Có nên tuyệt đối hóa vai trò người đứng đầu?

(Baohatinh.vn) - Có dịp tiếp xúc với nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, tôi nghe không ít người phản ánh hiện tượng độc đoán, chuyên quyền, gia trưởng của một số cán bộ chủ chốt.

Sinh hoạt tư tưởng

Cựu chiến binh K. thẳng thắn:

- Thực tế hiện nay, cách tiến hành các hội nghị (hoặc đại hội, cuộc họp...) ở nhiều nơi diễn ra giống như các cuộc làm việc theo chế độ thủ trưởng; mỗi đại biểu lần lượt có ý kiến và cuối cùng người chủ trì, thường là người có chức vụ cao nhất kết luận hội nghị để sau đó giao cho bộ phận liên quan hoàn chỉnh văn bản nghị quyết và ban hành.

Các ý kiến đưa ra thường không được thảo luận triệt để, do đó, không thể kiểm chứng có bao nhiêu trong số đại biểu ủng hộ hoặc không tán thành đối với từng ý kiến cụ thể, để xác định ý kiến nào là của đa số và ý kiến nào của thiểu số. Một ý tưởng hay, một chủ trương đúng dù được đa số tán thành nhưng nếu không được người đứng đầu chấp nhận, thì không thể trở thành kết luận của hội nghị. Ngược lại, một ý kiến thực chất chỉ là của thiểu số nhưng nếu được người chủ trì ủng hộ thì vẫn có thể trở thành nghị quyết.

Do việc thảo luận không thấu đáo, các kết luận chưa phản ánh ý chí của đa số nên sự thống nhất về tư tưởng không cao, ảnh hưởng đến hiệu lực thi hành của nghị quyết.

Nghe đồng chí K. nói, đồng chí M. tiếp lời:

- Tôi thấy đồng chí K. nói rất đúng về việc tuyệt đối hóa vai trò người đứng đầu. Từ đó phổ biến tâm lý cho rằng ý chí của người đứng đầu luôn luôn có vai trò quyết định. Điều đó không những hạn chế khả năng sáng tạo của tập thể mà còn là chỗ dựa cho hiện tượng độc đoán, chuyên quyền, gia trưởng của một số cán bộ chủ chốt.

Tôi hỏi tiếp: Vậy theo các đồng chí, làm thế nào để tránh được sự độc đoán, chuyên quyền của người đứng đầu?

Mọi người im lặng ra chiều suy nghĩ, một lát sau, đồng chí M. chân tình:

- Tôi cho rằng, phải thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt Đảng và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đây là một trong những biện pháp quan trọng để phát huy đầy đủ trí tuệ tập thể, nâng cao chất lượng các quyết sách, bảo đảm sự thống nhất trong tư duy và hành động. Thực hiện như thế sẽ tránh được tình trạng độc đoán, chuyên quyền của cán bộ chủ chốt. Người chủ trì chủ yếu đóng vai trò tổ chức việc thảo luận, hướng dẫn thảo luận theo đúng nội dung, kết luận hội nghị bằng sự nhất trí của các đại biểu tham dự.

Làm được điều đó, chúng ta sẽ góp phần thực hiện thành công Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo đảm dân chủ, đoàn kết, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast