Thêm một công trình cấp nước sinh hoạt tiền tỷ bị bỏ hoang

Được đầu tư 1,7 tỷ đồng, công trình cấp nước sinh hoạt xã Tân Lộc (Lộc Hà) do UBND xã Tân Lộc làm chủ đầu tư, dự kiến sẽ cung cấp đủ nước sinh hoạt cho 7.647 số dân đến năm 2020. Công trình khởi công từ năm 2005 đến năm 2007 thì cơ bản hoàn thành và... “đắp chiếu” bỏ hoang đến nay. Đã 5 năm trôi qua, hiện trạng của công trình vẫn là “chờ nguồn đầu tư” trong khi người dân ở đây phải dùng nước giếng khoan bị nhiễm phèn để sinh hoạt....

Bể chứa cạn trơ còn nhà bị bỏ hoang lâu ngày đã xuống cấp nghiêm trọng.

Năm 2005, được sự quan tâm của tỉnh, xã Tân Lộc (Lộc Hà) được cấp vốn xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt với tổng số vốn trên 2,8 tỷ đồng. Theo thiết kế, công trình được đầu tư khá quy mô với hệ thống chứa, lọc nước kiên cố; máy bơm, hệ thống ống dẫn theo công nghệ hiện đại, chất lượng. Nước được lấy từ hồ chứa nước Khe Hao với dung tích trên 800 nghìn m3, thoải mái cung cấp nước cho nhà máy hoạt động. Ấy thế mà, trái với sự kỳ vọng được hưởng nguồn nước sạch của người dân vùng nước nhiễm phèn, công trình “đắp chiếu” bỏ hoang ngay khi vừa cơ bản hoàn thành mà chưa qua một ngày sử dụng. Theo ông Hoàng Mạnh Trung, Chủ tịch UBND xã Tân Lộc (Lộc Hà) thì nguyên nhân chính là thiếu vốn. Khi các hạng mục chính của công trình như: khu vực trạm, hệ thống đường ống chính hoàn thành (khoảng 1,7 tỷ đồng là nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ) thì ngân sách xã không đủ để đối ứng đầu tư hệ thống tuyến rẽ. Trong khi đó, huy động, vận động đóng góp của nhân dân để làm ống dẫn vào hộ gia đình lại gặp khó khăn do mức sống của bà con xã nhà còn quá nghèo. Ông Trung cũng khẳng định thêm, năm 2007 nước đã được bơm thử về trụ sở UBND xã nhưng sau đó không huy động được nguồn vốn nên đành bỏ dở và hoang phí mấy năm nay. Giải thích cho điều này, ông Trung chỉ phân trần rằng do công trình không quyết toán được nên không thể xúc tiến đầu tư tiếp được!

Người dân vẫn phải chịu cảnh “cõng” nước phèn từ giếng khoan để sinh hoạt hàng ngày
Người dân vẫn phải chịu cảnh “cõng” nước phèn từ giếng khoan để sinh hoạt hàng ngày

Tiếp cận khu vực chính của công trình cấp nước sinh hoạt, dù được xã thuê một bảo vệ trông coi nhưng do bị bỏ hoang lâu ngày, lại là vùng chịu nhiều thiên tai nên cơ sở vật chất đã bị xuống cấp nhiều. Theo ghi nhận của phóng viên, khuôn viên cỏ dại mọc um tùm, che hết lối đi; mái của nhà chính đã bị lật ngói do những đợt mưa, bão; ống dẫn nước chính từ hồ Khe Hao vào trạm bị đất vùi lấp; hệ thống bể lọc bị hoen ố, meo mốc; hệ thống bể chứa bị lật nắp; ở những nơi nước đọng trở thành nơi trú ngụ của các loại bọ gậy, ruồi muỗi...Còn lại, các hạng mục như: các tuyến ống dẫn nước từ bể lọc đến bể chứa, van và một số thiết bị khác gần như vẫn còn nguyên vẹn. Trao đổi với ông Phan Thanh Nhàn, Phó chủ tịch UBND huyện được biết: “Huyện đã nhiều lần tổ chức làm việc với lãnh đạo xã về việc bàn phương án giải quyết và sẵn sàng tiếp sức cho xã một phần kinh phí để vận hành trở lại công trình cấp nước ở Tân Lộc. Tuy nhiên, đến nay vẫn rối như “mớ bòng bong”, một phần vì hậu quả của sự quản lý thiếu chặt chẽ, thiếu đồng bộ trước đây, phần vì nội lực về tài chính của xã quá khó khăn, để huy động một lúc hàng trăm triệu đồng là vấn đề không hề đơn giản”. Và nghịch cảnh là, trong khi công trình cấp nước hoành tráng tiền tỷ thì bỏ phơi sương, phơi nắng thì người dân quay lại với “cái máng lợn cũ” dùng nước phèn từ giếng khoan để sinh hoạt. Trong số 9 xóm thì có đến 4 xóm thuộc vùng Kim Anh là nguồn nước bị nhiễm phèn nặng. Vì thế, hầu như gia đình nào cũng phải trang bị cho mình bể lọc nước phèn, nhà nào có điều kiện thì bể lọc được đầu tư khá tốt, còn lại là những bể tự chế với vài lớp cát, sỏi đơn giản mà thôi. Đây là nguyên nhân gây ra các loại bệnh về đường ruột, tiêu hóa và phụ khoa ở phụ nữ. Ông Lê Xuân Cảnh, xóm 4 (vùng Kim Anh) cho biết: “Bể nước mưa chỉ đủ dùng để uống còn ăn và các sinh hoạt khác đều phải dùng nước giếng khoan. Chúng tôi chờ nguồn nước sạch từ lâu lắm rồi thế mà công trình nước sạch ngay trên địa bàn xã lại cứ án binh bất động, nhà có cháu nhỏ nên cứ dùng nước là chúng tôi lại nơm nớp lo sợ”.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, người dân sẵn sàng bỏ chi phí để làm ống dẫn nước về tận hộ. Tuy nhiên, họ chỉ mới được hướng dẫn về đăng ký nhu cầu sử dụng nước sạch một lần duy nhất vào hồi công trình mới hoàn thành còn sau này thì chẳng ai còn nhắc nhở gì đến nữa.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast