“Mẹ hạnh phúc khi nhìn đất nước, quê hương đổi mới”

(Baohatinh.vn) - Kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh cũng là dịp cả nước đang hướng về 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ. Chúng tôi lại về thăm những Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nghe mẹ kể về những người con đã ngã xuống, chuyện ngày xưa gian khổ và niềm vui được chứng kiến đất nước, quê hương ngày càng đổi mới.

Mẹ Đậu Thị Minh - Cẩm Thành, Cẩm Xuyên: Mẹ thiết sống cho lâu để nhìn quê mình đổi mới

me hanh phuc khi nhin dat nuoc que huong doi moi

20 tuổi, mẹ lấy chồng và bắt đầu làm hậu phương cho ông đi học y khoa. Ông là y tá chính đầu tiên và là Trưởng ban cứu thương của xã Cẩm Thành nên hầu như chẳng mấy lúc ở nhà. Năm 1967, khi đang làm nhiệm vụ trực chiến, ông hy sinh. Năm 1977, con trai của mẹ - Phạm Hữu Đoàn đang học lớp 12 tình nguyện lên đường vì đất nước và đã ngã xuống ở chiến trường Campuchia.

Mất đi những người thân yêu nhất, có lúc mẹ tưởng mình gục ngã. Nhưng rồi trong những năm tháng khó khăn, với kinh nghiệm ông truyền lại, mẹ làm bà đỡ cho cả trăm phụ nữ “vượt cạn”; cùng HTX trồng lúa, trồng khoai, nuôi con cái trưởng thành. Mẹ tham gia hầu hết các tổ chức đoàn thể và mới nghỉ sinh hoạt Hội Người cao tuổi từ năm ngoái do điều kiện sức khỏe. Mẹ muốn sống có ý nghĩa, sống cả phần cuộc đời còn dang dở của chồng, con mình. Mẹ vui nhất là những ngày cùng con cháu hiến đất, xây mương thoát nước, làm hàng rào xanh, cải tạo vườn để xây dựng NTM. Năm nay đã 80 tuổi, mẹ thiết sống cho lâu để xem cháu con xây dựng quê mình ngày càng đổi mới, đẹp giàu.

Mẹ Nguyễn Thị Thân - Kỳ Thọ, huyện Kỳ Anh: Ấm lòng khi được Nhà nước, xã hội chăm sóc, tri ân

me hanh phuc khi nhin dat nuoc que huong doi moi

Mẹ sinh 8 đứa con, 4 trai, 4 gái. Đến tuổi trưởng thành, người con trai đầu và thứ 2 của mẹ là Dương Đình Xuân (SN 1956) và Dương Đình Hạ (SN 1959) lần lượt ra chiến trường rồi hy sinh trong những năm 1979, 1981. Đến tận bây giờ, mẹ vẫn nhớ như in lời tâm tình của các con từ những bức thư gửi về trong những ngày trên chiến trường ác liệt.

Con trai đầu trong những ngày cuối chống chọi với vết thương, chỉ ước sao được gặp mẹ một lần; còn con trai thứ 2 động viên mẹ: “Nếu con không thể về, xin mẹ đừng quá buồn đau”. Nỗi đau mất con không ai có thể san sẻ nhưng mẹ nghĩ nhiều rồi: Để đất nước hòa bình, hàng trăm ngàn người đã ngã xuống. Mình có đến 4 người con trai, phải hy sinh cho đất nước độc lập, tự do. Cả xã Kỳ Thọ có 10 Mẹ Việt Nam anh hùng, nhưng các mẹ khác đều đã mất từ lâu nên chỉ được truy tặng, có mẹ mất khi chưa hết đói nghèo. Bởi vậy, nay đã 87 tuổi, được Nhà nước, xã hội tri ân, chăm sóc, tôn vinh, mẹ thấy hạnh phúc lắm.

Mẹ Đào Thị Lan - phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh: Thực hiện được tâm nguyện vào Lăng viếng Bác

me hanh phuc khi nhin dat nuoc que huong doi moi

Năm nay đã ngoài 90 tuổi, sức khỏe yếu đi nhiều, trí nhớ không còn minh mẫn nhưng mẹ vẫn còn được cùng đoàn người có công Hà Tĩnh ra thăm Lăng Bác nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ. Mẹ hạnh phúc lắm khi tâm nguyện của mình đã được thực hiện. Mẹ được đứng trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, được ngắm nhìn vị Cha già của dân tộc thanh thản trong giấc ngủ vĩnh hằng. Mẹ và mọi người trong đoàn còn được Ban Quản lý Lăng Bác giới thiệu, xem bộ phim tư liệu “Những giờ phút cuối đời Bác Hồ”, ai cũng rưng rưng nước mắt.

Giây phút thiêng liêng ấy, mẹ nhớ da diết 2 người con trai: Liệt sỹ Lê Văn Trường và Lê Văn Tường đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhưng mẹ hiểu rằng, sự hy sinh xương máu của bao lớp người trẻ trai như các con để cho đất nước độc lập, tự do, đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ hằng mong muốn.

Mẹ Trần Thị Mơ - thị trấn Nghi Xuân: Dạy con cháu sống có ích cho xã hội

me hanh phuc khi nhin dat nuoc que huong doi moi

98 tuổi, mẹ không nhớ gì nhiều nữa. Ký ức của mẹ chỉ đọng lại hình ảnh về 2 đứa con trai đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ là Đặng Duy Tự (SN 1949) và Đặng Duy Hòa (SN 1952). Một người ngã xuống ở chiến trường nước bạn Lào, còn một người hy sinh tại Khe Sanh (Quảng Trị). Mẹ bây giờ sống với người con trai cả Đặng Duy Phúc.

Mẹ cũng chẳng lưu giữ được kỷ vật của 2 người con trai yêu quý và cũng chưa yên lòng bởi hiện nay, ngoài liệt sỹ Đặng Duy Tự đã được quy tập về Nghĩa trang Liệt sỹ Nầm (Hương Sơn), liệt sỹ Đặng Duy Hòa đến nay vẫn chưa tìm thấy phần mộ. Với mẹ, những mất mát đó không có gì bù đắp được. Mẹ cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành, của xã hội, đặc biệt là lãnh đạo ngành điện lực đã thường xuyên đến thăm hỏi, phụng dưỡng mẹ. Mẹ đã vơi đi phần nào nỗi đau. Mẹ luôn dạy các con cháu phải biết nhớ ơn những anh hùng liệt sỹ, trân trọng giá trị cuộc sống hòa bình, rèn luyện nhân cách, làm người có ích cho xã hội…

Chủ đề NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SỸ

Chủ đề 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast