Thôn Thượng Nguyên trở thành khu dân cư NTM kiểu mẫu bằng sự chung sức đồng lòng của bà con trong thôn và con em xa quê
Đầu năm 2016, Thượng Nguyên bắt đầu xây dựng khu dân cư mẫu thì đến cuối năm mọi phần việc cơ bản hoàn thành. Nói thì dễ, thế nhưng để có được kết quả đó trong vòng 1 năm là cả một chặng dài nỗ lực không ngưng nghỉ của toàn thể người dân trong thôn, cùng với sự “tiếp lửa” nhiệt thành của những con em xa quê.
Ông Trần Khuyến - Bí thư Chi bộ thôn nhớ lại: Thời điểm đó, sau nhiều cuộc họp thôn, họp chi bộ thống nhất các nội dung, lên kế hoạch từng phần việc cụ thể, chúng tôi bắt tay vào triển khai. Bước đầu huy động tinh thần đảng viên tiên phong phá bỏ vườn tạp, chỉnh trang vườn hộ. Sau đó, các đảng viên tình nguyện ngày công giúp các gia đình khác. Với cách làm “cuốn chiếu” đó, đến nay toàn thôn đã có hơn 200/363 vườn hộ được chỉnh trang.
Nhà văn hóa thôn được xây dựng khang trang nhờ sự đóng góp ngày công và kinh phí của bà con trong thôn và con em xa quê
Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, toàn thôn đã chỉnh trang 24 vườn hộ; xây dựng 800m đường bê tông, 800m rãnh thoát nước; láng bê tông 2.700m lề đường; trồng mới 1.500m hàng rào xanh...
Hiểu rõ nội lực còn khó khăn, Chi bộ thôn đã mạnh dạn gửi thư ngỏ và kêu gọi con em xa quê “hướng về cội nguồn” đóng góp xây dựng cổng làng với tổng kinh phí 135 triệu đồng. Không những thế, cùng với sự đóng góp 200 nghìn đồng/hộ dân và số tiền từ con em xa quê, thôn còn chỉnh trang nhà văn hóa khang trang với tổng kinh phí 340 triệu đồng.
Con đường ra nghĩa trang thôn đã không còn lầy lội như trước
Đến năm 2018, từ nhu cầu thực tiễn của địa phương, chi bộ thôn tiếp tục huy động con em xa quê đóng góp 270 triệu đồng xây dựng tuyến đường ra nghĩa trang thôn với chiều dài hơn 500m, được lắp đặt thêm hệ thống đèn đường bài bản.
Mọi nguồn đóng góp đều được Bí thư chi bộ Trần Khuyến ghi lại rõ ràng, cụ thể
Theo Bí thư Chi bộ Trần Khuyến, để huy động nguồn lực hiệu quả, đầu tiên chi bộ, thôn cần họp bàn và lựa chọn đúng công trình để kêu gọi. Sau đó, lên dự toán kinh phí rõ ràng, chi tiết công trình rồi mới bắt đầu gửi thư ngỏ, kết nối qua điện thoại đến hội đồng hương của thôn, xã ở các tỉnh, thành trong nước. Kinh nghiệm từ thôn Thượng Nguyên là không nên kêu gọi lẻ tẻ mà nên chọn thời điểm, chọn công trình để huy động nguồn lực từ con em xa quê.
Sự ủng hộ của các tập thể, cá nhân được thôn in lên bảng danh sách đặt ở nhà văn hóa thôn.
“Bản thân tôi trong quá trình kêu gọi còn tận dụng những chuyến vào Nam ra Bắc thăm con để gặp gỡ, họp hội đồng hương. Sau khi nhận được sự ủng hộ của các cá nhân, tập thể, dù ít dù nhiều đều công khai rõ ràng trong thôn. Mọi kinh phí xây dựng công trình từ khi khởi công đến lúc bàn giao cũng được công khai để tất cả bà con trong thôn và con em xa quê cùng biết. Có lẽ chính sự chu đáo, rõ ràng như vậy cùng với ý nghĩa thiết thực của từng công trình đã góp phần nhân lên hiệu quả của nguồn quỹ. Nhiều cá nhân sẵn sàng ủng hộ hàng chục triệu đồng cho thôn như ông Trần Hậu Khang, Đặng Sỹ Hùng, Đặng Sỹ Hồng, Nguyễn Duy Toàn...” - ông Khuyến nói thêm.
Xã Thạch Kênh đang thay đổi từng ngày, kết quả đó có nỗ lực lớn của thôn Thượng Nguyên
Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Thạch Kênh Từ Dương Quyền cho biết: Vừa biết phát huy nội lực, nhân rộng ngoại lực, thời gian qua thôn Thượng Nguyên luôn là thôn đi đầu trong mọi hoạt động của xã. Người ở xa góp của, người ở gần góp công cũng là cách kêu gọi khối đại đoàn kết nhân dân mà mỗi thôn trong xã đều nên học hỏi.