Xây dựng phương án cụ thể, chủ động ứng phó với siêu bão Noru

(Baohatinh.vn) - Đánh giá cơn bão Noru (bão số 4) là cơn bão mạnh nhất trong 5 năm trở lại đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu các bộ, ngành Trung ương và các địa phương, trong đó có Hà Tĩnh, phải tập trung cao nhất để chủ động ứng phó, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho Nhân dân.

Chiều 25/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai (PCTT) nhằm ứng phó với cơn bão Noru đang tiến vào biển Đông (bão số 4).

Tham dự cuộc họp có các bộ, ngành Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT và lãnh đạo 14 tỉnh, thành phố (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận) dự báo nằm trong phạm vi ảnh hưởng của bão Noru.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt điều hành điểm cầu Hà Tĩnh. Cuộc họp được kết nối đến các điểm cầu huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng phương án cụ thể, chủ động ứng phó với siêu bão Noru

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Sáng nay, vị trí tâm bão Noru cách đảo Luzon, Philipines khoảng 250 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15, giật trên cấp 17. Dự báo chiều nay sẽ đổ bộ vào Philippines.

Xây dựng phương án cụ thể, chủ động ứng phó với siêu bão Noru

Hướng di chuyển của bão Noru.

Đêm nay, rạng sáng ngày 26/9, bão đi vào biển Đông với cường độ cấp 13, giật cấp 16 và tiếp tục duy trì cường độ trong ngày 27/9. Đêm 27/9, rạng sáng 28/9, bão có khả năng đổ bộ vào khu vực miền Trung, ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực các tỉnh Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi.

Khả năng cao khi vào gần bờ, cường độ bão Noru cấp 12-13. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 - cấp rủi ro thiên tai chỉ đứng sau cấp thảm họa trong thang 5 cấp rủi ro thiên tai.

Đây là cơn bão rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền khu vực Trung Bộ, có thể gây mưa rất lớn, kéo theo đó là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Do ảnh hưởng của bão, trong 3 ngày vừa qua, các tỉnh ven biển từ Thái Bình đến Hà Tĩnh và Nam Trung Bộ đã có mưa lớn.

Xây dựng phương án cụ thể, chủ động ứng phó với siêu bão Noru

Các đại biểu tham dự điểm cầu Hà Tĩnh.

Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, các địa phương đã tổ chức kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn cho 57.840 tàu với hơn 300.000 lao động các biện pháp an toàn.

Đặc biệt, trong 24h tới (theo hệ thống giám sát tàu cá), cần phải kêu gọi 127 tàu trong vùng nguy hiểm (Bình Định 100 tàu, Quảng Ngãi 24 tàu, Quảng Nam 1, Phú Yên 2).

Xây dựng phương án cụ thể, chủ động ứng phó với siêu bão Noru

Cuộc họp được kết nối đến các điểm cầu huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Về tình hình nuôi trồng thủy sản, các tỉnh trọng tâm dự kiến bão đổ bộ từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi có 16.661 ha.

Các tỉnh từ Quảng Bình – Bình Thuận rà soát phương án sơ tán dân với tổng số 213.914 hộ/868.230 người, trong đó các tỉnh từ Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi sẵn sàng phương án sơ tán 93.312 hộ/368.878 người tùy theo diễn biến của bão.

Tại Hà Tĩnh, do ảnh hưởng áp cao lục địa tăng cường kết hợp rìa Bắc dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung Trung Bộ có xu hướng nâng trục lên phía Bắc nên từ ngày 21/9 đến ngày 24/9, trên địa bàn tỉnh đã có mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Lượng mưa đo được từ 7h ngày 21/9 đến 7h ngày 25/9 tại một số trạm thủy văn trong tỉnh cơ bản đạt từ 100 đến 170mm.

Một số hồ chứa nhỏ cơ bản đã tích gần đầy nước, một số hồ chứa loại vừa có cửa van điều tiết như: Sông Rác, Bộc Nguyên, Thượng Sông Trí, Tàu Voi đã chủ động xả tràn với lưu lượng từ 5 đến 50 m3/s.

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, đến 10h ngày 25/9, toàn tỉnh có 3.675 tàu thuyền, trong đó có 3.666 phương tiện đã nắm bắt thông tin và vào bờ trú ấn, còn lại 9 phương tiện/48 lao động đang hoạt động trên biển đã liên lạc được, đang kêu gọi vào tránh trú.

Diện tích lúa hè thu đã thu hoạch xong 100%, mặc dù có ảnh hưởng một phần do đợt mưa lũ từ ngày 6 - 10/9, nhưng sau đó thời tiết nắng ráo nên giành thắng lợi cả sản lượng và giá bán.

Đối với cây ăn quả, tổng sản lượng bưởi dự ước 23.600 tấn/2.300 ha, đến nay đã thu hoạch được khoảng 70% với 16.000 tấn/1.600 ha; tổng diện tích cam đang ra quả 65.000 tấn/6.000 ha (chưa đến thời kỳ thu hoạch).

Diện tích đang nuôi thủy sản 6.579 ha, sản lượng chưa thu hoạch 2.395 tấn. Nuôi lồng có 171 lồng, trong đó, nuôi mặn lợ 145 cái, nuôi nước ngọt 26 cái; sản lượng chưa thu hoạch 162 tấn.

Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã thông tin với Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT công tác ứng phó với bão số 4 đang tiến vào biển Đông. Tất cả các địa phương nằm trong khu vực được dự báo chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão Noru đã và trang gấp rút triển khai biện pháp ứng phó.

Xây dựng phương án cụ thể, chủ động ứng phó với siêu bão Noru

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT ứng phó cơn bão Noru đang tiến vào biển Đông. Ảnh VGP.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho hay: Với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15, giật trên cấp 17 thì bão Noru (bão số 4) là cơn bão mạnh nhất trong 5 năm trở lại đây và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Đánh giá bão Noru là siêu bão với tốc độ di chuyển nhanh, cường độ mạnh, mức độ ảnh hưởng rất nguy hiểm, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành Trung ương và địa phương phải tập trung cao nhất cho công tác ứng phó, tuyệt đối không chủ quan, lơ là và cần có kế hoạch, phương án ứng phó cụ thể, chi tiết.

Phó Thủ tướng yêu cầu tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo và thông tin kịp thời về diễn biến, hướng di chuyển của bão, phải tham khảo rộng rãi tất cả các cơ quan dự báo quốc tế để có đánh giá, dự báo chính xác.

Các địa phương tạm dừng, hoãn các cuộc họp không thực sự cần thiết để lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống bão. Ban Chỉ đạo sẽ thành lập đoàn công tác của Chính phủ, các bộ, ngành để kiểm tra thực tế; căn cứ vào diễn biến của bão Noru trong những ngày tới để xem xét trình Thủ tướng thành lập Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị các địa phương khẩn trương khảo sát các nơi xung yếu, nhà cửa của người dân từ đó tính toán thời điểm, thời gian đưa bà con về nơi tránh trú an toàn khi bão đổ bộ vào đất liền; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, lương thực, thực phẩm đảm bảo thời gian bị chia cắt có thể cung ứng kịp thời cho người dân.

Nhanh chóng rà soát, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền đang còn hoạt động trên biển nhanh chóng tìm nơi tránh trú an toàn; các đơn vị, địa phương xem xét thời gian cấm biển để ngăn tàu thuyền ra khơi lúc có bão, đảm bảo an toàn.

Xây dựng phương án cụ thể, chủ động ứng phó với siêu bão Noru

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn phát biểu tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Chỉ đạo tại điểm cầu Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn yêu cầu các cấp, ngành, địa phương phải cập nhật liên tục diễn biến bão Noru, trên tinh thần ứng phó từ sớm, từ xa, quán triệt ngay chỉ đạo của Phó Thủ tướng, để tham mưu kịp thời các giải pháp sát với diễn biến trong những ngày tới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cho hay: Trước diễn biến của bão còn hết sức phức tạp, khó lường, tỉnh đã chuẩn bị 2 kịch bản ứng phó, đó là trường hợp bão thay đổi hướng đổ bộ trực tiếp vào Hà Tĩnh và trường hợp mưa lớn gây ngập lụt trên địa bàn do bão kết hợp với không khí lạnh.

Để chủ động ứng phó với bão số 4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ban, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc công điện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh; BĐBP tỉnh phối hợp với các huyện ven biển bằng mọi biện pháp thông tin, kêu gọi 9 tàu đang hoạt động trên biển vào bờ, tổ chức neo đậu tránh trú an toàn.

Xây dựng phương án cụ thể, chủ động ứng phó với siêu bão Noru

Tàu thuyền tránh trú ở khu neo đậu tránh trú bão cảng Cửa Sót (Lộc Hà) sáng 24/9.

Kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao ảnh hưởng của bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng để có biện pháp ứng phó kịp thời; túc trực 24/24h vận hành các công trình tiêu thoát, giảm ngập úng cho dân cư, đô thị và diện tích hoa màu cây vụ đông; kiểm tra và có phương án đảm bảo an toàn công trình, nhất là tại các hồ đập nhỏ cơ bản đã đầy nước.

Tập trung thu hoạch số diện tích bưởi còn lại đã chín; có phương án đảm bảo an toàn cho diện tích cam và các loại cây ăn quả khác.

Các đơn vị như Bộ CHQS tỉnh, BĐBP tỉnh, Công an tỉnh chuẩn bị sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu.

Chủ đề Mưa lũ ở Hà Tĩnh

Đọc thêm

Công điện ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông

Công điện ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công điện điện: UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận; các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam về việc ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông.
Thông tin mới nhất về bão USAGI

Thông tin mới nhất về bão USAGI

Tin mới nhất về bão USAGI, hiện đang ở gần Nam Đài Loan, sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn, nguy cơ cao với tàu thuyền. Biển động rất mạnh.
Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.