

Thay vì “ăn Tết” với những thủ tục rườm rà, nặng nề theo quan niệm truyền thống, ngày nay, nhiều người đã lựa chọn “chơi Tết” bằng nhiều cách riêng.
Sinh viên Hà Tĩnh khắp mọi miền về quê đón Tết

Sinh viên Hà Tĩnh khắp mọi miền về quê đón Tết

Dù học tập ở bất kỳ đâu thì vào ngày tết cũng muốn được về với gia đình, quê hương, đó là tâm trạng chung của những sinh viên Hà Tĩnh xa quê trên các chuyến hành trình về nhà đón tết.
Cùng trẻ đón Tết

Cùng trẻ đón Tết

Tết là dịp để người lớn “gieo” vào lòng trẻ những hiểu biết về phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, về ý nghĩa thiêng liêng của Tết cổ truyền.
Bé 2 tuổi nên uống sữa tươi hay sữa bột?

Bé 2 tuổi nên uống sữa tươi hay sữa bột?

Đối với trẻ 2 tuổi, nhu cầu dinh dưỡng để cơ thể phát triển cao hơn đối với các bé sơ sinh. Ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý thì việc cho bé dùng sữa tươi và sữa bột cũng được rất nhiều cha mẹ quan tâm.
Huyết áp 160/90 có cao không?

Huyết áp 160/90 có cao không?

Huyết áp là một chỉ số quan trọng khi theo dõi sức khỏe của mỗi người. Vậy chỉ số huyết áp 160/90 nói lên điều gì về sức khỏe của bệnh nhân?
Mùa xuân về với bản Giàng 2

Mùa xuân về với bản Giàng 2

Dưới chân núi Giăng Màn, cuộc sống người dân tộc Chứt ở bản Giàng 2 (Hương Khê, Hà Tĩnh) đang đổi thay từng ngày. Sắc màu của cuộc sống mới đang hiện rõ trên từng gương mặt khi mùa xuân về.
Rửa rau sống thế nào cho sạch?

Rửa rau sống thế nào cho sạch?

Hầu hết, rau củ sau khi thu hoạch và bày bán đều phải trải qua khâu sơ chế. Tuy nhiên, người dân cần sơ chế lại để đảm bảo an toàn.