Treo cờ Đảng và cờ Tổ quốc mỗi dịp lễ tết đã trở thành phong tục của nhiều người dân Việt Nam.
Trong muôn vàn câu chuyện về cuộc đời ngót 90 năm của mình, cha kể về phần ấu thơ cơ cực khi đất nước chưa độc lập lại trở thành đoạn “vĩ thanh” để chúng tôi cảm nhận được rằng: Vầng dương của Đảng đã xóa tan “đêm đen” lầm than nô lệ.
Rằng những năm 30 của thế kỷ trước, ông bà nội tôi không một “tấc đất cắm dùi”. Những người nông dân Can Lộc, Lộc Hà… phải làm thuê cho cường hào, địa chủ đến lao lực vẫn không đủ sống. Ông nội cũng vì thế mà chết khi cha tôi mới tròn 3 tháng tuổi. Thân góa bụa khi vừa 27 tuổi, bà nội phải “gói” cha tôi trong manh chiếu mỏng đặt trên chiếc võng trong chòi lá để lội đồng mót từng hạt lúa lép nuôi con… Nỗi cơ cực đó đã có lúc khiến cha suýt chết vì đói khát, bệnh tật. Nhưng rồi ông đã vượt qua “cõi tử” ấy để lớn lên. Đó là những năm Đảng mới ra đời.
Đoàn Khối Các cơ quan & Doanh nghiệp tỉnh nghe các đảng viên cao tuổi ôn lại lịch sử tại Di tích lịch sử đình Đỉnh Lự (Tân Lộc, Lộc Hà).
Trước năm 1945, nhà cha tôi ở sát ngay đồn Giếng Chua của lính Pháp thuộc thôn Trung Sơn (xã Hồng Lộc, Lộc Hà) ngày nay. Nhà ông cách nhà ông Hồ Đôi (nơi diễn ra Đại hội Đảng bộ Can Lộc lần I, tháng 8/1930) một con ngõ và cách đình Đỉnh Lự (nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của Hà Tĩnh) một cánh đồng chỉ hơn 1 km. Có lẽ, trong điều kiện đó, cha tôi sớm thấy được ánh sáng cách mạng đã mang đến một cuộc đời mới cho dân tộc như thế nào.
“Quê hương ta là quê hương của những anh hùng. Và để các con có được cuộc sống hòa bình, no ấm, được học hành như ngày hôm nay, ông cha đã phải đổ xuống không biết bao nhiêu xương máu”. Đó là điều cha vẫn luôn nhắc nhở anh chị em tôi ngay từ thuở ấu thơ; là hành trang tôi mang vào đời để luôn tự hào, cố gắng phấn đấu trong cuộc sống. Từ những câu chuyện lịch sử của cha, tôi đã luôn thần tượng và biết ơn những người anh hùng cách mạng đầu tiên trên quê hương mình như các ông Hồ Ngọc Tàng, Hồ Phối, Hoàng Khoái Lạc, bà Phạm Thị Dung…
Trưởng thành, tôi càng hiểu vì sao năm 17 tuổi, cha đã xung phong vào đội xung kích cách mạng và ngoài 20 tuổi, cha đã là đảng viên. Và cho đến năm 80 tuổi, cha mới nghỉ công việc làm cán bộ tập thể, dù vậy vẫn không ngừng tham gia công tác xã hội. Mỗi lần được nghe cha nói chuyện với các bô lão trong làng về Đảng, về cách mạng hay nhìn ánh mắt sáng rực, lấp lánh của cha khi nâng niu lá cờ búa liềm… tôi thực sự tin rằng, với cha, Đảng là lẽ sống vĩnh cửu, là ánh sáng ngự trị vững chắc trong trái tim ông.
Ngoài những bài học lịch sử, cha vẫn thường nhắc chúng tôi phải ghi nhớ những “địa chỉ đỏ” trên quê hương mình. Đó là những di tích như: Miếu Biên Sơn, đình Đỉnh Lự, Truông Gió… Tôi đã từng ngạc nhiên, xúc động và tự hào khi biết ngay trên làng mình, những địa danh gần gũi ấy lại chứa đựng những giá trị lớn lao của cách mạng. Và lý giải được rằng: Vì sao người dân quê tôi lại nâng niu, xây đắp những di tích này như thế. Tôi chợt nhận ra đó là khi “ngôi đền thiêng cách mạng đã ngự trị vững chắc trong tim mỗi người”.
Các đảng viên cao tuổi thôn Trung Sơn (Hồng Lộc, Lộc Hà) tại cây đa giếng Chua.
Những ngày này, tôi cảm nhận được niềm hãnh diện và tự hào của cha khi nói về cách mạng. Tôi biết trong niềm tự hào riêng sắp tới, cha sẽ được Đảng trao tặng huy hiệu 65 tuổi Đảng, còn có một niềm vui lớn hơn đó là ông nhìn thấy quê nhà ngày càng đổi mới. Và tôi tin rằng, mùa xuân này không chỉ đối với cha tôi, mà còn đối với người dân Lộc Hà, người dân Hà Tĩnh nói riêng cũng như cả dân tộc nói chung sẽ là một mùa đại lễ. Bởi năm này, Đảng ta tròn 90 mùa xuân.