Xem xét bổ sung nhiều nhóm lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Lao động làm việc không trọn thời gian, chủ hộ kinh doanh có thể đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, theo đề xuất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Tại dự thảo Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi đang được lấy ý kiến, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung nhiều nhóm lao động đóng BHXH bắt buộc để về già hưởng lương hưu.

Đó là người làm việc từ một tháng trở lên bằng hình thức hợp đồng, hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác (biên bản, giao kèo) mà nội dung thể hiện một bên được trả công, bên còn lại quản lý, giám sát; lao động làm việc không trọn thời gian có mức lương tháng bằng hoặc cao hơn 2 triệu đồng; chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, điều hành hợp tác xã không hưởng lương.

Lao động làm việc không trọn thời gian đóng BHXH 8% và chủ sử dụng đóng 14% vào Quỹ hưu trí, tử tuất trên nền tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Tiền lương đóng BHXH với chủ hộ kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, người điều hành hợp tác xã sẽ do người đó tự chọn, dao động từ 2 đến 36 triệu đồng và sau một năm đóng được chọn lại.

Xem xét bổ sung nhiều nhóm lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Tiểu thương chợ Hội An (Quảng Nam) sắp xếp lại hàng hóa. Ảnh: Ngọc Thành

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội lý giải các nhóm đề xuất bổ sung đều có khả năng và nhu cầu tham gia BHXH, song luật hiện hành chưa bắt buộc mà chỉ áp dụng với lao động ký hợp đồng từ một tháng trở lên.

Quy định “ký hợp đồng” hiện nay khiến nhiều lao động chưa được đóng BHXH bởi chủ doanh nghiệp thuê mướn, ký kết theo dạng giao kèo hoặc tự thỏa thuận. Theo thống kê cả nước có 404.000 doanh nghiệp, đơn vị chưa tham gia hoặc đóng chưa đầy đủ BHXH cho 3 triệu người. Số này chủ yếu ngoài quốc doanh, quy mô nhỏ và siêu nhỏ.

Ngoài ra, cả nước có hơn 5,1 triệu hộ kinh doanh cá thể, gấp sáu lần số doanh nghiệp với 1,7 triệu hộ có doanh thu trên 100 triệu/năm đang đóng thuế. Nhóm này chưa đóng BHXH bắt buộc và cũng rất ít người tham gia BHXH tự nguyện. Cả nước có 29.000 hợp tác xã với 6 triệu thành viên, nhưng mới có 7.000 hợp tác xã đóng BHXH cho 40.000 lao động.

Nếu các nhóm này tham gia BHXH bắt buộc sẽ tăng độ bao phủ và giảm áp lực cho ngân sách nhà nước chi trợ cấp xã hội cho người già không có lương hưu sau này. Nguồn thu vào Quỹ Bảo hiểm xã hội từ đó tăng, song tiền chi cho các chế độ ngắn hạn (thai sản, ốm đau), trung hạn (bảo hiểm thất nghiệp) và dài hạn (hưu trí) cũng sẽ tăng lên.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi được lấy ý kiến nhân dân đến tháng 4, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 6, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2023 và thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024. Ngoài đề xuất bổ sung nhóm đóng BHXH bắt buộc, dự luật có nhiều điểm mới như: Thay đổi cách tính lương đóng BHXH; giảm số năm đóng BHXH từ 20 xuống 15 để hưởng lương hưu; hai phương án rút BHXH một lần, thêm tầng trợ cấp với người không có lương hưu, chế độ thai sản với người đóng BHXH tự nguyện.

Hết tháng 1/2023, cả nước có hơn 17,2 triệu người tham gia BHXH, trong đó khoảng 15,8 triệu người thuộc khu vực bắt buộc và 1,4 triệu người đóng BHXH tự nguyện, bao phủ 38% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Đọc thêm

Làm gì để tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

Do đâu tỷ lệ người dân tham gia BHYT ở nhiều địa phương giảm?

Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế được coi là một trong những nội dung quan trọng để đánh giá sự phát triển của KT-XH ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, 4 tháng đầu năm 2025, tỷ lệ người dân tham gia BHYT ở nhiều địa phương giảm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác an sinh xã hội cũng như các nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Bài 2: Huy động tổng lực, dồn sức trên những “đại công trường”

Bài 2: Huy động tổng lực, dồn sức trên những “đại công trường”

Để mục tiêu hoàn thành 2.343 ngôi nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng trước ngày 19/5/2025, các địa phương trong toàn tỉnh đang đứng trước khối lượng công việc lớn. Trên chặng nước rút, cả hệ thống chính trị Hà Tĩnh cùng hướng về cơ sở với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; mỗi thành viên ban chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát các cấp phải thấm nhuần nguyên tắc “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ sản phẩm”.
Bài 1: Quyết tâm về đích trước thời hạn của cả nước

Bài 1: Quyết tâm về đích trước thời hạn của cả nước

Vận dụng sáng tạo bài học kinh nghiệm trong làm nhà ở cho hộ nghèo giai đoạn 2021-2025, cả hệ thống chính trị ở Hà Tĩnh đã sớm vào cuộc, chủ động triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước. Với sự khẩn trương, chủ động triển khai kế hoạch và huy động các nguồn lực, Hà Tĩnh đặt mục tiêu hoàn thành chương trình trước ngày 19/5/2025 (trước mốc thời gian chung của cả nước hơn 6 tháng).