Người Hà Tĩnh ở Phnom Penh và câu chuyện “mô tê răng rứa” trên sân Morodok

(Baohatinh.vn) - SEA Games 32 ở Campuchia là kỳ đại hội đầu tiên nước bạn đăng cai. Đến sân cổ vũ cho các VĐV Việt Nam, nghe đúng giọng Hà Tĩnh “mô tê răng rứa” trên sân Morodok, cảm xúc thật khó tả.

Người Hà Tĩnh ở Phnom Penh và câu chuyện “mô tê răng rứa” trên sân Morodok

Đồng hương Hà Tĩnh tại Phnom Penh cùng đến sân cổ vũ cho đội tuyển nữ Việt Nam trong trận chung kết gặp Myanmar.

Ngày chuẩn bị sang Campuchia, thông qua mạng xã hội, tôi làm quen được với anh Đặng Ngọc Đề (quê Can Lộc, Hà Tĩnh) đang sinh sống và làm việc tại Phnom Penh. Đề hẹn, lúc nào anh sang em đón, và với tình cảm một người cùng quê Hà Tĩnh, anh bạn này đã trở thành hướng dẫn viên miễn phí cho tôi trong suốt những ngày trên đất Campuchia. Thế nên, từ nơi ăn, chốn ở trên đất bạn, Đề đều lo lắng sắp xếp cho tôi.

Người Hà Tĩnh ở Phnom Penh và câu chuyện “mô tê răng rứa” trên sân Morodok

Đặng Ngọc Đề và tác giả chụp ảnh lưu niệm tại sân Olympic.

Chàng trai quê Can Lộc sang đất bạn lập nghiệp được 11 năm, vốn tiếng Campuchia của Đề vì thế cũng rất tốt. Đề hiện là CEO của một công ty phân phối hàng hóa tiêu dùng tại Campuchia. Điều thú vị là qua Đề, tôi khám phá ra ở Thủ đô Phnom Penh có một cộng đồng người Việt quê Hà Tĩnh, và rất nhiều trong số họ sang đây lập nghiệp rất thành công...

Người Hà Tĩnh ở Phnom Penh và câu chuyện “mô tê răng rứa” trên sân Morodok

Siêu thị VMart và nhà hàng của Nguyễn Anh Sáng tại số 51, đường 115 Phnom Penh.

Người Hà Tĩnh sang Phnom Penh lâu năm nhất mà tôi được biết là vợ chồng Nguyễn Anh Sáng và Phạm Thị Hải Vân. Sáng sinh năm 1983 nhưng đã có thời gian lập nghiệp trên đất bạn lên đến 21 năm. Cả 2 vợ chồng đều quê ở xã Phúc Trạch, Hương Khê.

Sáng kể, ngày đầu sang Phnom Penh, 2 vợ chồng đi làm thuê cho các cửa hàng bán lẻ. Đến năm 2013, cả hai mới tích lũy được chút vốn liếng để mở cửa hàng riêng cho bản thân. Đến nay, vợ chồng Sáng đã có hẳn một siêu thị tổng hợp bán đồ Việt mang tên VMart với diện tích 300 m2 tại số 51, đường 115 Phnom Penh. Ngoài siêu thị VMart, vợ chồng Sáng còn có một nhà hàng đặc sản dê cũng tại địa chỉ trên... Việt kiều trên đất Phom Penh rất đông, vì thế việc kinh doanh hàng hóa Việt Nam của vợ chồng Sáng khá thuận lợi.

Người Hà Tĩnh ở Phnom Penh và câu chuyện “mô tê răng rứa” trên sân Morodok

Nhà hàng của Trần Đức Chiến và Lê Tú Tài có đông khách Việt đến xem các trận đấu bóng đá dịp SEA Games 32.

Theo Sáng chia sẻ, tại thủ đô của Campuchia có khoảng 10 siêu thị người Việt thì con em Hà Tĩnh sở hữu 2 cái. Một siêu thị nữa là của vợ chồng Lê Vinh và Đoàn Thị Thúy. “Siêu thị Việt Nam” của vợ chồng Vinh Thúy có địa chỉ tại số 129, đường 199 Thủ đô Phnom Penh. Cả hai đều quê xã Lâm Hợp, huyện Kỳ Anh. Sang Campuchia lập nghiệp được 8 năm, cũng khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng nhưng vợ chồng Vinh đều rất chịu thương chịu khó, đúng chất người xứ Nghệ.

Điều đặc biệt hơn của những ông chủ người Hà Tĩnh là giải quyết việc làm cho con em quê hương. Siêu thị của Lê Vinh hiện có 6 người Kỳ Anh sang làm việc; siêu thị và nhà hàng của Sáng - Vân luôn luôn có hơn 30 người làm, trong đó một nửa là người Việt Nam.

Người Hà Tĩnh ở Phnom Penh và câu chuyện “mô tê răng rứa” trên sân Morodok

Siêu thị Việt Nam của vợ chồng Vinh - Thúy tại số 129, đường 199 Thủ đô Phnom Penh.

Được biết, các cặp vợ chồng Sáng - Vân, Vinh - Thúy sang Capuchia khá lâu, đã có cơ nghiệp tại đất bạn nhưng các con hiện vẫn đang sống cùng ông bà tại quê nhà Hà Tĩnh, vì thế, họ cũng về quê thường xuyên. Sáng và Vân về quê hôm 28/4 để thăm gia đình, họ vừa tranh thủ sang để kịp xem SEA Games và cổ vũ cho các VĐV Việt Nam, đặc biệt là con em Hà Tĩnh.

Người Hà Tĩnh ở Phnom Penh và câu chuyện “mô tê răng rứa” trên sân Morodok

Chị Đoàn Thị Thúy quê ở xã Lâm Hợp, huyện Kỳ Anh, sang Campuchia lập nghiệp được 8 năm.

Ở Phnom Penh, người Việt cũng thường lui tới Nhà hàng BEEF Soup - Lẩu bò 68 - Phnom Penh tại số 30, đường 390. Khi chúng tôi đến đây tìm hương vị Việt thì vô tình biết được chủ nhà hàng là 2 bạn trẻ người Hà Tĩnh. Trần Đức Chiến sinh năm 1991, quê xã Đức Liên; Lê Tú Tài sinh năm 1991, quê xã Đức Giang, huyện Vũ Quang. Cả hai mới sang đất bạn lập nghiệp 5 năm nay nhưng thành công vượt quá tưởng tượng. Anh Vũ Thanh Hùng, quản lý nhà hàng cho biết, nhà hàng phục vụ người Việt cũng có, người Campuchia cũng nhiều và cả du khách từ quê nhà sang. Anh Hùng quê ở xã Nam Hương, Thạch Hà. Hùng cho biết, nhà hàng có hơn 30 nhân viên, chủ yếu là người Việt và con em của người Việt sinh sống trên đất Campuchia.

Xem quy mô nhà hàng và khách ra vào thường xuyên mới khâm phục 2 bạn trẻ người Hà Tĩnh. Hỏi chuyện Chiến và Tài thì được biết, đầu bếp và một số nhân viên của nhà hàng phải tuyển từ quê nhà sang, vì thế mới chế biến được những món ngon đậm chất Việt. Chiến hiện còn quản lý thêm một công ty thi công nội thất ở Phnom Penh nữa.

Người Hà Tĩnh ở Phnom Penh và câu chuyện “mô tê răng rứa” trên sân Morodok

Nguyễn Trung Cường và Lê Tiến Long chụp ảnh lưu niệm với HLV người Hà Tĩnh Đặng Văn Thành, hiện là HLV đội tuyển quốc gia tại Trung tâm Huấn luyện quốc gia Hà Nội sau khi giành HCV và HCB nội dung 3.000m tại SEA Games 32.

Ở Campuchia, gặp những người cùng quê Việt Nam, lại nghe đúng giọng Hà Tĩnh “mô tê răng rứa”, cảm xúc thật khó tả. Ngày đội tuyển điền kinh thi nội dung 3.000m, trong đó có 2 vận động viên Hà Tĩnh là Nguyễn Trung Cường và Lê Tiến Long cùng tham gia, đến vòng thứ 6, Cường và Long vượt lên, khi tôi đang say sưa chụp ảnh thì sau lưng vang lên tiếng hô: “Hà Tĩnh ơi cố lên! Hà Tĩnh ơi cố lên! Chạy mau hơn nựa đi con...! Cả sân ai cũng nhìn. Đến vòng thứ 8, Cường và Long băng băng về đích, giọng Hà Tĩnh trên khán đài lại vang lên: “Cố lên con ơi! Quê choa vô địch! Cố lên con ơi! Quê choa vô địch! Và Nguyễn Trung Cường đã xuất sắc giành HCV, còn Lê Tiến Long về nhì.

Người Hà Tĩnh ở Phnom Penh và câu chuyện “mô tê răng rứa” trên sân Morodok

Ông Lê Hồng Phong, 72 tuổi, quê xã Lâm Hợp, huyện Kỳ Anh đến sân cổ vũ cho Nguyễn Trung Cường và Lê Tiến Long.

Lên khán đài tìm gặp đồng hương thì được biết, ông tên Lê Hồng Phong, năm nay 72 tuổi, quê xã Lâm Hợp, huyện Kỳ Anh. Điều đặc biệt, ông Phong là ông của VĐV Nguyễn Trung Cường, là bố của Lê Vinh - ông chủ siêu thị Việt Nam mà tôi đề cập ở trên.

SEA Games đang đi vào hồi kết và các VĐV Hà Tĩnh đã giành được 5 HCV, cùng toàn đoàn thi đấu xuất sắc, giữ vững ngôi đầu trên bảng tổng sắp huy chương. Tin rằng, với sự cổ vũ nhiệt tình của các kiều bào, nhất là bà con Hà Tĩnh trên đất bạn, đoàn thể thao Việt Nam sẽ có được kết quả tốt tại Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 32.

Chủ đề SEA Games

Chủ đề Thể thao Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast