Chia sẻ cơ hội về phụ nữ khởi nghiệp

(Baohatinh.vn) - Phụ nữ khởi nghiệp là một trong những chủ đề vừa được thảo luận tại “Hội thảo APEC về thúc đẩy sự sáng tạo của các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp” được tổ chức đầu tháng 10 vừa qua. Đây cũng chính là một mũi đột phá của nhiệm kỳ hoạt động 2016-2021 của Hội LHPN Việt Nam. Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), phóng viên (PV) Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi với bà Dương Thị Hằng - Chủ tịch Hội LHPN Hà Tĩnh về nội dung này.

chia se co hoi ve phu nu khoi nghiep

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Dương Thị Hằng (người mặc áo xanh) cùng đoàn công tác Tỉnh hội triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp Tổ hợp tác Chăn nuôi gà thôn Đông Yên (Kỳ Lợi - TX Kỳ Anh).

P.V: Thưa bà, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp là một trong những nội dung hoạt động đã được Hội LHPN Hà Tĩnh triển khai trong thời gian qua. Nhìn nhận lại, chúng ta đã gặt hái được những gì?

Bà Dương Thị Hằng: Hoạt động này đã được triển khai như một giải pháp hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế mà Hội LHPN Hà Tĩnh đã quan tâm thực hiện trong thời gian qua. Hội phụ nữ các cấp đã có nhiều đổi mới trong hoạt động hỗ trợ phụ nữ SXKD, khởi sự và phát triển DN; phát huy hiệu quả các kênh vốn do hội phụ nữ quản lý; hỗ trợ thành lập tổ hợp tác (THT), HTX, hình thành các mô hình phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chuỗi sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Đặc biệt, 2 đề án: Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015” (259) và “Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010–2015” (1956) của Chính phủ đã được hội tập trung thực hiện tốt. Qua đó đã phối hợp tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho gần 16.000 lao động nữ; tổ chức 2.102 lớp tập huấn chuyển giao KHKT, góp phần cùng toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 158.162 lượt người; bình quân hàng năm có 49,25% lao động nữ/tổng số lao động được giải quyết việc làm trên toàn tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh có 837/6.000 DN có nữ là lãnh đạo (chiếm 14,5%); 124 HTX, 562 THT do nữ làm quản lý (chiếm tỷ lệ 9,5% trong tổng số HTX và 17,7% tổng số THT); 4.394 mô hình phát triển kinh tế do phụ nữ đứng chủ có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm.

P.V: Mặc dù đạt được những kết quả như vậy, nhưng trên thực tế, phần lớn phụ nữ đang lúng túng, khó khăn khi bắt đầu con đường khởi nghiệp. Vậy theo bà, những khó khăn, thách thức đó là gì?

Bà Dương Thị Hằng: Nếu như khởi nghiệp đối với đàn ông khó khăn một thì với phụ nữ sẽ khó gấp nhiều lần. Trước hết đó là nhận thức của xã hội, gia đình và của bản thân người phụ nữ về cơ hội tham gia kinh doanh còn hạn chế.

Phụ nữ cũng đang thiếu kiến thức và kỹ năng kinh doanh; khó khăn trong tiếp cận tài chính, KHKT; thiếu thông tin về thị trường và cơ hội nâng cao kiến thức; tham gia xúc tiến thương mại để phát triển DN, HTX. Ngoài ra, phụ nữ do những hạn chế bởi giới tính nên thiếu thông tin cũng như khả năng kết nối, mở rộng các mối quan hệ, vì vậy, khó khăn trong việc hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh.

Riêng với phụ nữ Hà Tĩnh, do xuất phát từ tỉnh nghèo nên khả năng tiếp cận các chương trình, chính sách hỗ trợ còn rất hạn chế; số DN do phụ nữ làm chủ chủ yếu có quy mô nhỏ, cực nhỏ. Tuy nhiên, tính cách quyết liệt, sự cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm của người phụ nữ miền Trung lại là thuận lợi nền tảng để họ đi đến cùng những con đường khởi nghiệp.

P.V: Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” là động lực, cơ hội lớn để Hội LHPN triển khai thành công mũi đột phá của nhiệm kỳ. Bà có thể chia sẻ về cơ hội này?

Bà Dương Thị Hằng: Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” đang được triển khai với mục tiêu nâng cao nhận thức cho phụ nữ về chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về khởi nghiệp, thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển DN và chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.

chia se co hoi ve phu nu khoi nghiep

Hội LHPN các cấp chia sẻ, động viên các mô hình phụ nữ khởi nghiệp ở xã Mỹ Lộc (Can Lộc).

Đề án phấn đấu đến năm 2025 đạt được 5 mục tiêu: 90% cán bộ hội chuyên trách các cấp tham gia triển khai đề án được nâng cao nhận thức, phương pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; 70% hội viên được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp; hỗ trợ 20.000 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; phối hợp, hỗ trợ thành lập 1.200 THT/HTX do phụ nữ quản lý; 100.000 DN của phụ nữ mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển DN.

Bên cạnh chú trọng giải pháp tuyên truyền, hội LHPN các cấp sẽ xây dựng các mô hình thí điểm tuyên truyền tại cộng đồng ở 10 tỉnh đại diện cho vùng miền, tổng kết rút kinh nghiệm để triển khai trên diện rộng. Lựa chọn các ý tưởng, mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh khả thi để hỗ trợ thực hiện, nhân rộng; nâng cao năng lực cho các DN do phụ nữ đứng chủ mới thành lập và năng lực cho đội ngũ cán bộ hội thông qua thiết lập cơ sở hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của các cấp hội.

Với sự tập trung về nguồn lực chỉ đạo, kinh phí và các giải pháp mới tại đề án, Hội LHPN không chỉ giúp hội viên, phụ nữ phát triển theo 4 phẩm chất đạo đức như trước đây mà đang tạo đòn bẩy để người phụ nữ hoàn thiện về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật… Đây là con đường để phụ nữ bắt nhịp với xu thế hội nhập đang diễn ra mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực.

Tuy nhiên, để đi đến mục tiêu đó, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và nỗ lực của cán bộ hội các cấp để hỗ trợ hiện thực hóa sự sáng tạo của phụ nữ. Một yếu tố rất quan trọng để phụ nữ khởi nghiệp thành công đó chính là bản thân phải vượt lên chính mình, tự tin, bản lĩnh bước qua rào cản xã hội để bắt tay khởi nghiệp. Đặc biệt, cần cái nhìn rộng mở và những sự sẻ chia, tiếp sức của nam giới từ gia đình đến xã hội nhằm giúp người phụ nữ nuôi lớn khát vọng, tự tin khởi nghiệp, cống hiến, sáng tạo để khẳng định vai trò, vị thế của mình.

P.V: Xin cảm ơn Chủ tịch Hội LHPN Hà Tĩnh!

Thực hiện

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast