“Sự trở về” của người anh hùng dân tộc - những điều chưa kể

(Baohatinh.vn) - Đã 25 năm kể từ ngày di hài của cố Tổng Bí thư Trần Phú được đưa về an táng tại quê nhà, ký ức và những cảm xúc lắng lại trong giây phút đón người con ưu tú của quê hương, người anh hùng dân tộc trở về vẫn luôn in đậm trong tâm trí cán bộ và người dân huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh).

Phần mộ của hai cụ thân sinh đồng chí Trần Phú được tìm thấy ở tỉnh Quảng Ngãi và đưa về an táng tại quê hương Đức Thọ.

Phần mộ của hai cụ thân sinh đồng chí Trần Phú được tìm thấy ở tỉnh Quảng Ngãi và đưa về an táng tại quê hương Đức Thọ.

Nguyên là Bí thư Huyện ủy Đức Thọ giai đoạn 1992-2003, ông Trần Thái Tạo (SN 1943, hiện trú ở phường Nam Hồng, TX Hồng Lĩnh) là một trong những người tường tận quá trình tìm kiếm phần mộ các thành viên trong gia đình đồng chí Trần Phú và việc đưa di hài của cố Tổng Bí thư về quê hương Tùng Ảnh.

Theo lời kể của ông Trần Thái Tạo, đầu những năm 1990, ông Trần Thược (SN 1935, đã mất) - người cháu gọi đồng chí Trần Phú là chú ruột đã liên lạc với ông để thông báo về kế hoạch và nguyện vọng tìm kiếm, quy tập phần mộ của các thành viên trong gia đình đang được an táng tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước về quê nhà.

Với vai trò là lãnh đạo huyện, ông Tạo đã hỗ trợ ông Trần Thược và gia đình trong việc xác minh hồ sơ, thông tin và trực tiếp tham gia tìm kiếm phần mộ của bố mẹ ông Trần Thược tại địa bàn huyện Hương Khê.

Đối với phần mộ cụ Trần Văn Phổ, cụ Hoàng Thị Cát (bố mẹ của đồng chí Trần Phú) ở huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, ông Tạo cũng đã gửi văn bản đề nghị chính quyền địa phương tạo điều kiện hỗ trợ gia đình trong công tác tìm kiếm.

Mỗi năm, có cả vạn người dân, du khách trong nước và quốc tế đến tri ân, tưởng nhớ người anh hùng của dân tộc.

Mỗi năm, có cả vạn người dân, du khách trong nước và quốc tế đến tri ân, tưởng nhớ người anh hùng của dân tộc.

Trong thời gian tìm mộ của các thành viên gia đình, ông Trần Thược cũng đã nói với ông Tạo về ý định và quyết tâm sẽ tìm bằng được mộ của người chú ruột theo di nguyện của cha mẹ ông lúc sinh thời. Ông Tạo đã hướng dẫn ông Thược báo cáo các cấp, ngành ở Trung ương, ở tỉnh theo đúng quy trình, thủ tục.

Trong câu chuyện với ông Trần Thái Tạo, ông Trần Thược cho biết: đồng chí Trần Phú hy sinh ngày 6/9/1931 tại nhà thương Chợ Quán (nay là Công viên Lê Thị Riêng ở TP Hồ Chí Minh). Khi nghe tin Trần Phú mất, ông Trần Kim Tương (bố ông Trần Thược) cùng một số thành viên trong gia đình từ Quảng Trị vào Sài Gòn để chôn cất Trần Phú tại khu vực nghĩa trang Chợ Quán.

Sau năm 1975, gia đình ông Trần Thược chuyển vào TP Hồ Chí Minh sinh sống. Trải qua quá trình tìm kiếm và xác minh, đối chiếu thông tin, ngày 4/1/1999, ông Thược đã tìm được mộ của cố Tổng Bí thư Trần Phú.

“Ông Thược từ TP Hồ Chí Minh về Đức Thọ tìm gặp tôi thông báo và bàn phương án an táng thi hài đồng chí Trần Phú tại xã Tùng Ảnh. Tôi lập tức báo cáo với Ban Thường vụ Tỉnh ủy để xin ý kiến chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. Mấy ngày sau, huyện nhận được kế hoạch cụ thể về việc tổ chức lễ đón, lễ truy điệu đồng chí Trần Phú ở quê nhà.

Vì thời gian rất gấp gáp, trong khi khu vực an táng được chọn lại nằm trên núi, gần phần mộ của các cụ thân sinh đồng chí Trần Phú nên địa hình khá cao và gồ ghề. Tôi là người trực tiếp chỉ huy lực lượng dân quân địa phương san mặt bằng làm bãi đỗ xe, khu vực cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Nhân dân địa phương đến dự lễ truy điệu. Sau một ngày đêm làm việc không nghỉ, các phần việc hoàn thành, sẵn sàng cho lễ đón di hài cố Tổng Bí thư” - ông Tạo kể lại.

1.jpg
Ông Trần Thái Tạo - nguyên Bí thư Huyện ủy Đức Thọ vẫn nhớ rõ ký ức ngày đưa di hài đồng chí Trần Phú về quê nhà.

Sáng ngày 12/1/1999, tại Dinh Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh), Đảng và Nhà nước đã tổ chức trọng thể lễ truy điệu, di dời hài cốt đồng chí Trần Phú về an táng tại quê nhà Tùng Ảnh. Sau lễ truy điệu, di hài đồng chí Trần Phú được di chuyển bằng máy bay về sân bay Vinh (Nghệ An).

Trong đoàn lãnh đạo đón di hài Tổng Bí thư Trần Phú có đồng chí Nguyễn Đức Bình - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; lãnh đạo Quân khu IV và các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh...

Là người tham gia đoàn đón rước, ông Trần Thái Tạo nhớ như in những hình ảnh xúc động trong giờ phút quê hương đón người con ưu tú trở về: “Tại TP Vinh, mỗi tuyến đường đoàn xe đi qua đều có cán bộ, chiến sĩ của Quân khu IV mặc quân phục chỉnh tề, đứng nghiêm trang chào đón. Về đến địa bàn huyện Đức Thọ, hàng nghìn người dân địa phương tập trung rất đông hai bên đường, niềm vui chan hòa nước mắt với lòng thành kính, tự hào. Đoàn đã dừng xe để người dân được thắp nén hương thơm tri ân, tưởng nhớ anh linh cố Tổng Bí thư trước khi thẳng tiến về quê nhà Tùng Ảnh”.

Di hài đồng chí Trần Phú được an táng trên đồi Quần Hội (thuộc thôn Châu Linh - xã Tùng Ảnh), hướng ra bến Tam Soa - nơi hợp lưu 2 dòng sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố thành sông La. Bên cạnh là ngọn núi Tùng Lĩnh; phía Tây Bắc là dãy núi Thiên Nhẫn, phía Tây Nam là dãy núi Giăng Màn với ngọn Mồng Gà.

3.jpg
Ông Tạo vẫn còn giữ bài điếu văn truy điệu đồng chí Trần Phú vào sáng ngày 12/1/1999 tại xã Tùng Ảnh (Đức Thọ).

Sông núi bao quanh tạo nên một khung cảnh vừa tráng lệ vừa nên thơ. Đây cũng là nơi an nghỉ của hai cụ thân sinh và em trai út của đồng chí. Như vậy, sau 68 năm hy sinh, đồng chí Trần Phú đã được trở về an nghỉ giữa quê nhà thân yêu.

Tháng 1/2000, khu mộ Tổng Bí thư được khởi công xây dựng với diện tích 47.000 m2 và hoàn thành vào tháng 4/2004, đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí. Nằm bình yên giữa những hàng thông xanh mát trên vùng đất “sơn kỳ, thủy tú”, khu mộ Tổng Bí thư Trần Phú đã trở thành địa chỉ đỏ, mỗi năm, có cả vạn người dân, du khách trong nước và quốc tế đến tri ân, tưởng nhớ người anh hùng của dân tộc.

Những ngày này, trên mỗi nẻo đường làng Tùng Ảnh đều rực rỡ cờ hoa, tấp nập dòng người về viếng và tham quan, chào mừng kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú. Đây là niềm tự hào, động lực lớn để cấp ủy, chính quyền và các thế hệ người dân tiếp tục phấn đấu học tập, hăng say lao động sản xuất, xây dựng Tùng Ảnh ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng là quê hương Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Chủ đề 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú

Đọc thêm

Thiêng liêng lời tuyên thệ nơi đảo xa

Thiêng liêng lời tuyên thệ nơi đảo xa

Đối với mỗi cán bộ, chiến sỹ, không có gì ý nghĩa hơn khi được làm lễ kết nạp vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam ở Trường Sa - nơi tiền tiêu thiêng liêng của Tổ quốc.
Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đảng ta không ngừng đưa ra những quyết sách phù hợp, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.
Những mốc son chói lọi và bài học kinh nghiệm trên chặng đường 95 năm của Đảng

Những mốc son chói lọi và bài học kinh nghiệm trên chặng đường 95 năm của Đảng

Sau khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo Nhân dân tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giành chính quyền, giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Những mốc son chói lọi có ý nghĩa lịch sử đã khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Sự ra đời và ý nghĩa lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam

Sự ra đời và ý nghĩa lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, kết thúc tình trạng phân tán trong phong trào cách mạng, mở ra một bước ngoặt lớn cho sự nghiệp giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đảng trở thành lực lượng lãnh đạo duy nhất, thống nhất toàn dân tộc trong cuộc đấu tranh vì tự do, hạnh phúc.