Người dân đối mặt với nhiều nỗi lo

Thực hiện chủ trương của UBND huyện Can Lộc về kế hoạch xây dựng nông thôn mới, ngày 15-3, xã Thanh Lộc đã cụ thể hóa bằng việc triển khai làm đường bê tông thôn xóm. Gần 3 km đường bê tông được phủ kín sau 1 tháng thi công cho thấy quyết tâm cao của Đảng bộ và nhân dân trong việc chấp hành chủ trương của cấp trên. Tuy nhiên, điều bất ngờ xảy ra, ¼ trong số đó bị xuống cấp ngay sau khi công trình vừa mới hoàn thành. Và, nỗi lo của người dân theo đó cũng phát sinh….

Vụ làm đường bằng xi măng kém chất lượng ở xã Thanh Lộc- Can Lộc:

Phóng sự điều tra của Hoài Nam

Mặc dầu chỉ mới đưa vào sử dụng nhưng lớp bê tông mặt đường đã có thể dùng tay gẩy ra và bóp vụn
Mặc dầu chỉ mới đưa vào sử dụng nhưng lớp bê tông mặt đường đã có thể dùng tay gẩy ra và bóp vụn

Trận mưa lớn đầu mùa hạ không làm dịu đi không khí “nóng” tại 2 xóm: Thanh Thủy, Thanh Mỹ xã Thanh Lộc, nhưng đủ để mọi người nhìn rõ những viên đá dăm hiện lên loang lỗ, nhiều nơi cát đọng lại từng vũng trên đoạn đường chạy qua 2 xóm. Nhiều người dân túa ra tranh nhau “tố” đường mới làm xong đã bị hỏng khi trước đó không lâu chính họ là những người dầm mình dưới cái nắng như thiêu như đốt để trực tiếp thi công. Một người đàn ông dí mõm dày vào mép đường và ấn xuống. Thật bất ngờ, một mảng lớn bê tông vỡ vụn dưới sức nặng của người đàn ông trọng lượng chỉ hơn 40 kg. Từ dưới ruộng, người phụ nữ hớt hơ hớt hải cầm cuốc chạy đến. “Phập”. Tiếng động chỉ nghe như vậy sau nhát cuốc như trời giáng chị bổ xuống mặt đường bê tông. Mà lẽ ra âm thanh phát ra nghe phải thật ghê rợn giữa hai vật tương tự nhau về độ rắn lại chịu một tác động rất lớn về lực.

Thi công ẩu hay không đúng quy trình? Những lý do này lập tức bị bác bỏ, bởi đoạn đường chạy qua 2 xóm đều có sự đóng góp tiền của và giám sát lẫn nhau của người dân trong quá trình thi công. “Thủ phạm” chính gây ra thảm cảnh này được người dân chỉ ra là do xi măng. Xi măng “dởm”? Còn quá sớm để khẳng định điều đó vì chưa được cơ quan chức năng kiểm nghiệm. Xi măng kém chất lượng là điều ai cũng nghĩ đến. Nhưng lượng xi măng này lấy ở đâu?.

Ngày 15-2-2011, UBND xã Thanh Lộc đã ký kết hợp đồng kinh tế về việc cung cấp vật liệu xây dựng mà cụ thể là xi măng với Cty TNHH Thương mại & Vận tải Bình Nguyên. Theo đó, công ty này chịu trách nhiệm cung cấp đủ 98 tấn xi măng Bỉm Sơn PCB 30 trong vòng 1 tháng kể từ ngày ký. Toàn bộ số hàng trên được vận chuyển từ thị trấn Nghèn đến xã Thanh Lộc. Đến thời điểm này, xã Thanh Lộc đã chuyển đầy đủ số tiền hơn 130 triệu đồng vào tài khoản của Cty Bình Nguyên.

Đông đảo người dân chỉ đích danh thủi phạm của việc đường mới làm xong đã hỏng: Ximăng "dỏm"!

“Vì sao ở Can Lộc có nhiều đại lý xi măng nhưng chúng tôi lại chọn Bình Nguyên?. Đơn giản là Bình Nguyên có thể cho nợ một vài ngày chứ không phải “tiền trao cháo múc” như các đại lý khác. Nhưng quan trọng hơn là Bình Nguyên là một trong những thương hiệu lớn và có uy tín. Ai lường trước được chữ ..ngờ” Chủ tịch UBND xã Thanh Lộc Lê Văn Nhiếu ấm ức nói.

Thực hiện chủ trương của huyện Can Lộc về việc triển khai xây dựng nông thôn mới, ngày 15-3, xã Thanh Lộc khởi công làm tuyến đường giao thông thôn xóm. Không chỉ vậy, trong số này còn có những đoạn được nâng cấp sủa chữa theo chương trình: Khắc phục hậu quả do 2 trận lũ xảy ra năm 2010. 2,9 km là chiều dài tuyến đường làm mới và nâng cấp tại 7/10 xóm của xã Thanh Lộc. Với phương châm

Chủ tịch UBND xã Thanh Lộc Lê Văn Nhiếu: Có nhiều cơ sở cung cấp xi măng nhưng chúng tôi chọn Bình Nguyên vì nghĩ đó là một trong những thương hiệu lớn. Ai ngờ...!
Chủ tịch UBND xã Thanh Lộc Lê Văn Nhiếu: Có nhiều cơ sở cung cấp xi măng nhưng chúng tôi chọn Bình Nguyên vì nghĩ đó là một trong những thương hiệu lớn. Ai ngờ...!

“Nhà nước và nhân dân cùng đóng góp”, trong đó ngân sách hỗ trợ của xã và huyện là 7 triệu đồng/100m, còn lại là người dân đóng góp công sức và mỗi hộ nộp 1 triệu đồng. Có khoảng hơn 100 hộ đóng góp tại 2 xóm. Theo thiết kế mặt đường bê tông rộng 3 m dày 15cm đảm bảo đúng tiêu chí xây dựng nông thôn mới do Bộ Nông nghiệp & PTNT đặt ra. Kỳ vọng về một tuyến đường lớn sẽ là cơ hội cho phát triển kinh tế hay ít ra việc đi lại cũng đỡ khó khăn, nhiều người xác định làm đường…cho nhà mình. Tuy nhiên “ tiền mất đã đành nhưng rồi đây khi mặt đường vỡ ra sẽ là ẩn họa về tai nạn giao thông. Xót lắm! nhưng công sức mồ hôi bỏ ra không thể đong đếm được. Ngoài việc xã mua, chúng tôi còn mua khoản 40 tấn xi măng của Cty Bình Nguyên”. Ông Nguyễn Xuân Bính- Nhóm phó phụ trách thi công đường tại xóm Thanh Thủy cay đắng cho biết. Bí thư xóm Thanh Thủy Nguyễn Đình Phúc tiếp lời: “Kể cũng lạ, với công thức: 3 đá x 2 cát x 1 xi, tương đương mác bê tông 200, lại thi công dưới cái nắng táp vào mặt nhưng chẳng thấy ai hắt hơi”.

Thi công giống hết nhau về tất cả các công đoạn cũng như thời gian triển khai và hoàn thành nhưng đến nay tuyến đường chạy qua 5 xóm khác không hề gì, hay nói một cách khác là chưa có biểu hiện của sự xuống cấp. Nhưng 700m, trong đó xã đầu tư toàn bộ 150m còn lại hai bên cùng làm đã có hiện tựơng lún và bào mòn mặt đường. Theo lời ông chủ tịch xã thì ngay khi người dân phản ánh tình trạng bất thường này xã đã gửi công văn kiến nghị đến Cty Bình Nguyên nhưng 20 ngày qua vẫn chưa thấy hồi âm. Giám đốc Cty TNHH Thương mại &Vận tải Bình Nguyên Nguyễn Đức Bình đã khước từ tiếp xúc với chúng tôi vì lý do: bân. Và: “Sáng nay, có đại diện Nhà máy đến hiện trường, có gì các anh gặp họ.”

Trưởng Văn phòng đại diện Cty CP Xi măng Bỉm Sơn tại Hà Tĩnh PhạmVăn Châu khẳng định: “Những vỏ bao xi măng mà người dân giữ lại theo mã số: X125, X087,X112 là của Cty. Nhưng ông cũng không dám chắc loại xi măng mà người dân thi công ở đâu ra vì trong bao không sót lại bột xi măng”

Theo phản ánh của nhiều người dân và chính quyền xã Thanh Lộc thì toàn bộ lượng xi măng do đại lý của Công ty Bình Nguyên tại thị trấn Nghèn cung cấp và đổ tại chân công trình mà không tập kết tại bất kỳ địa điểm nào. Trong khi đó, ông Trương Như Phương chủ đại lý cho biết: “Thi công đến đâu họ lấy đến đấy vì vậy chúng tôi tập kết hàng tại kho. Trong số xi măng vận chuyển đến xã Thanh Lộc có chuyến lấy từ đại lý của ông nhưng cũng có chuyến lấy từ kho của Cty Bình Nguyên.

Chẳng cần sức lực gì, người đàn ông gầy gò này vẫn có thể dùng cuốc cào mặt đường được thi công theo công thức 3 đá x 2 cát x 1 xi, tương đương mác bê tông 200 này như cào...đất!
Chẳng cần sức lực gì, người đàn ông gầy gò này vẫn có thể dùng cuốc cào mặt đường được thi công theo công thức 3 đá x 2 cát x 1 xi, tương đương mác bê tông 200 này như cào...đất!

Xi măng kém chất lượng từ nhà máy, tổng đại lý hay đại lý?. Câu trả lời chỉ có thể có được khi các ngành chức năng vào cuộc kiểm tra, khoanh vùng, rà soát các đơn vị và các đại lý cung cấp xi măng cũng như ngay tại nơi sản xuất. Xi măng kém chất lượng, đương nhiên không thể có công trình chất lượng. Đền bù?. Có thể có. Nhưng nếu phải làm lại đường thì ai sẽ làm vì niềm tin của người dân không còn. Không phải tất cả lượng xi măng làm đường tại xã Thanh Lộc đều kém chât lượng. Nhưng nếu những công trình như xây dựng hồ đập hay làm nhà cao tầng có lẫn loại xi măng như ở Thanh Lộc thì hậu quả sẽ như thế nào?. Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp là một quá trình dài và gian nan nhưng nếu xảy ra tình trạng tương tự chắc chắn người tiêu dùng sẽ tẩy chay những doanh nghiệp bán hàng không đảm bảo chất lượng. Trong khi chờ đợi câu trả lời thỏa đáng, người dân 2 xóm hàng lại thấp thỏm nỗi lo, không biết tuổi thọ con đường sẽ kéo dài đến khi nào?

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast