Xây dựng nét văn hóa tâm linh ở ngôi đền nổi tiếng nhất Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Đền Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (thường gọi là đền Bà Hải) ở xã Kỳ Ninh, TX Kỳ Anh - Hà Tĩnh chú trọng xây dựng văn hóa hành lễ đảm bảo tính trang nghiêm để đáp ứng yêu cầu du khách trong những ngày lễ hội đầu xuân mới.

Đội ngũ thầy lễ đã trải qua cuộc sát hạch về đạo đức, tư cách, năng lực, trình độ văn hóa, kiến thức về khu di tích…

Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu và những huyền tích của bà trên vùng biển Kỳ Anh là câu chuyện thiêng liêng khiến cho đền thờ bà ở xã Kỳ Ninh ngày càng thu hút đông đảo du khách. Trung bình mỗi năm có khoảng 40 vạn lượt du khách đến với đền Bà Hải để dâng hương, vãn cảnh và phần lớn trong số đó tập trung vào dịp đầu năm mới và tế giỗ vào 12/2 âm lịch.

Ông Lê Bá Khang - Phó Trưởng ban Quản lý (BQL) Khu di tích cho biết: “Từ đầu năm mới Kỷ Hợi đến nay, đã có khoảng 8.000 lượt du khách đến hành lễ. Để phục vụ du khách, chúng tôi chuẩn bị đội ngũ thầy lễ giúp việc với số lượng 60 người (đã thông qua thi cử, tuyển chọn) được bố trí theo ca, kíp phục vụ cả ngày lẫn đêm”.

Chỗ ngồi ghi tấu sớ được bố trí, sắp xếp hợp lý

Đội ngũ thầy lễ ở đền Bà Hải là một trong những hình ảnh đẹp, tạo dấu ấn đối với du khách. Không chỉ ngày càng chuyên nghiệp trong thực hành nghi lễ, đội ngũ thầy lễ ở đây còn trải qua cuộc sát hạch thường niên về đạo đức, tư cách, năng lực, trình độ văn hóa, kiến thức sâu sắc về khu di tích…

Đền Bà Hải còn để lại dấu ấn tốt đẹp đối với du khách bởi quy hoạch khu vực nhà rửa lễ, khu vực dịch vụ tấu, sớ, khu vực người giúp lễ hợp lý, gọn gàng và vận hành khá trật tự. Năm nay, công tác chuẩn bị của BQL đền được đánh giá là chu đáo hơn so với những năm trước bởi việc đầu tư, nâng cấp thêm một số hạng mục công trình trong và ngoài đền.

Ngoài ra, BQL còn thành lập thêm tổ vệ sinh môi trường để phục vụ công việc quét dọn, hướng dẫn du khách bỏ rác đúng nơi quy định.

Sắp xếp lễ theo thứ tự để tránh tình trạng lộn xộn, nhầm lẫn

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền ở phường Lê Lợi - TP Vinh (Nghệ An) cho biết: “Tôi từng đi rất nhiều địa chỉ tâm linh nhưng đền Bà Hải với tôi có nhiều ấn tượng nhất. Không chỉ là sự linh thiêng, phong cảnh đẹp mà quan trọng là nét đẹp văn hóa lễ hội được thể hiện trong các khâu tổ chức từ dâng hương, làm lễ đến hóa vàng mã… Trong đó, ấn tượng nhất là việc sắp xếp dâng mâm lễ của du khách được thực hiện trang nghiêm qua cách đánh số thứ tự rõ ràng, hạn chế tình trạng lộn xộn và nhầm lẫn”.

Nét văn hóa ở khu du lịch tâm linh đền Bà Hải còn được xây dựng bằng việc đảm bảo bình ổn giá tại các ki-ốt buôn bán đồ lễ ở di tích. Ông Lê Bá Khang - Phó BQL Khu di tích cho biết: “Ngoài việc xây dựng nội quy, quy chế tuyên truyền, quán triệt cho 25 ki-ốt của tư nhân thực hiện văn hóa kinh doanh, BQL cũng đã bố trí 2 quầy hàng di tích và đồ lễ để bình ổn giá. BQL cũng sẽ tổ chức kiểm tra đột xuất các ki-ốt về việc thực hiện quy định những nội quy đã đề ra”.

Ngoài việc thường xuyên nhắc nhở, Ban quản lý còn đặt các bảng hướng dẫn du khách khi đến dâng hương tại đền

Những ngày đầu xuân mới, lượng khách đến với đền Bà Hải ngày một đông và thông thường số lượng khách này sẽ duy trì đến hết tháng 2 âm lịch. Vì thế, ngoài sự chủ động của BQL, thời gian này, chính quyền địa phương và các lực lượng công an, biên phòng tăng cường thêm 12 cán bộ mỗi ngày làm công tác bảo vệ ANTT trên địa bàn.

Sự chuẩn bị chu đáo của BQL và ý thức của mỗi người dân đã góp phần hình thành và duy trì nét văn hóa tâm linh ở đền Bà Hải.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Chủ đề Chào năm mới 2020

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói