Người dân vùng hạ du Kẻ Gỗ sống bất an bên bờ sông sạt lở

(Baohatinh.vn) - Người dân xã Cẩm Duệ (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) sống hai bên bờ sông Ngàn Mọ - vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ đang phải đối mặt với nguy cơ sạt lở do mưa lớn kéo dài.

Từ trước khi cơn bão số 4 gây mưa lớn trên địa bàn, ông Nguyễn Trung Thành ở thôn Trung Thành, xã Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên) đã thường trực nỗi lo. Ngôi nhà của ông nằm ngay cạnh bờ sông Ngàn Mọ, mỗi năm vết sạt lở lại thêm ăn sâu vào vườn nhà. Trong đợt mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 4, gia đình ông phải sơ tán đến nhà người thân để tránh nguy cơ sạt lở.

2063.jpg
Ông Nguyễn Trung Thành ở thôn Trung Thành, xã Cẩm Duệ chỉ vết nứt lớn trong vườn nhà được ông gia cố bằng đá.

Ông Nguyễn Trung Thành chia sẻ: “Tình trạng sạt lở mạnh diễn ra từ năm 2020 đến nay và cuốn trôi nhiều diện tích đất vườn của gia đình. Từ vị trí sạt lở vào đến nhà hiện chỉ còn 7m nên gia đình rất lo lắng. Đặc biệt, hiện nay trong vườn xuất hiện những lỗ to như vành nón, tôi phải chở đá về lấp. Tuy nhiên, đá cũng chỉ lấp được bề mặt bên trên còn bên dưới thì ngày càng lở sâu, dùng tay kiểm tra thì không thể chạm được đáy, khả năng đất đã bị khoét rỗng”.

Được biết, điểm sạt lở dọc bờ sông Ngàn Mọ qua thôn Trung Thành hiện có 6 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp. Mỗi khi mưa bão lớn, chính quyền địa phương phải tổ chức sơ tán các hộ dân để đảm bảo an toàn.

Ngoài điểm sạt lở qua địa bàn thôn Trung Thành, hiện nay, trên địa bàn xã Cẩm Duệ xuất hiện hàng chục điểm sạt lở dọc bờ sông Ngàn Mọ qua các thôn: Thống Nhất, Quốc Tiến, Trần Phú, Phương Trứ. Theo thống kê, có hơn 50 hộ dân sinh sống dọc 2 bên bờ sông Ngàn Mọ bị ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở, thường xuyên phải sơ tán khi mưa bão lớn xảy ra.

2020.jpg
Ngõ vào nhà ông Hoàng Đông Đức ở thôn Phương Trứ, xã Cẩm Duệ xuất hiện vết nứt lớn do sạt lở.

Nằm sát bên bờ sông Ngàn Mọ, gia đình ông Hoàng Đông Đức (thôn Phương Trứ, xã Cẩm Duệ), từ 4 năm trở lại đây, mỗi khi hồ Kẻ Gỗ xả lũ, nước sông Ngàn Mọ lại “nuốt chửng” nhiều diện tích đất vườn của gia đình. Hiện nay, nước sông đã “ăn sát” vào chuồng trại chăn nuôi; tuyến đường bê tông vào nhà ông Đức xuất hiện những vết nứt dài.

Ông Hoàng Đông Đức chia sẻ: “Để vá vết nứt ở đường, gia đình tôi phải đi chở phế thải như cát, đá ở các công trình đang thi công để về gia cố. Nếu lưu lượng xả lũ lớn cộng với thời tiết mưa to từ đầu nguồn, tôi sợ cả tuyến đường sẽ bị cuốn mất. Sống bên bờ sông sạt lở nên gia đình rất lo lắng, cứ mưa lớn là cả nhà lại sẵn sàng để đi sơ tán".

2596.jpg
Điểm sạt lở nghiêm trọng, sát nhà dân ở thôn Phương Trứ, xã Cẩm Duệ đang được thi công kè chống sạt lở.

Tại thôn Phương Trứ, các điểm sạt lở nằm rải rác ở bờ tả sông Ngàn Mọ. Trong đó, điểm sạt lở lớn nhất nằm ở vùng hạ lưu cầu chợ Vực, hiện đã được chính quyền địa phương bố trí 14,8 tỷ đồng để xây dựng công trình chống sạt lở dài hơn 400m. Tuy nhiên, công trình mới khởi công được 1 tháng, đang thi công dở phần móng nên càng nguy hiểm cho các hộ dân xung quanh.

Bà Nguyễn Thị Vân (thôn Phương Trứ) cho biết: “Sau trận mưa lớn vừa qua, một số cây cối, đất đá bị cuốn trôi theo dòng nước. Sạt lở đã lấy đi gần hết diện tích công trình chăn nuôi của gia đình. Hi vọng thời tiết thuận lợi để đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành công trình chống sạt lở trên địa bàn”.

2574.jpg
Nước sông Ngàn Mọ dâng cao khiến người dân vùng hạ du Kẻ Gỗ càng bất an, lo sợ sạt lở và ngập úng.

Trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng ở nhiều điểm trên địa bàn, hiện nay, xã Cẩm Duệ đã chủ động chuẩn bị hơn 50 khối đá để sẵn sàng gia cố khi xảy ra tình huống khẩn cấp. Cùng với đó, địa phương cũng đã làm công văn đề xuất UBND huyện Cẩm Xuyên hỗ trợ rọ đá, vật tư để chủ động ứng phó với tình trạng sạt lở trong mùa mưa năm 2024.

Năm nào, dọc bờ sông Ngàn Mọ cũng diễn ra tình trạng sạt lở cuốn trôi nhiều diện tích đất và các công trình hạ tầng của người dân. Sau mỗi đợt sạt lở, địa phương thường phải huy động bộ đội, dân quân tự vệ cùng người dân dùng đá hộc, lưới thép, cọc tre kè gia cố tạm.

Về lâu dài, đề nghị các cấp quan tâm đầu tư các công trình kè bờ sông Ngàn Mọ, nạo vét lòng sông để tăng khả năng tiêu thoát lũ nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, cơ sở hạ tầng cho Nhân dân.

Ông Võ Tá Kỷ - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cẩm Duệ.

Video: Tình trạng sạt lở bên bờ sông Ngàn Mọ ngày càng nghiêm trọng.

Chủ đề Mưa lũ ở Hà Tĩnh

Đọc thêm

Công điện ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông

Công điện ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công điện điện: UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận; các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam về việc ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông.
Thông tin mới nhất về bão USAGI

Thông tin mới nhất về bão USAGI

Tin mới nhất về bão USAGI, hiện đang ở gần Nam Đài Loan, sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn, nguy cơ cao với tàu thuyền. Biển động rất mạnh.
Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.