Vướng mắc trong thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công

(Baohatinh.vn) - Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, qua rà soát, toàn tỉnh đã lập danh sách 5.118 hộ được hỗ trợ, trong đó, xây mới 2.564 hộ, sửa chữa 2.554 hộ. Đến nay, đã có 3.808 hộ hoàn thiện xây mới và sửa chữa nhà. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách đã phát sinh không ít vướng mắc, bất cập.

Là vợ của liệt sỹ Phạm Quang Vinh nên bà Trần Thị Liên (SN 1945, trú tại xã Phú Lộc - Can Lộc) nằm trong diện rà soát theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ. Trước khi xây nhà mới, bà Liên sống trong một căn nhà cấp 4 đã bị xuống cấp nghiêm trọng.

Bà Trần Thị Liên (Phú Lộc - Can Lộc) nhiều lần đề nghị lên chính quyền các cấp điều chỉnh hỗ trợ từ sửa chữa lên xây mới nhưng vẫn chưa có kết quả.

Theo kết quả rà soát cuối năm 2013, bà được xét hỗ trợ 20 triệu đồng để sửa chữa, nhưng mãi đến tháng 9/2015, tỉnh mới có kinh phí hỗ trợ bà sửa nhà. Tuy nhiên, khi tiến hành tháo dỡ nhà để sửa chữa thì từ cột, kèo đều bị mối mọt ăn hết, phần mái, tường bao đều bị hư hỏng nặng nề không thể sửa chữa mà phải làm mới hoàn toàn. Trước tình cảnh đó, bà Liên đã nhiều lần đề nghị lên chính quyền địa phương điều chỉnh mức hỗ trợ từ sửa chữa sang xây mới theo Quyết định 22 nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Theo ông Nguyễn Hữu Lệ - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lộc thì trường hợp của bà Liên khi rà soát chỉ ở mức sửa chữa, nhưng lúc tháo dỡ ra, bị hư hỏng hoàn toàn phải làm mới là chuyện có thật. Chính quyền xã cũng đã xác nhận vào đơn để bà Liên gửi lên cấp trên xin được điều chỉnh mức hỗ trợ.

Ông Nguyễn Hữu Quế (xã Bắc Sơn - Thạch Hà) qua rà soát cũng được hỗ trợ 20 triệu đồng để sửa nhà. Thế nhưng, do căn nhà quá xập xệ nên phải xây mới, khiến gia đình ông phải đôn đáo khắp nơi để vay tiền. “Khi nhận số tiền hỗ trợ đó, chúng tôi vui lắm. Được 1 đứa con gái thì lấy chồng xa, 2 ông bà làm 3 sào ruộng nên nếu không có Nhà nước hỗ trợ thì không thể sửa được nhà. Tuy nhiên, khi dỡ nhà ra thì bị hư hỏng hết nên phải xây mới, trong khi chỉ được hỗ trợ 20 triệu đồng. Vậy là, chúng tôi phải vay mượn thêm để đủ làm căn nhà cấp 4” - ông Quế chia sẻ.

Ông Nguyễn Hữu Quế (Bắc Sơn- Thạch Hà) phải vay mượn thêm bà con lối xóm để xây ngôi nhà cấp 4.

Qua tìm hiểu thì không chỉ có bà Liên, ông Quế mà hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta đang có hàng trăm trường hợp gặp phải tình huống tương tự.

Theo Trưởng phòng LĐ-TB&XH Thạch Hà - Nguyễn Thị Thúy Loan, hiện nay, một số trường hợp xin điều chỉnh hỗ trợ từ sửa chữa lên xây mới theo Quyết định 22 là hết sức chính đáng. Vì từ thời điểm rà soát cho đến khi có kinh phí để triển khai khá dài nên trong quá trình chờ, nhà bị hư hỏng nặng thêm đều dễ xảy ra, nhất là đối với nhà ở khu vực nông thôn.

Được biết, tính đến nay, Phòng LĐ-TB&XH Thạch Hà đã phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng tổ chức rà soát để lập danh sách 21 trường hợp gửi Sở Xây dựng xin điều chỉnh mức hỗ trợ từ sửa chữa lên xây mới vì khi tiến hành sửa chữa thì nhà bị hư hỏng quá nặng, buộc phải làm mới.

Đồng quan điểm bà Loan, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Cẩm Xuyên - Trần Ngọc Quang cho rằng: Đối với nhà ở nông thôn, khi rà soát, nhìn bằng mắt thường sẽ khó đánh giá hết mức độ hư hỏng. Nhiều nhà khi tháo dỡ ra mới biết là hư hỏng hoàn toàn, buộc phải xây mới. Để đảm bảo tính khách quan, tránh trường hợp một số hộ có điều kiện kinh tế lợi dụng chính sách để làm nhà mới nên phòng đã phối hợp với chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ quá trình sửa chữa. Và trong quá trình giám sát, phòng cũng đã nhận thấy những bất cập”.

Tính đến tháng 5/2015, huyện Cẩm Xuyên đã lập danh sách 22 trường hợp gửi Sở Xây dựng để xin điều chỉnh mức hỗ trợ từ sửa chữa lên xây mới.

Đem những kiến nghị của các đối tượng chính sách gặp các cơ quan chức năng, cụ thể là đại diện Sở LĐ-TB&XH và Sở Xây dựng thì đều nhận được câu trả lời là tất cả đều phải chờ quyết định của UBND tỉnh.

Theo bà Lê Thị Thu - Trưởng phòng Người có công - Sở LĐ-TB&XH thì việc có điều chỉnh mức hỗ trợ hay không do UBND tỉnh quyết định, cơ quan tham mưu thường trực là Sở Xây dựng, Sở LĐ-TB&XH chỉ có trách nhiệm phối hợp rà soát, xác định đúng đối tượng được hưởng theo quyết định.

Còn theo ông Phan Lê Hùng - Trưởng phòng Quản lý nhà, thị trường bất động sản (Sở Xây dựng) thì thời gian qua, với tư cách là cơ quan thường trực trong thực hiện Quyết định 22, Sở Xây dựng đã nhận được phản ánh của các địa phương về việc nhiều đối tượng xin điều chỉnh mức hỗ trợ từ sửa chữa lên xây mới cũng như phát sinh các trường hợp mới.

Tháng 5/2015, UBND tỉnh đã có Công văn số 2092 đề nghị Sở Xây dựng phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, Sở NN&PTNT và các địa phương rà soát lại các đối tượng đã đề xuất hỗ trợ nhưng chưa phù hợp với thực tế, các đối tượng đủ điều kiện hỗ trợ nhưng chưa được đưa vào danh sách hỗ trợ, tổng hợp tham mưu UBND tỉnh thực hiện điều chỉnh.

Tuy nhiên, do các địa phương triển khai thực hiện chính sách đối với các trường hợp cũ chưa xong nên đến nay, Sở Xây dựng chưa thể triển khai tham mưu đối với các trường hợp xin điều chỉnh và phát sinh mới. Sau khi tập hợp xong danh sách, sở sẽ thực hiện vai trò tham mưu của mình, còn về giải pháp xử lý như thế nào thì vẫn phải chờ UBND tỉnh quyết định.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói