Tết người Việt nơi xa xứ

(Baohatinh.vn) - Vì cuộc sống mưu sinh, công việc, học hành, nhiều người Việt Nam phải ở lại nước ngoài đón tết. Với họ nỗi nhớ cồn cào nhất, đau đáu nhất, da diết thẳm sâu nhất mỗi độ trời đất chuyển mùa sang năm mới là nhớ Tết.

Chị Nguyễn Hương Giang - định cư ở tiểu bang New Jersey (Mỹ): Dù bận rộn vẫn cố gắng chuẩn bị mứt, bánh chưng.

Người Việt ở tiểu bang New Jersey đón tết cổ truyền trầm lắng hơn so với các bang khác ở nước Mỹ vì trời rất lạnh. Nhiệt độ bên ngoài âm đến 5-6oC. Tuyết đang rơi dày. Quanh nhà và cả khu dân cư, tuyết phủ trắng xóa. Lâu lắm rồi, tôi không được đón tết ở quê hương.

tet nguoi viet noi xa xu

Tuy vậy, dù bận rộn, tôi vẫn cố gắng bày trên bàn thờ tổ tiên cặp bánh chưng xanh, hộp mứt tết... để vơi nỗi nhớ nhà. Ngay cả lễ cúng tiễn ông Công, ông Táo về trời 23 tháng Chạp, cúng ông bà, tổ tiên và cúng đêm giao thừa, sáng mùng một cũng được làm một cách cẩn thận giống như ở quê nhà. Ngày tết, tôi thường tự làm những món ăn Việt và kể cho chồng, con về văn hóa tết Nguyên đán… với mục đích để chồng và con tôi hiểu thêm về truyền thống và phong tục Việt Nam. Không khí đón tết ở đây rất ấm cúng, bà con đến chúc nhau sức khỏe, gia đình hạnh phúc, sau đó, đi lễ chùa Bồ Đề ở Philadelphia… Nhân dịp chuẩn bị bước sang năm mới Đinh Dậu 2017, tôi gửi tới mọi người lời chúc sức khỏe, an khang, thịnh vượng, gặp nhiều may mắn…

Anh Phan Danh Bảo Trung - lưu học sinh ở Australia: Ấm áp không khí tết quê.

Đi học xa nhà, xa Tổ quốc, những năm đầu tiên, cứ gần đến tết ta, đi qua phố người Việt, tôi cảm thấy ấm lòng vì cộng đồng người Việt ở Sydney đã chuẩn bị cho một cái tết gần giống như ở quê nhà như bánh chưng, rượu nếp, giò chả, mứt…, chỉ thiếu mỗi cành đào. Ngày ba mươi và sáng mồng một tết, nếu đúng vào ngày nghỉ, sinh viên chúng tôi thường đến khu phố người Việt để được hưởng không khí tết quê nhà và ăn những món ăn Việt quen thuộc.

tet nguoi viet noi xa xu

Những ngày đó, cứ hễ là người Việt thì được các bác, các cô, các chú mời vào nhà ăn tết như người thân vậy. Nỗi nhớ không khí tết Việt những ngày thơ ấu của tôi nguôi đi phần nào. Những năm sau, tôi đã quen dần với tết Tây, công việc học hành cũng cuốn đi, vì thế, nỗi nhớ tết quê nhà không còn như trước. Tuy vậy, dù bận rộn công việc học hành, làm thêm, tôi vẫn hẹn ngày, giờ để gọi về chúc tết bố mẹ, em trai và người thân vào đúng ngày mồng một hoặc mồng hai tết. Năm mới Đinh Dậu sắp về, nơi xa, tôi mong mỏi, cầu chúc anh em, bạn bè luôn mạnh khỏe, bình an, hạnh phúc, đón một năm mới đầy thành công, viên mãn.

Lê Văn Thắng - du học sinh tại Nhật Bản: Tết sẻ chia của cộng đồng người Việt tại Nhật Bản.

Đây đã là cái tết thứ 4 tôi xa quê, xa gia đình. Cuộc sống ở một môi trường mới của một du học sinh vừa học, vừa làm ở thành phố Nagoya (tỉnh Aichi), một tỉnh miền Trung Nhật Bản đầy bỡ ngỡ, khó khăn.

tet nguoi viet noi xa xu

Ngày tết cổ truyền thiêng liêng của dân tộc, cộng đồng người Việt ở quanh vùng Aichi luôn cố gắng thu xếp công việc, học hành để có thể gặp gỡ, giao lưu văn hóa, văn nghệ và ẩm thực với những món ăn gợi nhớ ngày tết quê hương như bánh chưng, dưa hành, kiệu muối hay xôi, giò chả... Khán phòng cũng được trang trí bằng câu đối đỏ, cờ Việt và mọi người hát cho nhau nghe bài hát Việt với chủ đề về quê hương, về tết.

Đặc biệt, các chị em ai cũng sắm cho mình bộ áo dài để mặc trong buổi gặp gỡ này. Chỉ một buổi gặp nhau nhưng gợi nhớ cho chúng tôi về cái tết thực sự của Việt Nam, mang đến cảm giác ấm cúng lạ thường. Cũng lúc này, tôi khao khát được trở về sum vầy với gia đình, thèm khát hương vị quê hương và những món ăn mẹ hay nấu vào ngày tết. Những anh chị em vì xa hoặc bận công việc không tham gia cùng mọi người được thì tự sắp xếp tổ chức ăn tết tại phòng, mọi người tụ họp nấu món Việt Nam, quây quần bên nhau, vui và ý nghĩa.

Anh Nguyễn Đình Xuân - Chủ tịch Hội đồng hương Hà Tĩnh tại Cộng hòa liên bang Đức: Không nguôi nỗi nhớ quê nhà.

30 năm học tập, làm việc và sinh sống ở Cộng hòa liên bang Đức, chưa bao giờ tôi nguôi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương. Trong những dịp tết cổ truyền ở Việt Nam, nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương càng da diết hơn.

tet nguoi viet noi xa xu

Do chênh lệch múi giờ đến 6 tiếng đồng hồ, giao thừa ở Việt Nam thì bên này là 18h, điều khác biệt nữa bên này là ngày làm việc bình thường nhưng chúng tôi cũng tranh thủ về sớm hơn thường ngày để sửa soạn mâm cỗ cúng gia tiên. Quây quần bên gia đình nhỏ nhớ về tết Việt, tôi kể cho bọn trẻ nghe những ký ức tết quê, chúng rất thích thú.

Ngoài dành thời gian cho gia đình, mỗi dịp tết cổ truyền, bà con Hà Tĩnh tại Cộng hòa liên bang Đức thường gặp gỡ, giao lưu với những bữa tiệc đơn giản để cùng nhau nhớ về tết Việt.

Đối với Hội đồng hương Hà Tĩnh tại Cộng hòa liên bang Đức, chúng tôi thường tổ chức gộp tết Tây và tết cổ truyền làm một. Vừa rồi, hội đã tổ chức đón tết rất vui và ý nghĩa. Những người con Hà Tĩnh cùng gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ tình cảm. Điều rất đặc biệt là tất cả đều chung một tấm lòng hướng về quê hương bằng những việc làm thiết thực. Bởi vậy, quỹ của hội chủ yếu dành cho các hoạt động an sinh xã hội ở quê nhà ngày càng được phát triển.

tet nguoi viet noi xa xu

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast