Đảng viên phải gương mẫu trong xây dựng gia đình văn hóa

(Baohatinh.vn) - Hiện nay có nhiều gia đình cha mẹ gương mẫu, con cháu hiếu thuận. Tuy nhiên, khi xã hội phát triển thì mặt trái của nó khiến các giá trị truyền thống của gia đình Việt bị ảnh hưởng.

Tình trạng bạo lực gia đình trong những năm gần đây không ngừng tăng. Ở một số địa phương, một số đảng viên do chạy theo động cơ cá nhân hoặc tham vọng sự nghiệp mà thiếu trách nhiệm chăm lo xây dựng nếp sống văn hóa gia đình. Từ đó, mối quan hệ gia đình lỏng lẻo, họ không ý thức được đầy đủ chức năng giáo dục của gia đình đối với con cái mà ỷ lại cho nhà trường. Họ chỉ biết thỏa mãn mọi yêu cầu của con cháu, kể cả những yêu cầu không đúng, dẫn đến sự tự do quá trớn về cách sống, lối sống, làm băng hoại giá trị đạo đức truyền thống.

Thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ, đảng viên sẽ tiên phong trên mọi lĩnh vực (Ảnh chụp một buổi sinh hoạt thường kỳ của Chi bộ Ban Tổ chức Huyện ủy Can Lộc)
Thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ, đảng viên sẽ tiên phong trên mọi lĩnh vực (Ảnh chụp một buổi sinh hoạt thường kỳ của Chi bộ Ban Tổ chức Huyện ủy Can Lộc)

Ông Bùi Văn Hải, đảng viên lão thành ở Can Lộc khẳng định: gia đình không chỉ là chỗ dựa để các thành viên gắn bó mật thiết với nhau mà còn là nền tảng cho sự phát triển văn hóa bền vững của cộng đồng và toàn xã hội. Trong tình hình hiện nay, vai trò lãnh đạo và uy tín chính trị của đảng không phải chỉ thể hiện ở đường lối, chính sách đúng đắn hoặc tài năng chỉ đạo, quản lý, điều hành của các tổ chức đảng và cơ quan nhà nước mà một phần quan trọng còn ở những tấm gương mẫu mực về lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cốt cán.

Điều đáng quan tâm là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo NQ T.Ư 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” ở nhiều chi bộ, đảng bộ chỉ chú ý nhấn mạnh đến quan điểm, lập trường chung chung hoặc kết quả công tác trước mắt mà chưa chú trọng việc giáo dục, rèn luyện, kiểm tra đối với cán bộ, đảng viên về đạo đức, lối sống ngay từ trong gia đình cũng như ngoài xã hội.

Thực trạng trên đòi hỏi cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức có quyền phải ý thức đầy đủ về nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc giáo dục, dạy dỗ con cái. Cán bộ, đảng viên phải tự mình nghiên cứu, nắm vững để thực hiện đúng những quy định của Bộ VH–TT&DL về xây dựng gia đình văn hóa, luôn tự suy nghĩ xem bản thân gia đình mình đã làm được gì, chưa làm được gì trong các tiêu chuẩn ấy; tự mình kiểm tra, theo dõi sát sao việc học hành của con cái và nắm được các quan hệ xã hội của chúng.

Nhân dân cũng mong muốn các cấp ủy đảng quan tâm hơn việc giáo dục, kiểm tra tư cách đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức không chỉ trong thời gian công tác ở công sở mà phải chú ý đến tư cách, lối sống ngay trong gia đình, trong các mối quan hệ nơi cư trú cũng như ngoài xã hội. Trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo NQ T.Ư 4 (khóa XI) phải rà soát chặt chẽ, không để lọt những cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống; thiếu trách nhiệm và không gương mẫu trong việc xây dựng văn hóa gia đình mà được đề bạt, bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo làm mất lòng tin của nhân dân và ảnh hưởng đến uy tín của Đảng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast