Thăng trầm cây sắn

Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hà Tĩnh được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động trên địa bàn xã Kỳ Sơn đã đưa phong trào trồng sắn nguyên liệu ở các xã vùng thượng Kỳ Anh phát triển rầm rộ, góp phần khai thác tiềm năng, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, sự phát triển diện tích sắn quá “nóng” thời gian qua đã bắt đầu bộc lộ sự bất ổn. Người trồng sắn đang chới với ngay trên chính mảnh đất của mình.

Diện tích sắn tăng nhanh

Ngược theo con đường 12 từ thị trấn Kỳ Anh đến các xã vùng thượng, chúng tôi như lạc vào bạt ngàn những cánh rừng sắn. Càng lên cao, càng điệp trùng một màu xanh của sắn bắt đầu vào thời kỳ thu hoạch. Sắn thế chỗ màu xanh của những khu rừng; sắn tràn vào cả những mảnh vườn nhà… Dường như mỗi người dân ở đây đều biết tận dụng từng “tấc đất” để dành cho cây sắn sinh sôi, phát triển.

Cảnh mua bán sắn củ luôn nhộn nhịp trên tuyến Quốc lộ 12 - từ thị trấn Kỳ Anh lên các xã vùng thượng

Cảnh mua bán sắn củ luôn nhộn nhịp trên tuyến Quốc lộ 12 - từ thị trấn Kỳ Anh lên các xã vùng thượng

Khai sinh trên vùng đất Hà Tĩnh chưa được bao lâu, nhưng cây sắn Vedan đã trải qua không ít những thăng trầm. Năm 2006, với tiềm năng đất đai rộng lớn, người dân các xã vùng thượng đã bắt tay trồng sắn nguyên liệu để bán cho các nhà máy chế biến ngoại tỉnh. Năm 2007, một tin vui đến với bà con nông dân ở đây, khi nhà máy chế biến tinh bột sắn Hà Tĩnh được khởi công xây dựng trên địa bàn xã Kỳ Sơn.

Những tưởng, khi đi vào hoạt động, ít ra người dân cũng sẽ được cải thiện một bước về giá bán, tuy nhiên, vụ sắn 2009 khi nhà máy bắt đầu vận hành, mỗi kg sản phẩm, người dân chỉ bán được 400 đồng, không đủ chi phí sản xuất. Vì vậy một số hộ trồng sắn bỏ cuộc, một số trung thành với cây sắn nhưng cũng chỉ sản xuất cầm chừng.

Năm 2010 đánh dấu một thời điểm hoàng kim cho sản phẩm sắn nguyên liệu, khi giá thu mua của nhà máy đạt 2.200 đồng/kg đối với sản phẩm loại 1. Giá bán sắn tăng đột biến, đã kéo theo làn sóng phát triển diện tích ồ ạt. Nhà nhà thi đua, người người thi đua trồng sắn. Từ tận dụng diện tích đất vườn, khoanh vùng các khu đất trống, mở các trang trại đến phá bỏ các diện tích cây lâu năm, các khu rừng khoanh nuôi để trồng sắn. Từ trên dưới 1.000 ha năm 2010, vụ sắn 2011 diện tích sắn của huyện tăng vọt lên 3.100 ha trên kế hoạch 1.700 ha của huyện.

Gia đình ông Doãn Viết Mậu ở xóm 2 Sơn Trung xã Kỳ Sơn, một hộ dân sở hữu đến 10 ha sắn, trong đó có phân nửa diện tích là trồng sau khi đã thu hoạch cây tràm, còn lại phần lớn là chuyển đổi từ diện tích rừng khoanh nuôi. Ông Mậu cho biết, mặc dù diện tích sắn của gia đình năm nay khá lớn, nhưng không như nhiều người, ông đã hạn chế thấp nhất việc phá bỏ các khu rừng trồng đang thời kỳ phát triển. Phần lớn diện tích sắn của ông đều được trồng sau khi vườn cây đã cho thu hoạch. Vì vậy đã tránh được sự lãng phí rất lớn, đặc biệt là khi có biến động bất lợi về giá bán.

Ông Doãn Viết Mậu ở xóm 2 Sơn Trung xã Kỳ Sơn đầu tư mở đường nối từ tuyến Quốc lộ 12 vào rừng sắn của mình

Ông Doãn Viết Mậu ở xóm 2 Sơn Trung xã Kỳ Sơn đầu tư mở đường nối từ tuyến Quốc lộ 12 vào rừng sắn của mình

Tuy nhiên, theo ông Hồ Văn Thái - Chủ tịch hội Nông dân xã Kỳ Sơn thì có được sự tính toán như ông Mậu, ở địa phương này là rất hiếm. Phần lớn, thấy nguồn lợi trước mắt, mọi người sẵn sàng hy sinh kể cả những thành quả đã trông thấy để đầu tư cho trồng sắn. Vụ sắn 2011, có hàng chục hộ dân trồng từ 5 ha sắn trở lên. Tổng diện tích sắn của xã Kỳ Sơn từ 250 ha năm 2010 đã tăng lên 530 ha năm 2011.

Giá sắn tụt dốc

Hệ lụy của việc phát triển cây sắn quá nóng đã được trả lời ngay từ vụ thu hoạch năm 2011 khi giá sắn bỗng nhiên tuột dốc. Hy vọng tràn trề của người trồng sắn gần một năm trời chăm bẵm, nâng niu cũng bỗng nhiên hẫng hụt. Từ giá bán ngất ngưỡng trên 2.200 đồng/kg của vụ thu hoạch 2010, giá sắn vụ 2011, mặc dù mới thu hoạch giai đoạn đầu cũng chỉ đạt bình quân 1.300 đồng/ha. Nếu làm một phép tính sơ sơ từ sự tương quan giữa giá cả và diện tích sắn thực tế (trên 3.000 ha), thì giá trị thu nhập “trong mơ” của những người trồng sắn trong một năm đã lên đến hàng chục tỷ đồng.

Một thực tế là, đối với những hộ chưa kịp “trở tay” với phong trào nên chỉ trồng thêm được một số diện tích hạn chế thì chưa phải là vấn đề quá lớn. Còn đối với những hộ dân vốn “năng động trước thời cuộc” mà huy động một cách tổng lực để dồn sức cho mở rộng diện tích cây sắn với sự hỷ hả và mong đợi… thì quả phải nếm trải sự thất vọng để đời.

Không chỉ đơn thuần bị thiệt hại trong phạm vi biến động giá cả của cây sắn, nhiều người phải ôm niềm nuối tiếc khi nhớ lại những rừng tràm của mình đang độ trưởng thành, những cánh rừng bao năm khoanh nuôi, bảo vệ đang độ hồi sinh bị san phẳng dưới bàn tay của chính mình.

Anh Trần Văn Tùng ở xóm Lạc Kim - Kỳ Sơn, được coi là khá may mắn khi thay việc bán căn nhà duy nhất của gia đình bằng thế chấp tài sản, vay ngân hàng trên 100 triệu đồng để đầu tư cải tạo đất trồng 6 ha sắn. Anh cho biết, chưa kể chịu thiệt hại hàng chục triệu đồng khi phải phá bỏ nhiều diện tích rừng trồng chưa đến kỳ thu hoạch, riêng tiền thuê máy cải tạo đất đã nuốt trọn hơn nửa số vốn vay; rồi tiền giống, vật tư phân bón, tiền công… tổng số tiền đầu tư lên đến hàng trăm triệu đồng.

Nếu được giá như năm 2010, anh vẫn có lợi nhuận khá dư dả. Nhưng với giá cả như năm nay thì coi như phải “lỡ hẹn” với ngân hàng. Còn theo anh Trần Thanh, chủ máy làm đất trồng sắn ở Kỳ Sơn thì đến nay, có hàng chục hộ dân đang nợ anh tiền làm đất với số tiền hàng trăm triệu đồng. Với tình trạng thu nhập của bà con như vụ sản xuất này thì anh sẽ khó lòng thu hết được các khoản nợ.

Cần một giải pháp chiến lược

Cũng như nhiều người dân khác, chị Lê Thị Thảo ở xóm Tạ Tấn, xã Kỳ Tân rất tâm đắc với nghề trồng sắn bởi theo chị, cây sắn khá dễ làm so với cây lạc và một số cây trồng khác. Tuy nhiên, với sự bấp bênh của giá cả như những năm qua, chỉ có hơn 1 ha sắn nhưng chị đã bắt đầu nghĩ đến việc giảm dần diện tích sắn để chuyển sang trồng một loại cây nào đó.

Chị Thảo ở xóm Tạ Tấn - Kỳ Tân: Mong nhà máy nhích lên cho vài giá nữa để bà con yên tâm bám trụ với cây sắn

Chị Thảo ở xóm Tạ Tấn - Kỳ Tân: Mong nhà máy nhích lên cho vài giá nữa để bà con yên tâm bám trụ với cây sắn

Trên một bình diện cao hơn, hầu hết các địa phương vùng thượng Kỳ Anh (dù muốn hay không) cũng đã nghĩ đến một hướng đi khác, ít nhất là cũng giảm thiểu diện tích cây sắn nguyên liệu. Theo lãnh đạo xã Kỳ Sơn, một trong những thủ phủ của cây sắn thì, quan điểm của địa phương là phải giảm diện tích trồng sắn càng nhiều càng tốt và chuyển hướng sang trồng chè.

Còn xã Kỳ Thượng, mặc dù diện tích đất trồng sắn đã bị thu hẹp nhiều do việc ngăn sông Rào Trổ, chỉ còn lại hơn 200 ha, nhưng quan điểm của xã là vẫn tiếp tục chỉ đạo giảm diện tích trồng sắn, và cây chè vẫn là cây được lựa chọn để dần thay thế cây sắn.

Như vậy, vòng luẩn quẩn về việc lựa chọn sản phẩm cây trồng đã bắt đầu lộ diện, chưa tính đến sự biến động của thị trường. Và biết đâu, cây chè lại có thể cùng chung số phận như cây tràm nếu một ngày nào đó, “bỗng nhiên” giá sắn lại tăng cao đột biến!

Một giải pháp được định hình và thực thi kịp thời, một sự đồng hành hiệu quả giữa chính quyền - Nhà máy và người dân, sẽ là điều kiện tiên quyết để tìm lại được sự hài hòa về lợi ích; định hướng được một chiến lược phát triển vững chắc cho cây sắn, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân các xã vùng thượng Kỳ Anh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast