Xem “nghệ thuật lưu đày” của vua Hàm Nghi

Lần đầu tiên, tác phẩm hội họa của vị vua yêu nước, nghệ sĩ tài hoa Hàm Nghi được “hồi hương” về Huế để trưng bày giới thiệu đến với công chúng. Người xem không chỉ xúc động bởi giá trị nghệ thuật của tác phẩm mà người ta còn rưng rưng cảm xúc qua câu chuyện được kể bởi TS. Amandine Dabat - hậu duệ năm đời của vua Hàm Nghi.

Tác phẩm hội họa của vua Hàm Nghi đang được trưng bày tại triển lãm “Vua Hàm Nghi, cuộc đời và nghệ thuật” ngay chính trong không gian trưng bày được dành riêng cho vị vua này ở nhà Tế Tửu thuộc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (3 Lê Trực, TP Huế).

Nỗi buồn trong tranh

Cơn mưa chiều nặng hạt ngày 10/1 vẫn không ngăn được dòng người thập phương tìm về nhà Tế Tửu để dự khai mạc không gian trưng bày về vua Hàm Nghi. Người ta tìm đến đó để chiêm ngưỡng tác phẩm gốc do chính vua vẽ trong những năm tháng bị lưu đày ở Algers (Algeria).

Xem “nghệ thuật lưu đày” của vua Hàm Nghi

TS Amandine Dabat giới thiệu về vua Hàm Nghi - tiền nhân của mình - đến quan khách ở triển lãm

Đó là tác phẩm “Hồ trên dãy núi Alpes”, được vua Hàm Nghi vẽ vào khoảng vào năm 1900-1903 bằng chất liệu sơn dầu trên vải với kích thước 40,5x27,5cm.

Theo lời TS. Amandine Dabat, tác phẩm được một nhà sưu tập ở Pháp đề nghị giấu tên thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tặng lại cho Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế. Bức tranh sau đó được chuyển về Việt Nam trưng bày ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Tác phẩm này trước đó đã được các chuyên gia ở bảo tàng phía Pháp thẩm định.

Bức tranh như đã hớp hồn người xem bởi không chỉ đó là tác phẩm quý mà ở đó người ta thấy được sự tài hoa của một vị vua nghệ sĩ qua nét đặc tả phong cảnh cũng tuyệt đẹp nhưng vẫn gợi sự cô đơn trong chính nỗi lòng của vị vua lưu đày. Khung cảnh dù có bình yên, thơ mộng với bãi cỏ mềm mại, hồ nước và xa xa là ngọn núi nhỏ dù ở trời Tây nhưng gợi nhớ điều gì đó bên trong ông khi nghĩ về cố hương – Việt Nam.

Xem “nghệ thuật lưu đày” của vua Hàm Nghi

Tác phẩm “Hồ trên dãy núi Alpes” được vua Hàm Nghi vẽ vào khoảng vào năm 1900-1903 bằng chất liệu sơn dầu trên vải

Theo các nhà nghiên cứu, vua Hàm Nghi bắt đầu sáng tác vào năm 1889, sau một năm đặt chân đến xứ sở Algerie.

Người phát hiện ra tài năng của vua Hàm Nghi chính là viên đại úy De Vialar, người đảm nhận coi sóc ông. Về sau, viên đại úy này đã mời họa sĩ Marius Reynaul (họa sĩ người Pháp sống ở Algeria) đến dạy vẽ cho vua Hàm Nghi hai ngày trong tuần.

Cũng trong năm này, nhà vua đã đến Paris xem triển lãm của họa sĩ Paul Gaugin, họa sĩ hàng đầu của trào lưu hậu ấn tượng. Sau này, tranh phong cảnh của Hàm Nghi có ảnh hưởng phong cách của họa sĩ bậc thầy này.

Dù ảnh hưởng các họa sĩ trường phái ấn tượng, hậu ấn tượng của Pháp nhưng người xem có thể nhận ra sắc màu trong tranh của vua Hàm Nghi có màu u ám, buồn bã, ưu tư của vị vua vong quốc chưa bao giờ thôi nghĩ về vận nước, quê hương.

"Nghệ thuật lưu đày"

Không chỉ tác phẩm “Hồ trên dãy núi Alpes”, không gian trưng bày của vua Hàm Nghi tại Huế còn bày biện 30 tác phẩm bản sao các tác phẩm nghệ thuật là tranh, tượng do vua Hàm Nghi sáng tác khi bị lưu đày ở Algers. Ngoài ra, nhiều hình ảnh về cuộc đời của nhà vua từ khi lên ngôi, giai đoạn chống Pháp với phong trào Cần Vương và giai đoạn bị lưu đày tại Algers cũng được giới thiệu đến người xem.

Xem “nghệ thuật lưu đày” của vua Hàm Nghi

Một góc không gian triển lãm, ngoài bức tranh gốc còn bày biện 30 tác phẩm bản sao các tác phẩm nghệ thuật là tranh, tượng của vua Hàm Nghi sáng tác

Cũng giống như tác phẩm gốc, những tác phẩm bản sao hầu hết vẽ về đề tài phong cảnh. Nhưng phong cảnh ấy nó có điều gì đó rối bời, cô đơn, u uất, gần như không có sự xuất hiện của con người.

Không dừng lại phong cảnh, nhà vua còn tự họa. Các bức tự họa của ông được vẽ chủ yếu bằng than chì. Theo các nhà nghiên cứu, việc nhà vua vẽ theo tấm ảnh chân dung của mình trong trang phục cung đình triều Nguyễn đã khẳng định tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc.

Những tác phẩm này sau đó được ông đã in sao ra hàng loạt và tặng cho những người ông gặp như chính lời muốn nói: “Tôi vẫn là vua của nước An Nam và người Pháp không thể khuất phục được lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc của vị vua như tôi”.

Trước khi trở về Huế, Amandine Dabat cũng đã tổ chức cuộc triển lãm có chủ đề “Nghệ thuật lưu đày - Hàm Nghi, ông hoàng An Nam (1871-1944)” ngay tại Bảo tàng Nghệ thuật châu Á (TP Nice, Pháp) với khoảng 150 tranh, ảnh, hiện vật của vua Hàm Nghi. Cô cho hay, triển lãm này lần đầu tiên được tổ chức kể từ khi vua mất.

Xem “nghệ thuật lưu đày” của vua Hàm Nghi

Đông đảo người yêu văn hóa, nghệ thuật đến chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật của vua Hàm Nghi

“Chúng tôi muốn giới thiệu tới công chúng, kể cả người Pháp và Việt Nam, một cái nhìn khá trọn vẹn về cuộc đời vua Hàm Nghi, một vị vua yêu nước bị lưu đày, nhưng mang tâm hồn của một nghệ sĩ, một nhà điêu khắc” - cô Amandine Dabat chia sẻ.

Bên cạnh tác phẩm hội họa gốc được hồi hương lần này, TS Amandine Dabat cũng đã tặng Huế ống điếu của vua Hàm Nghi. Chiếc ống điếu cao 20,1cm, sâu 8,8cm và là vật dụng được vua Hàm Nghi đem theo từ Việt Nam sang Algers. Thường ngày, vua Hàm Nghi dùng chiếc ống điếu này để hút thuốc. Trên chiếc ống điếu còn có bài thơ bằng chữ Hán tinh xảo được khảm ốc xà cừ.

Amandine Dabat cho biết chiếc ống điếu này được lưu giữ từ thế hệ này qua thế hệ khác như một kỷ vật quý giá của nhà vua. Về sau trong quá trình cô làm tiến sĩ về vị tiền nhân của mình, gia đình đã tặng lại cô ống điếu này.

“Sau khi suy nghĩ, tôi quyết định tặng lại cho Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế chiếc ống điếu này. Tôi rất vui khi làm việc này!” - Amandine Dabat chia sẻ.

Giúp công chúng Việt Nam hiểu hơn về vua Hàm Nghi

Ông Hoàng Việt Trung, giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, việc tác phẩm gốc của vua Hàm Nghi hồi hương cũng như ống điếu mà cô Amandine Da bat hiến tặng đã góp phần giúp công chúng tại Việt Nam hiểu rõ hơn về cuộc đời và nghệ thuật của vị vua yêu nước Hàm Nghi.

Xem “nghệ thuật lưu đày” của vua Hàm Nghi

Người xem chiêm ngưỡng tác phẩm hội họa gốc của vua Hàm Nghi được hồi hương, tặng cho Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế

Theo ông Trung, trước đó đoàn công tác của tỉnh Thừa Thiên Huế đã sang Pháp tìm hiểu về triển lãm các tác phẩm nghệ thuật của Vua Hàm Nghi kết hợp tìm kiếm các nguồn tư liệu lịch sử liên quan của triều Nguyễn tại Paris và Nice (Pháp)... Đoàn đã đi thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Viện Viễn đông Bác cổ - Paris và rất nhiều bảo tàng cũng như hậu duệ của Vua Hàm Nghi.

“Ngoài những hiện vật được đưa về lần này, đơn vị đang tiếp tục có trao đổi hợp tác chặt chẽ với TS Amandine Dabat để chia sẽ và tiếp nhận lưu trữ nhiều dữ liệu gốc, dữ liệu điện tử quan trọng liên quan đến vua Hàm Nghi và một số nội dung hợp tác có ý nghĩa đặc biệt trong thời gian tới” - ông Trung nói.

Vị vua nghệ sĩ

Vua Hàm Nghi tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Lịch và là vị hoàng đế thứ tám của nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Năm 1884, Hàm Nghi được các phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đưa lên ngôi ở tuổi 13. Sau khi cuộc phản công tại kinh thành Huế thất bại năm 1885, Tôn Thất Thuyết đưa ông ra ngoài và phát chiếu Cần Vương chống thực dân Pháp.

Nhân danh ông, Tôn Thất Thuyết đã phát động phong trào Cần Vương, kêu gọi văn thân, nghĩa sĩ giúp vua, giúp nước. Phong trào này kéo dài đến năm 1888 thì vua Hàm Nghi bị bắt. Sau đó, ông bị Pháp đưa đi lưu đày ở Alger (thủ phủ xứ Algerie) và qua đời tại đây năm 1944 vì bệnh ung thư dạ dày.

Năm 1904, vua Hàm Nghi kết hôn với bà Marcelle Laloe (1884 - 1974), con gái của chánh án tòa thượng phẩm tại Algiers. Hai người có với nhau 3 người con gồm: công chúa Như Mai (1905 - 1999), công chúa Như Lý (1908 - 2005) và hoàng tử Minh Đức (1910 - 1990). Cô Amandine Dabat, chắt gái của công chúa Như Lý và là hậu duệ đời thứ năm của vua Hàm Nghi, là tiến sĩ lịch sử nghệ thuật (Đại học Sorbonne), thạc sĩ Việt Nam học (Đại học Paris-Diderot).

Trong thời gian bị lưu đày, vua Hàm Nghi đã được học vẽ và điêu khắc. Vua để lại rất nhiều tác phẩm chủ yếu vẽ bằng màu nước và sơn dầu, mô tả thiên nhiên, cảnh vật, còn các tác phẩm điêu khắc thường là chân dung các nhân vật, được làm bằng các chất liệu đồng, gỗ và thạch cao. Trong đó có bức tranh nổi tiếng “Chiều tà” được bác sĩ người Pháp gốc Việt là Gérard Chapuis đấu giá thành công với mức phí hơn 8.800 euro.

Theo TT&VH

Đọc thêm

Vinh danh 'Sứ giả tiếng Việt' năm 2024

Vinh danh 'Sứ giả tiếng Việt' năm 2024

Tối 8/9, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Lễ tổng kết Ngày Tôn vinh tiếng Việt năm 2024 và Chương trình Gala tiếng Việt thân thương đã diễn ra với sự tham dự của hơn 600 đại biểu. Những “Sứ giả tiếng Việt” năm 2024 đã được vinh danh và trao tặng bằng khen.
Podcast truyện ngắn: Cây nhãn kỷ niệm

Podcast truyện ngắn: Cây nhãn kỷ niệm

Cây nhãn già thách thức mưa nắng, bão bùng, nhìn vào đó, bà luôn tưởng tượng bóng hình Hiếu, vẫn hiển hiện đâu đây trong khu vườn, căn nhà thân thuộc, như chưa từng có cuộc chia ly...
Podcast tản văn: Ơi mùa thu, mùa thu

Podcast tản văn: Ơi mùa thu, mùa thu

Có vẻ như mọi hân hoan, quyến luyến, mọi mỹ cảm, nồng say đều dồn tụ hết vào một chữ thu. Thu xao xuyến, thu bồi hồi, thu bâng khuâng, thu đa cảm...
Khám phá Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng

Khám phá Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng

Non nước Cao Bằng chính thức được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu vào ngày 12/4/2018, trở thành công viên địa chất toàn cầu thứ hai tại Việt Nam sau Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn tại Hà Giang.
Truyện ngắn: Màu áo lính

Truyện ngắn: Màu áo lính

Phía ngoài ô cửa sổ, loa phát thanh đang vang lên tin tức về những hoạt động mừng ngày tết Độc lập. Ông Việt nhìn ra lá cờ đỏ sao vàng tung bay ngoài song cửa rồi mắt ông ầng ậc nước…
Cây muỗm ở Nghi Xuân là cây di sản Việt Nam

Cây muỗm ở Nghi Xuân là cây di sản Việt Nam

Cây muỗm được công nhận cây di sản Việt Nam có tuổi đời hơn 360 năm, nằm trong khuôn viên nhà thờ Phan Tôn Chu và Ngọc Hoa công chúa ở thôn Phú Vinh, xã Cổ Đạm, Nghi Xuân, Hà Tĩnh.