Hướng tới kỷ niệm 90 năm Xô viết Nghệ - Tĩnh (12/9/1930 - 12/9/2020), chiều 6/9, tại TP Hà Tĩnh, Ban Tuyên giáo Trung Ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Tỉnh ủy Nghệ An phối hợp tổ chức chương trình Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Xô viết Nghệ - Tĩnh: sức mạnh quần chúng làm nên lịch sử” .
Dự hội thảo về phía Trung ương có: Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Lam; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài; Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Văn Thuật; đại diện lãnh đạo các Ban Đảng Trung ương; các nhà khoa học và các đơn vị liên quan. Về phía tỉnh Nghệ An có Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý. Về phía tỉnh Hà Tĩnh có: Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng, các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh. |
Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên BCH Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý chủ trì hội thảo.
Minh chứng hùng hồn về sự thắng lợi tất yếu của cách mạng Việt Nam
Phát biểu chào mừng hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn đã ôn lại những nét nổi bật, bài học kinh nghiệm, ý nghĩa lịch sử to lớn trong phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn phát biểu chào mừng tại hội thảo.
Đồng chí Lê Đình Sơn nhấn mạnh: Phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương Xô viết Anh hùng, đặc biệt là bài học về tập hợp lực lượng, dựa vào sức mạnh quần chúng Nhân dân, trong 90 năm qua Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.
Trong công cuộc xây dựng quê hương, thấm nhuần bài học kinh nghiệm “lấy dân làm gốc”, Hà Tĩnh đã vượt qua được những khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước đi lên phát triển cùng cả nước. Từ một tỉnh có thu ngân sách, GRDP bình quân đầu người đạt rất thấp, Hà Tĩnh đã vươn lên trở thành tỉnh có thu ngân sách đạt trung bình khá, đứng thứ 21 của cả nước; quy mô kinh tế thuộc nhóm các tỉnh đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ.
Đại biểu tham dự hội thảo.
“Những kết quả và kinh nghiệm đó là tiền đề hết sức quan trọng để Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trong thời gian tới, đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đạt chuẩn tỉnh nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước” - đồng chí Lê Đình Sơn khẳng định.
Đồng chí Lê Đình Sơn mong rằng, các tham luận tại hội thảo sẽ góp phần cung cấp cơ sở lý luận, thực tiễn để giúp hai tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An hoạch định chiến lược phát triển trong văn kiện Đại hội Đảng bộ của hai tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 và định hướng những năm tiếp theo.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn hội thảo.
Đề dẫn tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò lịch sử phong trào cách mạng 1930 - 1931 và Xô viết Nghệ - Tĩnh.
Đó chính là minh chứng hùng hồn về sự thắng lợi tất yếu của cách mạng Việt Nam và cuộc đấu tranh chính nghĩa của Nhân dân Việt Nam giành độc lập dân tộc và tiến lên CNXH. Tuy chỉ tồn tại trong vòng bảy tháng và còn sơ khai nhưng phong trào đã đem lại những bài học kinh nghiệm quý báu.
Đại biểu tham dự hội thảo.
Trên cơ sở đó, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng đề nghị đại biểu tiếp tục phân tích làm sáng tỏ, sâu sắc và toàn diện sự lãnh đạo của Đảng và các Đảng bộ địa phương đối với phong trào cách mạng 1930-1931 và Xô viết Nghệ - Tĩnh.
Khẳng định tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của Xô viết Nghệ - Tĩnh đối với tiến trình cách mạng Việt Nam; tôn vinh những đóng góp và hy sinh to lớn của các thế hệ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân; vận dụng những bài học quý báu của Xô viết Nghệ - Tĩnh vào công cuộc xây dựng đất nước.
Phát huy tinh thần và giá trị của Xô viết Nghệ - Tĩnh trong xây dựng quê hương, đất nước
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý điều hành thảo luận tại hội thảo.
Tại hội thảo, ban tổ chức đã nhận được hơn 60 tham luận của các nhà khoa học, đại diện các cơ quan Đảng, Nhà nước, đại diện lãnh đạo một số tỉnh, thành phố trên cả nước; trong đó có 6 tham luận trình bày trực tiếp.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Văn Thông tham luận nội dung: Sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Nghệ An đối với phong trào cách mạng 1930 - 1931 và Xô viết Nghệ Tĩnh.
Các tham luận đã khẳng định và làm sâu sắc hơn vai trò lãnh đạo của Đảng đối với phong trào cách mạng 1930-1931 và Xô viết Nghệ - Tĩnh.
GS.TS Mạch Quang Thắng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tham luận nội dung: Xô viết Nghệ - Tĩnh và một số vấn đề về chính quyền cách mạng ở Việt Nam sau Xô viết Nghệ - Tĩnh.
Các tham luận cũng làm rõ vai trò của quần chúng Nhân dân, người làm nên lịch sử, đặc biệt là sự hình thành khối liên minh công - nông, nòng cốt để thu hút các tầng lớp Nhân dân trong mặt trận đấu tranh chống đế quốc, phong kiến; khẳng định những thành quả, ý nghĩa lịch sử to lớn và những bài học kinh nghiệm sâu sắc của phong trào cách mạng 1930-1931 và Xô viết Nghệ - Tĩnh đối với tiến trình cách mạng Việt Nam.
Đại tá, TS Lê Thanh Bài, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam tham luận nội dung: Tự vệ đỏ trong phong trào cách mạng 1930 - 1931 và Xô viết Nghệ - Tĩnh, kinh nghiệm xây dựng lực lượng vũ trang hiện nay.
Phó Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phùng Khánh Tài tham luận nội dung: Vai trò của quần chúng Nhân dân trong cao trào cách mạng 1930 - 1931 và bài học kinh nghiệm về phát huy vai trò của quần chúng Nhân dân trong sự nghiệp cách mạng hiện nay.
Bí thư Huyện ủy Can Lộc (Hà Tĩnh) Nguyễn Như Dũng tham luận về vai trò của cuộc biểu tình ngày 1/8/1930 tại Can Lộc trong cao trào 1930 - 1931 và Xô viết Nghệ - Tĩnh.
Tham luận cũng phân tích nhằm phát huy tinh thần và giá trị của Xô viết Nghệ - Tĩnh trong xây dựng quê hương Nghệ An, Hà Tĩnh và đất nước.
Tham luận tại hội thảo (với chủ đề “Sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Hà Tĩnh đối với phong trào cách mạng 1930 - 1931 và Xô viết Nghệ Tĩnh”), Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng chia sẻ 4 bài học kinh nghiệm qua phong trào cách mạng 1930 - 1931 đó là: Quan tâm xây dựng Đảng về chính trị và tổ chức; phát huy vai trò công tác tư tưởng, lý luận nhằm truyền bá, phổ biến hệ tư tưởng cách mạng trong xã hội, khơi dậy truyền thống yêu nước, ý chí cách mạng, tinh thần đoàn kết, tập hợp mọi tầng lớp Nhân dân đứng lên làm cách mạng; xây dựng khối liên minh công - nông vững chắc làm nòng cốt phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; sáng tạo trong sử dụng bạo lực cách mạng để đánh đổ bạo lực phản cách mạng, kết hợp linh hoạt bạo lực chính trị với bạo lực vũ trang. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho rằng, từ bài học kinh nghiệm đó, trong công cuộc đổi mới hiện nay, hai tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An cần cụ thể hóa thành các chương trình phối hợp hành động, liên kết phát triển kinh tế, xã hội, chia sẻ kinh nghiệm trên các lĩnh vực, địa bàn, nhất là giữa các huyện, thị, thành từ đó hỗ trợ nhau cùng phát triển. Nếu biết phát huy tinh thần đoàn kết, mở rộng dân chủ, coi trọng xây dựng hạt nhân và tìm được bộ máy cán bộ vì phong trào, biết làm, biết nghĩ, biết đột phá, chắc chắn đường lối đổi mới sẽ thành công. Hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh sẽ có bước phát triển mới. |
Tiếp tục khơi mạnh sức mạnh quần chúng Nhân dân trong mọi giai đoạn
Tổng kết hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia đánh giá cao các tham luận gửi về hội thảo và trình bày tại hội thảo. Các tham luận với nội dung phong phú, nhiều ý nghĩa đã đưa ra những tài liệu mới; làm cơ sở để các cơ quan liên quan khai thác, nghiên cứu và có đánh giá sâu hơn, đúng hơn về phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng tổng kết hội thảo.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhận định các ý kiến gửi về đã làm rõ, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong khơi dậy sức mạnh to lớn của quần chúng Nhân dân; các bài học kinh nghiệm sâu sắc từ phong trào cách mạng 1930 - 1931 đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cũng phân tích, làm rõ thêm về vai trò, sức mạnh của quần chúng Nhân dân trong mọi giai đoạn lịch sử. Đó cũng là truyền thống ngàn năm của dân tộc ta về: “Dân là gốc”, “Đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”.
Trên cơ sở những nội dung từ hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các địa phương, đơn vị tổng kết những bài học kinh nghiệm, chắt lọc, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo giai đoạn hiện nay.