"Ốc đảo" Hồng Lam sớm phòng bão, lũ

(Baohatinh.vn) - Sống giữa bốn bề sông nước, luôn hứng chịu hậu quả của thiên tai, người dân vùng ốc đảo Hồng Lam (Xuân Giang - Nghi Xuân - Hà Tĩnh) luôn có ý thức chủ động phòng chống bão, lũ. Trước mùa bão, lũ năm nay, chính quyền và nhân dân vùng ốc đảo đang dồn sức, chuẩn bị điều kiện đối phó với diễn biến bất thường của thời tiết...

"Ốc đảo" Hồng Lam sớm phòng bão, lũ ảnh 1
Hàng hóa chở qua đò thời điểm này ngoài phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày của bà con thì chủ yếu dành để phòng lũ.

Trên chuyến đò ngang sang ốc đảo, tôi gặp người dân thôn Hồng Lam với lỉnh kỉnh đủ thứ hàng. Xe đạp, xe máy, bát đĩa đám cưới và có cả xi măng, gạch ngói, sắt thép, tấm lợp fibrô… Cẩn thận chuyển vật liệu xây dựng lên đò giữa cái nắng bức bối cuối hè, anh Phạm Văn Thuận chia sẻ: “Tranh thủ khi thời tiết thuận lợi, tôi sang thị trấn Nghi Xuân sắm đủ vật liệu xây dựng để sửa chữa, nâng cấp nhà vượt lũ. Chậm chân ít bữa nữa là bão, lũ tới. Ở đây, muốn sửa sang hay xây nhà mới, tất cả vật liệu phải chở qua sông”.

Cùng sang Xuân Giang II, tôi nghe bà con râm ran nhiều chuyện, trong đó, có sự lo lắng nếu bão, lũ đổ về. Bác Trần Đình Huynh - người hàng chục năm lái đò nơi đây trò chuyện: “Cứ vào mùa này, người dân Xuân Giang II lại tất bật mua sắm vật dụng phục vụ mùa mưa bão. Nhất là các bà, các chị đã sớm lo lương thực, thực phẩm, đồ khô xếp ngay ngắn trên chạn...”.

Dẫn tôi đi một vòng quanh ốc đảo, qua Trường Tiểu học Xuân Giang II được xây dựng 2 tầng khá kiên cố, Trưởng thôn Hồng Lam - Nguyễn Thế Lục cho hay: “Đây là địa điểm trú ẩn của bà con khi cường độ bão cấp 9, cấp 10. Còn khi bão mạnh từ cấp 11 trở lên, chúng tôi sẽ huy động mọi lực lượng, phương tiện tổ chức sơ tán dân đến nơi an toàn tuyệt đối. Hiện nay, chúng tôi đang tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân sửa chữa, chằng chống nhà cửa, tôn cao nền nhà, dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men... chủ động ứng phó với lụt, bão. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra công tác chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ”, xây dựng phương án phòng tránh, sẵn sàng đối phó với bão, áp thấp nhiệt đới“.

Ngay từ đầu tháng 5, gia đình bà Hồ Thị Châu đã cất công lên tận Đức Thọ để đặt thuyền tránh lũ. Sau 3 tháng đặt hàng, chiếc thuyền kiên cố đã được giao tận nhà. Bà Châu vui mừng: “Sống ở vùng ốc đảo này, phòng chống lũ đã trở thành nếp nghĩ của mỗi người dân. Gia đình tôi vừa đặt chiếc thuyền mới thay thế cho chiếc thuyền cũ nát để làm phương tiện đi lại trong mùa lũ tới”...

"Ốc đảo" Hồng Lam sớm phòng bão, lũ ảnh 2
Từ đầu tháng 5, gia đình bà Hồ Thị Châu đã lên tận Đức Thọ đặt thuyền tránh lũ.

Ngoài “tâm bão” ốc đảo Hồng Lam, thôn Hồng Nhất cũng là địa bàn ảnh hưởng trực tiếp nếu thiên tai xảy ra. Người dân Hồng Nhất chuyên đánh bắt thủy, hải sản với 144 tàu thuyền lớn nhỏ. “Khi thời tiết diễn biến bất thường, chúng tôi sẽ kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền, đặc biệt là tàu thuyền đánh bắt xa bờ thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, đến nơi tránh trú an toàn. Đồng thời, mở cửa cống âu thuyền và thông báo cho các chủ đưa thuyền về âu trú ẩn khi bão vào, không để một ai ở lại trên thuyền”, Trưởng thôn Hồng Nhất - Đậu Xuân Quế cho biết.

Theo dự báo, tình hình thời tiết năm nay diễn biến phức tạp. “Là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp, chúng tôi luôn chủ động, huy động nguồn lực, triển khai hiệu quả công tác phòng chống thiên tai nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Đề cao nguyên tắc “chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả“ và quán triệt phương châm “4 tại chỗ“, trong đó, nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng là giải pháp hữu hiệu“ , Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Giang – Đậu Xuân Tú cho hay.

“Địa phương đã rà soát, xác định vùng nguy hiểm về lụt, bão, sạt lở đất để xây dựng phương án phòng chống và tìm kiếm cứu nạn. Đồng thời, xây dựng phương án sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm khi bão, lũ lớn; đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền của ngư dân; đảm bảo an ninh trật tự - an toàn giao thông trong mùa bão lụt; chuẩn bị kỹ phương án cứu trợ và tìm kiếm cứu nạn, phòng ngừa, ứng phó với bão mạnh, siêu bão cũng như khắc phục hậu quả sau bão” – ông Tú cho biết thêm.

Song song với đó, Xuân Giang đang tiến hành củng cố, nâng cấp hệ thống thông tin liên lạc, đảm bảo thông tin được cập nhật kịp thời phục vụ công tác chỉ huy, điều hành, xử lý khi lụt, bão xảy ra. Ngoài ra, kiểm tra, đánh giá các công trình giao thông, công trình công cộng, dân dụng để hoàn thành việc tu bổ, sửa chữa trước mùa mưa bão và có kế hoạch cụ thể nhằm đảm bảo an toàn các công trình trọng điểm, nhất là bảo vệ những đoạn đê xung yếu...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast