Xả ra cả đống rác vũ trụ, giờ con người lo nơm nớp

Trước khi có thể đặt chân lên những hành tinh mới và giải mã các bí ẩn của vũ trụ, con người sẽ phải tìm cách vượt qua bãi rác vũ trụ đang bay xung quanh Trái đất. Trớ trêu thay, chính chúng ta là người tạo ra đống rác đó.

Xả ra cả đống rác vũ trụ, giờ con người lo nơm nớp

Con người đã tạo ra một bãi rác ngoài vũ trụ sau hàng chục năm bắt đầu tham vọng chinh phục không gian - Ảnh chụp màn hình Shutter Stock

Vụ bắn hạ vệ tinh bằng tên lửa của Ấn Độ hồi tháng trước lại một lần nữa làm nóng cuộc đua vào không gian và những nỗi lo về hệ lụy từ đó.

Việc Mỹ chỉ trích, thậm chí ngừng hợp tác với Ấn Độ trong một dự án không gian có người lái với lý do các mảnh vỡ từ vệ tinh bị bắn hạ có thể đe dọa tới Trạm không gian quốc tế (ISS) nên được hiểu từ góc nhìn của một quốc gia chiếm gần một nửa số vệ tinh đang hoạt động.

"Rác vũ trụ" là gì?

Hiểu theo một cách đơn giản, đó là tất cả những gì do con người tạo ra đang trôi nổi xung quanh Trái đất một cách không kiểm soát và không thể thu hồi.

Khái niệm rác vũ trụ ban đầu chỉ dành cho những mảnh vỡ của các tàu không gian, vệ tinh. Qua thời gian, nó được mở rộng ra cho cả những thứ lớn hơn, chẳng hạn các vệ tinh không còn hoạt động, những bộ phận của tên lửa đẩy, đến những thứ nhỏ như khuy áo của phi hành gia.

Ít nhất 500 vụ va chạm giữa rác vũ trụ đã xảy ra kể từ năm 1957, thời điểm con người bắt đầu tham vọng chinh phục vũ trụ. Con số có thể còn nhiều hơn bởi những giới hạn về công nghệ giám sát buổi ban đầu.

Vụ va chạm đầu tiên giữa hai vật thể nhân tạo trong không gian chỉ tạo ra thêm một mảnh vỡ mới và được Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) ghi nhận vào tháng 7-1996, khi một bộ phận thuộc tên lửa đẩy của châu Âu va chạm với một tàu vũ trụ Pháp.

Nhưng đến năm 2009, khi Iridium-33 - một vệ tinh viễn thông của Mỹ - va chạm với vệ tinh Cosmos-2251 đã ngừng hoạt động của Nga, nó tạo ra hơn 2.300 mảnh vỡ. Đó là lần đầu tiên người ta chứng kiến một vụ va chạm giữa một vệ tinh còn hoạt động và một vật thể đã được xem là rác vũ trụ.

Một nguồn khác tạo ra rác vũ trụ chính là sự tự phát nổ của các vệ tinh cũ. Chẳng hạn, trong năm 2015, vì lý do nguồn pin có vấn đề, hai vệ tinh quỹ đạo cao của Mỹ đã phát nổ, bắn ra hàng trăm mảnh vỡ. Những mảnh ở quỹ đạo càng cao, thời gian trôi nổi càng lâu.

Dữ liệu của Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) cho thấy tính đến tháng 1-2019, có khoảng 22.300 mảnh rác vũ trụ thường xuyên được theo dõi bởi Mạng lưới giám sát không gian.

Con số này chỉ là phần nhỏ bởi theo ước tính của ESA, có hơn 34.000 mảnh rác có kích thước lớn hơn 10cm, 900.000 mảnh từ 1-10cm và hơn 128 triệu mảnh dưới 1cm đang trôi nổi trong quỹ đạo Trái đất.

Dù kích thước có thể chỉ bằng một hạt cơm mà chúng ta ăn hằng ngày, bản chất của chúng vẫn là rác.

Mối đe dọa từ bắn vệ tinh

Ý tưởng dọn rác vũ trụ đã bị đặt dấu chấm hỏi bởi sự thiếu tin tưởng chiến lược giữa các nước, bởi bất kỳ công nghệ gì được áp dụng với những mảnh vỡ vũ trụ đều có thể được sử dụng để chống lại các vệ tinh còn hoạt động, chẳng hạn công nghệ laser, nam châm hay cánh tay robot thu gom rác.

Không thường xuyên, nhưng các vụ thử tên lửa chống vệ tinh của các nước góp phần tạo thêm hàng nghìn mảnh vỡ. Năm 2007, Trung Quốc đã sử dụng một tên lửa để bắn hạ Phong Vân-1C, một vệ tinh thời tiết cũ của nước này.

Vụ bắn thử thành công nhưng tạo ra hơn 3.400 mảnh vỡ và rõ ràng con số này đã khiến các vụ bắn thử sau đó của Bắc Kinh được tiến hành trong bí mật vào các năm 2010, 2013 và 2014, theo tiết lộ của một quan chức ngoại giao Mỹ.

Để tránh bị chỉ trích hoặc kích hoạt một cuộc đua vũ trang vào thời điểm không cần thiết, các vụ bắn vệ tinh thường bị che giấu dưới nhiều danh nghĩa khác nhau. Chẳng hạn vào năm 2008, Mỹ đã bắn hạ một vệ tinh giám sát bằng tên lửa với lý do nó đang gặp trục trặc đến mức không thể kiểm soát và hành động này là cần thiết để tránh các nguy hiểm.

Vụ bắn hạ vệ tinh hôm 22-3 của Ấn Độ xảy ra ở quỹ đạo thấp, hệt như sự việc năm 2008, theo chuyên gia Peter Apps, đồng nghĩa các mảnh vỡ được tạo ra đều nằm ở tầm thấp hơn ISS và phần lớn các vệ tinh khác.

Tuy nhiên, vẫn có hơn chục mảnh văng cao hơn ISS mà theo lập luận của NASA là "đe dọa đến các hoạt động khác trong quỹ đạo này".

Các diễn biến gần đây khiến giới ngoại giao lo ngại, đặc biệt tại những nước phụ thuộc vào mạng lưới vệ tinh đang cảm thấy bị bỏ lại phía sau hoặc lo sợ bị ảnh hưởng bởi hành động của các nước khác.

1.950

Con người đã đưa tổng cộng 8.950 vệ tinh vào quỹ đạo kể từ năm 1957, trong đó chỉ còn khoảng 1.950 vệ tinh còn hoạt động tính đến tháng 1-2019. Trong số này chiếm số lượng nhiều nhất vẫn là nước Mỹ với gần 850 vệ tinh.

EU muốn quản lý rác vũ trụ

Hồi tuần trước, Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi thiết lập một hiệp ước quân sự mới, trong đó kiểm soát và quản lý mối đe dọa từ rác vũ trụ. Sẽ là thiếu sót lớn nếu một hiệp ước như vậy được ký mà không cấm các vụ bắn hạ vệ tinh bằng tên lửa trong tương lai.

Theo Tuổi trẻ

Đọc thêm

Hành trình từ ý tưởng đến khoảnh khắc vinh danh của những chủ nhân Giải thưởng VinFuture 2024

Hành trình từ ý tưởng đến khoảnh khắc vinh danh của những chủ nhân Giải thưởng VinFuture 2024

4 công trình đến từ 10 nhà khoa học trên thế giới đã vượt qua gần 1.500 đề cử từ hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhận giải thưởng VinFuture 2024 trị giá 4,5 triệu USD. Nhiều công trình, từ ý tưởng đến giải thưởng danh giá là quãng thời gian gần cả đời người với hành trình kiên trì vượt qua thử thách, định kiến và cả những thất bại để tận hiến cho khoa học và sự tiến bộ nhân loại.
Những lĩnh vực nào sẽ được vinh danh tại Giải thưởng VinFuture 2024?

Những lĩnh vực nào sẽ được vinh danh tại Giải thưởng VinFuture 2024?

Trước những vấn đề cấp thiết đang hiện hữu, các nhà khoa học từng nhận giải VinFuture dự đoán những nghiên cứu đột phá trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, an ninh năng lượng hay sức khỏe toàn cầu… sẽ là những ứng cử viên tiềm năng cho Giải thưởng VinFuture 2024 danh giá.
Nỗi lo robot AI 'nổi loạn'

Nỗi lo robot AI 'nổi loạn'

Sau video robot nhỏ thuyết phục "đồng đội" bỏ việc, nhiều người lo ngại viễn cảnh robot tích hợp AI có thể nổi loạn và tự ra quyết định.
Giới khoa học Việt chờ đón Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024

Giới khoa học Việt chờ đón Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024

Sau 3 mùa gây tiếng vang, các nhà khoa học trong nước kỳ vọng sự trở lại của Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024 với chuỗi hoạt động kết nối khoa học công nghệ, đặc biệt là “Chuỗi Đối thoại Khám phá tương lai VinFuture” hứa hẹn mang đến “cơ hội vàng” để tiếp cận tri thức toàn cầu và hợp tác phát triển.
Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.