Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn chủ trì buổi họp. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Hà Văn Hùng cùng các Ủy viên BTV Tỉnh ủy, lãnh đạo một số sở, ngành liên quan dự họp.
Xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM là cơ hội tốt, mang lại lợi ích thiết thực
Từ kết quả đạt được sau 10 năm xây dựng NTM, đặc biệt là phương pháp, cách làm, sự chủ động, sáng tạo trong xây dựng NTM, Hà Tĩnh được Trung ương ghi nhận, đánh giá cao, và chọn làm tỉnh điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025. Hà Tĩnh xác định đây là cơ hội tốt mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, là động lực quan trọng để tạo ra bước đột phá mới trong xây dựng NTM của tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn báo cáo tóm tắt 2 đề án
Dự thảo Đề án đánh giá khá kỹ về thực trạng NTM Hà Tĩnh và đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để xây dựng thành công tỉnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021- 2025.
Mục tiêu cụ thể của đề án là đến cuối năm 2023 có 100% số xã đạt chuẩn NTM; đến cuối năm 2025 có tối thiểu 50% xã đạt chuẩn nâng cao và 10% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 100% huyện đạt chuẩn NTM. Ít nhất 4 huyện đạt chuẩn huyện NTM nâng cao. Huyện Nghi Xuân đạt chuẩn huyện NTM nâng cao năm 2023 và đạt chuẩn huyện NTM kiểu mẫu năm 2024.
Tỷ lệ hộ nghèo dưới 2%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 60 triệu đồng. Trên 80% Khu dân cư NTM kiểu mẫu đạt chuẩn, hơn 12.000 vườn mẫu đạt chuẩn.
Có tối thiểu 350 sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận đạt chuẩn OCOP, trong đó 35 sản phẩm đạt chuẩn 5 sao.
Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Hà Văn Hùng: Đề án tỉnh NTM cần bổ sung, làm rõ các giải pháp hiệu quả, khả thi để nâng cao thu nhập cho người dân
Dự kiến tổng vốn thực hiện đề án (yêu cầu tối thiểu để đạt tiêu chí): 31.444 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách nhà nước: 18.266 tỷ đồng; nhân dân góp: 10.723 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp, vốn khác: 2.455 tỷ đồng.
Hình thành các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ hiện đại
Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt với mục tiêu hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường, hình thành được các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ hiện đại... góp phần đưa các địa phương đạt chuẩn NTM và tỉnh Hà Tĩnh sớm đạt tỉnh NTM.
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Võ Hồng Hải: Đồng tình cao với việc xây dựng tỉnh NTM và xử lý rác thải đảm bảo môi trường bền vững. Tuy nhiên, cách tiếp cận các đề án cần có những bổ sung, điều chỉnh phù hợp.
Đề án cũng nêu rõ mục tiêu thu gom, vận chuyển, công nghệ xử lý rác theo từng giai đoạn cụ thể đến năm 2030. Dự báo, tổng lượng rác thu gom, vận chuyển xử lý toàn tỉnh đến năm 2025 khoảng 692 tấn/ngày, đến năm 2030 khoảng 839 tấn/ngày. Mục tiêu đặt ra trong công tác xử lý rác thải sinh hoạt là đầu tư các khu xử lý tập trung theo công nghệ hiện đại và quy mô xử lý liên huyện.
Tuy nhiên, trong giai đoạn chuyển tiếp (2020-2022), khi các khu xử lý tập trung đang trong giai đoạn xây dựng, chưa đi vào hoạt động thì tiếp tục duy trì các khu xử lý hiện có trên địa bàn và chỉ đạo xử lý rác thải ở các địa phương theo hướng phát huy được công suất tối đa của các cơ sở xử lý hiện có.
Theo dự thảo đề án, giai đoạn 2023-2025 và giai đoạn 2025-2030, sẽ lựa chọn 1 trong 3 phương án xử lý rác tại 3 địa điểm: Cẩm Quan (Cẩm Xuyên), Thị xã Hồng Lĩnh và Hồng Lộc (Lộc Hà) với công suất khoảng 600 tấn/ngày.
Kinh phí thực hiện đề giai đoạn 2020-2022: 143,052 tỷ/năm; giai đoạn 2023-2025: 158,380 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2025-2030: 199,357 tỷ đồng/năm.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y: Việc lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy xử lý rác cần hết sức cân nhắc, đảm bảo tối đa các điều kiện về môi trường, hạ tầng liên quan đối với địa phương.
Phải nêu bật được động lực của xây dựng NTM là nâng cao đời sống người dân
Tại cuộc họp, đại biểu đồng tình cao với việc xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM và đề án xử lý rác thải đảm bảo môi trường trường bền vững. Tuy nhiên, cần bổ sung, hoàn thiện một số nội dung, mục tiêu, giải pháp.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng: Đề nghị ban soạn thảo đề án tỉnh NTM bám sát hướng dẫn của trung ương, xây dựng bộ tiêu chí phù hợp; bổ sung thêm kết nối vùng; sà soát tổng nhu cầu nguồn lực đảm bảo phù hợp, khả thi. Về đề án thu gom, xử lý rác thải, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Đại biểu cho rằng, mục tiêu cốt lõi trong xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất, tin thần cho người dân. Vì vậy, song song với đầu tư xây dựng hạ tầng, cần có giải pháp cụ thể, hiệu quả để nâng cao thu nhập cho người dân, đảm bảo thực sự là “miền quê đáng sống”.
Đối với đề án xử lý rác thải, đây thực sự là vấn đề “nóng”, cấp bách; tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cảnh quan, đến đời sống sinh hoạt của người dân. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây khiếu kiện, ảnh hưởng đến ổn định chính trị của địa phương. Việc lựa chọn địa điểm, công nghệ xử lý rác phải tính toán hết sức căn cơ, thận trọng.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng: Đề án tỉnh NTM phải có điểm nhấn, thể hiện sự khác biệt của tỉnh NTM.
Kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn ghi nhận sự chuẩn bị khá công phu, kỹ lưỡng của các sở, ngành liên quan; nhiều ý kiến của các sở ngành, ủy viên BTV Tỉnh ủy phân tích, sắc sảo, toàn diện vào các đề án. Đề nghị Ban cán sự UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành liên quan hoàn thiện các đề án
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, Đề án tỉnh NTM đã được sự đồng thuận cao từ trung ương đến địa phương, thể hiện “lòng dân, ý Đảng”. Việc xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM là cơ hội tốt mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, đặc biệt là nông dân. Chúng ta đặt đời sống nhân dân, lợi ích nhân dân lên trên hết.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn: Đề án tỉnh NTM phải nêu bật được động lực của xây dựng NTM là nâng cao đời sống người dân
Đề án phải làm nổi bật sự cần thiết. Nguyên tắc đầu tiên là Hà Tĩnh đã làm và đang nhân rộng là hiệu quả xây dựng NTM. NTM của Hà Tĩnh là do dân làm. Phải nêu bật được động lực của xây dựng NTM là nâng cao đời sống người dân. Hy vọng, thực hiện đề án xây dựng tỉnh NTM của Hà Tĩnh sẽ góp phần giúp trung ương rút ra được bài học bước đầu để nhân rộng toàn quốc.
Đối với Đề án thu gom, xử lý rác thải, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, đây là đề án đặc biệt quan trọng, có tác động lớn đến KT-XH, QP-AN. Vì vậy, cần có tư duy chiến lược, vừa trước mắt vừa lâu dài; đề án phải có hiệu quả về KT-XH, QP-AN, gắn chặt với phát triển KT-XH, đảm bảo ANTT.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị sở, ngành liên quan tiếp thu các ý kiến góp ý, bổ sung, hoàn thiện đề án. Về quy hoạch, không cứng nhắc, cần phù hợp, mục tiêu cao nhất là vì người dân và công nghệ; cơ chế tài chính, mô hình tổ chức, cơ chế vận hành phải rõ để dễ thực hiện.