Xung trận nơi “rốn” lũ

Để có được những thông tin nhanh nhất, cụ thể nhất về trận lũ lịch sử 2010, đặc biệt về tình cảnh người dân vùng lũ, chúng tôi - những phóng viên báo Hà Tĩnh đã thực sự trở thành những người lính xung trận.

Kỷ niệm 50 năm báo Hà Tĩnh ra số đầu (2/9/1962 - 2/9/2012)

Phóng viên tác nghiệp trong trận lũ lịch sử 2010

Phóng viên tác nghiệp trong trận lũ lịch sử 2010

Từ mờ sáng, 8 xuồng máy của các lực lượng cứu hộ mang theo mỳ tôm, lương khô và nước uống tỏa xuống các xã vùng hạ của huyện Hương Khê đang bị cô lập bởi nước lũ. Tôi và các đồng nghiệp kịp theo các xuồng cứu trợ mang theo mỳ tôm và nước uống nhằm hướng Gia Phố thẳng tiến. Xã Gia Phố với gần 1.000 hộ dân trù phú bên dòng Ngàn Sâu bị nhấn chìm trong biển nước đục ngầu, chỉ còn lơ phơ vài ngọn tre vật vã trong dòng xoáy.

Điểm tiếp cận đầu tiên của đoàn cứu trợ là Nhà thờ giáo xứ Đông Hải – nơi đang có hơn 100 phụ nữ, trẻ em sơ tán. Cha Trung – quản hạt giáo xứ Đông Hải cho biết: “Từ 2 ngày nay, nhà thờ đã tổ chức ăn cho mọi người. Lương thực có thể cầm cự thêm vài ngày nhưng bây giờ khó khăn nhất là nước uống. Sáng nay, chúng tôi đã phải lấy nước lũ nấu cơm”. Tại các xóm 13, 14 có rất nhiều nhà phải chuyển lên sinh hoạt trên mái “Đêm qua, nước ngập lên đến chạn, cả nhà tui phải dỡ mái ngói chui lên, may nước không lên tiếp, không thì...” – ông Thiện vừa nhai vội miếng mỳ tôm vừa kể. Hình ảnh về làng quê đôi bờ sông Ngàn Sâu ngập chìm trong biển nước, người dân đói, khát đang ngồi trên nóc nhà chờ hàng cứu trợ được tôi và các đồng nghiệp ghi lại và nhanh chóng chuyển về tòa soạn. Những hình ảnh này khi đưa lên các phương tiện truyền thông đã gây xúc động mạnh cho người xem.

Để có được chuyến đi này tôi phải cầu cứu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn “bảo lãnh” bởi chiếc xuồng máy đã chất đầy mỳ tôm, nước uống và lúc này ưu tiên nhất là chở hàng đến tận tay bà con đang đói, khát. Mặc dù, biết rằng tác nghiệp trong mưa lũ sẽ gặp nguy hiểm về người và máy móc, thiết bị nhưng chúng tôi vẫn không quản ngại. Chiếc xuồng cứu trợ cỡ lớn chở chúng tôi ra giữa dòng nước lũ mong manh như chiếc lá tre. Đang lướt nhanh, bỗng nhiên chiếc xuồng hực lên và xoay tròn như chong chóng, nước tràn vào phía sau máy. Mọi người trên xuồng nhốn nháo, mặt biến sắc. “Tất cả bình tĩnh, ngồi yên, chân vịt vướng dây điện” – người sỹ quan lái xuồng Hải đội 2 (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh) hô lớn để trấn an. Chiếc xuồng bị kẹt chân vịt cứ thế trôi tự do giữa dòng nước lũ giống như một chiếc xe tải hạng nặng đang lưu thông trên phố bị mất phanh. Sau 20 phút “sống trong sợ hãi” chúng tôi mới tin chắc thoát nạn khi người lái xuồng gỡ được mớ dây điện ra khỏi chân vịt. Để vào tận các nhà dân ghi lại các hình ảnh sinh hoạt chúng tôi phải “tăng bo” trên những chiếc thuyền nhỏ (thuyền thúng, thuyền 3 ván). Thuyền chở 2 người đã mấp mé nước, phải ngồi thật cân, thật vững nếu không lật thuyền như chơi. Và thực tế trong trận lũ lịch sử đó đã có không ít phóng viên bị hư hỏng máy ảnh do ngồi thuyền nhỏ bị lật.

Suốt ngày hôm đó, mặc cho mưa tầm tả quất rát mặt, mặc cho người ướt sũng, mặc cho phương tiện tác nghiệp (máy ảnh, máy quay phim) có thể bị ẩm mốc, hư hỏng nhưng tôi vẫn hài lòng vì ghi lại được những hình ảnh, những thông tin nhanh nhất, cụ thể nhất về lũ, về tình cảnh người dân nơi vùng lũ để cung cấp cho bạn đọc và đặc biệt nhất là đã kịp thời cứu đói cho rất nhiều người dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast