Xã hội hiện đại tạo điều kiện để các gia đình tiếp cận kiến thức, kỹ năng mới, song cũng làm phân hóa mối quan hệ, ảnh hưởng tới sự gắn bó giữa các thành viên, sự bền vững của hạnh phúc gia đình. PV Báo Hà Tĩnh ghi lại những trao đổi của đại diện các sở, ngành về những giải pháp xây dựng, giữ gìn văn hóa gia đình trong bối cảnh mới.
Nếu trước đây, nếp sinh hoạt trong mỗi gia đình người Việt nói chung và người Hà Tĩnh nói riêng có sự tập trung cao, nhiều thời gian để các thành viên gắn kết, thì ngày nay, điều này bị chi phối rất lớn bởi các thiết bị công nghệ, mối quan tâm công việc, học tập… Gia đình truyền thống với những giá trị văn hóa tốt đẹp ngày càng đối mặt với những thách thức.
Sở VH-TT&DL xác định, xây dựng gia đình văn hóa là một trong những nội dung quan trọng trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và luôn tích cực triển khai các giải pháp phù hợp, hiệu quả để thực hiện công tác gia đình. Thời gian tới, sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí và ý nghĩa đặc biệt quan trọng của gia đình đối với sự hình thành nhân cách con người và sự ổn định, phát triển của quốc gia, dân tộc; đề cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân trong việc gìn giữ, phát triển hệ giá trị tốt đẹp của gia đình. Các hình thức hoạt động, như: tổ chức lễ phát động “Tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình” nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28/6; lồng ghép và gắn việc triển khai có hiệu quả bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình vào nội dung xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” sẽ được tăng cường thực hiện. Đặc biệt, sở chỉ đạo các đơn vị cơ sở đổi mới các hình thức, nội dung sinh hoạt các câu lạc bộ gia đình phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát chuyên ngành, liên ngành về công tác xây dựng gia đình văn hóa.
Gia đình là tế bào của xã hội, nên một gia đình tốt, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật sẽ góp phần xây dựng một xã hội tốt, thượng tôn pháp luật. Gia đình cũng là môi trường giáo dục đầu tiên để mỗi người hình thành phẩm chất, nhân cách, đạo đức… Do vậy, việc giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của các thành viên trong gia đình cũng là cơ sở để xây dựng gia đình văn hóa, gia đình hạnh phúc.
Tại Điều 32 Luật Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) quy định: “Các thành viên trong gia đình có trách nhiệm gương mẫu chấp hành pháp luật; ông, bà, cha, mẹ có trách nhiệm giáo dục và tạo điều kiện cho con, cháu tìm hiểu, học tập pháp luật, rèn luyện ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật”. Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền PBGDPL đến mỗi gia đình trong bối cảnh mới, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị như: Hội LHPN, Hội Nông dân, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Sở GD&ĐT… thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra. Trong đó, thích ứng với thời đại công nghệ 4.0, chúng tôi sẽ lựa chọn nội dung phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đưa pháp luật đến với các thành viên trong gia đình, đặc biệt là thế hệ trẻ. Tăng cường mối quan hệ phối hợp với các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các tổ chức đoàn thể để huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các thành viên trong mỗi gia đình.
Trong truyền thống gia đình của người Việt, vai trò của người phụ nữ là người không thể thay thế từ việc chăm sóc và giáo dục con cái, sắp xếp, tổ chức cuộc sống gia đình... đến điều hòa các mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại, người phụ nữ tham gia nhiều hoạt động xã hội nên có nhiều sự chi phối.
Với vai trò tổ chức hội đại diện cho tiếng nói và hành động vì sự tiến bộ của giới nữ, Hội LHPN tỉnh luôn dành sự quan tâm lớn cho việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của các hội viên và cộng đồng cùng chung tay xây dựng gia đình hạnh phúc. Thời gian tới, hội sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình kiểu mẫu trong thời đại công nghệ số; phát huy hiệu quả và nhân rộng các mô hình như: “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “Gia đình 5 có - NTM kiểu mẫu”; các CLB: gia đình hạnh phúc, phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới… Qua đó, giúp mỗi hội viên phụ nữ không ngừng phát huy vai trò, từng bước nâng cao vị thế của mình, đóng góp ngày càng nhiều cho xã hội và xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững.
“Gia đình - nhà trường - xã hội” được coi là “tam giác” giáo dục quan trọng nhằm hình thành, phát triển toàn diện tri thức và nhân cách của học sinh (HS). Nằm trong 3 đỉnh của một tam giác, vai trò giáo dục HS là con em mình của mỗi gia đình quan trọng không kém vai trò của nhà trường và xã hội. Vì thế, mỗi gia đình phải luôn luôn đóng vai trò chủ động, tích cực trong việc phối hợp với nhà trường nuôi dạy con cái.
Để tăng hiệu quả giáo dục toàn diện, thời gian tới, Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục học sinh. Đón bắt những ưu thế của thời đại công nghệ thông tin, chỉ đạo các nhà trường chủ động sử dụng các phần mềm trực tuyến và mạng xã hội tạo các diễn đàn để phụ huynh HS và giáo viên cũng như người làm quản lý giáo dục trao đổi, thảo luận trình bày ý kiến. Từ đó tìm tiếng nói chung và sự phối hợp hiệu quả nhất giữa gia đình và nhà trường, hướng đến mục đích cuối cùng là giáo dục HS phát triển toàn diện, trở thành những công dân gương mẫu trong tương lai.
trình bày: khôi nguyễn