Rác thải nông thôn ngày càng trở nên bức xúc

Sau tết Nguyên đán Nhâm Thìn, có dịp về nhiều địa phương trong tỉnh, chúng tôi thấy một vấn đề nhức nhối là hầu như các vùng nông thôn chưa có nơi để thu gom rác và chưa có tổ chức nào đứng ra xử lý rác thải.

Nếu như ở trung tâm thành phố Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh cũng như một số thị trấn và vài địa phương như Thiên Lộc (Can Lộc), Cẩm Bình (Cẩm Xuyên)… thường xuyên có người thu gom rác thì ở vùng nông thôn chuyện đó chưa được tính đến. Dọc đường Quốc lộ 1A, đoạn qua huyện Thạch Hà hay đường Thượng Ngọc (thị trấn Thạch Hà đi về xã Thạch Ngọc) rác thải được dân tự do đổ từng đống xuống mép đường lâu nay chưa có cơ quan nào đứng ra ngăn chặn.

Rác thải chất đống hai bên đường vùng Thựơng Ngọc (Thạch Hà)
Rác thải chất đống hai bên đường vùng Thựơng Ngọc (Thạch Hà)

Vấn nạn rác không những gây ô nhiễm môi trường mà còn gây phản cảm cho tất cả mọi người. Hoặc như nhiều khu vực đông dân cư khác ở Kỳ Anh, Hương Khê, Hương Sơn... rác thải chất chồng gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường từ năm này qua năm khác.

Thực trạng đó đặt ra vấn đề giải pháp nào để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở vùng nông thôn? Trả lời câu hỏi này, ông Lê văn Bình (Thạch Hà) cho rằng hàng tuần các địa phương, cơ quan, đơn vị nên tổ chức "Ngày vệ sinh môi trường" để làm vệ sinh, làm sạch môi trường xung quanh, nhất là đường làng ngõ xóm, những nơi có nhiều rác thải phải được thu gom chở về nơi xử lý. Việc này có thể huy động toàn dân nhưng trước hết lực lượng đoàn viên thanh niên nên đi đầu với vai trò xung kích. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là biện pháp tình thế, tập trung giải quyết hậu quả thói quen xả rác của người dân.

Còn theo ông Trần Văn Hải (Can Lộc) thì giải pháp lâu dài là ở các làng là thực hiện công khai các quy ước về vệ sinh môi trường, có biện pháp xử phạt các gia đình vi phạm. Đồng thời để cho các hộ dân giám sát lẫn nhau, cùng vận động nhau thực hiện bảo vệ môi trường. Và vấn đề quan trọng nhất là trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới, các xã cần dành một diện tích nhất định làm nơi tập kết thu gom rác và trong phạm vi làng cần bố trí chỗ đổ rác, tiến tới các xã (hoặc cụm xã) có thể xây dựng lò xử lý rác thải như đã làm ở xã Thiên Lộc. Có như vậy mới đảm bảo vệ sinh môi trường trong xây dựng Nông thôn mới. Còn nếu chưa xây dựng được lò xử lý rác thải thì có thể hợp đồng với HTX môi trường hoặc Công ty môi trường đô thị thu gom rác vô cơ chở đi xử lý ở các khu đổ rác hoặc nhà máy chế biến rác của tỉnh. Làm được như thế mới mong giải quyết được vấn nạn rác thải, đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình phát triển bền vững.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast