Xôn xao tháng bảy

(Baohatinh.vn) - Mưa vừa ào xuống một trận, gột sạch đi những bức bối, oi ả ngày hè. Mẹ tôi bắt đầu vun vén cho tháng bảy khi mùa gặt đã xong, rơm rạ vun thành đống và cơm mới trong nồi còn thơm vị mồ hôi.

Xôn xao tháng bảy

Xôn xao tháng 7. Ảnh minh họa từ internet.

Dù biết ngày mai có thể sẽ nắng hơn và cơn mưa thì lâu không ghé lại nhưng ruộng đồng lại cất lên tiếng gọi. Mẹ đãi lúa giống, mẹ ủ phân tro, mẹ xới lại góc vườn cỏ rậm. Bố lo đan lại rào giậu, khơi lại con mương nhỏ trước nhà, lát lại mảnh sân đã bong tróc xi măng. Thằng cháu nhỏ bắc ghế ngó mẻ chuối phơi khô, ngó đống bánh đa chưa kịp giòn, ngó sang mẹt tép tôm còn thiếu vài mẻ nắng. Bố mẹ nó đi làm xa, thằng nhỏ ở nhà lẽo đẽo theo bà qua hết mùa lúa đến mùa cà. Hết mùa vải chín ngoài cây thì đến mùa kẹo lạc, bánh tro.

Đêm đến nghe bà ru còn rơm rớm thèm vòng tay của mẹ. Canh khuya vắng, cháu thảng thốt giữa cơn ác mộng là bà vòng tay vỗ về đến sáng vẫn còn thương. Chỉ có cụ bà là hay ngồi lặng im, người ở đây mà lòng dạ hướng về Trường Sơn hùng vĩ, nơi cụ ông nằm lại cùng đồng đội, mấy chục năm qua đi tìm hoài vẫn không thấy phần mộ ở đâu. Tháng bảy về hương khói khắp nơi nơi. Trên ban thờ là tấm hình cụ ông đã bạc màu năm tháng. Chỉ có nụ cười là mấy chục năm vẫn còn tươi rói đến nhói buốt tim gan người ở lại. Giờ ngồi nhìn những đám mây trắng xốp bay qua vườn nhà trong một chiều đầy gió, cụ bà tưởng như ông cũng theo về…

Xôn xao tháng bảy

Mẹ tôi bắt đầu vun vén cho tháng bảy... (Ảnh: Internet).

Giữa lưng chừng tháng bảy luôn là sự đợi chờ. Lúa gieo xong rồi chờ một mùa vụ mới. Thương từ cái nắng đầu ngày cho đến cái oi nồng khi đêm tối. Biết mười hạt gieo xuống đất rồi liệu có nảy lên năm? Rồi thương đến dáng mẹ gầy, chiều nào cũng thấp thỏm trên đồng chờ kênh mương khơi về từng con nước. Lòng cứ tự hỏi sao thời tiết mỗi ngày lại càng thêm khắc nghiệt. Ở đâu phá rừng, chặt cây thì không biết, chứ những người nông dân như mẹ cả đời này lúc nào cũng hiền hòa với trời đất, thiên nhiên. Mà cánh đồng trước nhà thì nắng hút đến cạn khô. Cây cối trong vườn héo rũ từng chiếc lá.

Mẹ bỗng thương thằng cháu nhỏ, đến thế hệ của chúng thì còn phải gánh chịu sự đổi thay khắc nghiệt đến nhường nào. Nên ông dạy cháu biết trồng một mầm cây trước khi dạy biết trèo lên hái quả. Biết yêu thương vạn vật xung quanh mình và nâng niu đến từng sự sống. Để một tháng bảy nào đó của mấy chục năm sau, cháu con mình không phải ngửa mặt lên trời thốt lên tiếng “than ôi” khổ cực.

Xôn xao tháng bảy

Lời ru của bà cũng nặng phù sa, cũng có cánh cò, cũng gù bông lúa... (Ảnh: Internet).

Điện mùa này thỉnh thoảng lại bị cắt bất ngờ. Ngày thì nhờ vào bóng cây, đêm mong từng cơn gió. Đứa cháu nhỏ lăn qua lăn lại, thỉnh thoảng hỏi “bà ơi, bao giờ bố mẹ cháu mới về?”. Bà không dám hứa điều gì vì cũng không biết chắc được ngày mai, khi hiểu cuộc mưu sinh này còn dài đằng đẵng.

Rồi cháu sẽ lớn lên, sẽ hiểu được vì sao có những khi rất muốn mà không thể bên nhau. Có những người cả đời chỉ biết yêu thương bằng hai từ “xa cách”. Cơm cháu ăn, sách cháu đọc, áo quần mà cháu mặc, đều là sự chắt chiu thương nhớ đến tận cùng. Lời ru của bà cũng nặng phù sa, cũng có cánh cò, cũng gù bông lúa. Đủ bao la để ôm cháu vào lòng bao bọc qua những mùa thơ ấu. Đủ êm đềm nuôi nấng. Đủ thương yêu vá víu những khoảng cách xa vời…

Rồi thì giữa đêm cơn mưa cũng ập đến bất ngờ. Lộp độp rơi trên mái tôn, đánh thức từng cơn gió. Cụ bà lại trở giấc thắp thêm lên ban thờ những que nhang ấm. Chiến tranh đã qua lâu lắm rồi, người sống cũng đã già, chỉ có người nằm xuống là trẻ mãi với non sông.

Ai cũng biết cụ bà vẫn chờ mong một ngày nào đó không xa sẽ được gặp lại người chồng hơn nửa đời xa cách. Những hò hẹn thời trẻ hẳn vẫn còn nguyên trong ký ức. Cụ bà đã giữ cho riêng mình qua hết tháng bảy này lại đến tháng bảy kia. Trường Sơn nơi cụ ông nằm thật ra cũng đâu quá xa xôi. Vì nghìn cây lá vẫn hát xôn xao trong lòng bà giữa những đêm không ngủ…

Đọc thêm

Podcast tản văn: Nắng xiên khoai

Podcast tản văn: Nắng xiên khoai

Khoai lang không chỉ là món ăn mà là đặc trưng quê hương, gợi nhớ sự tảo tần của mẹ, tình cha, và tuổi thơ lấp lánh không thể quên.
Podcast truyện ngắn: Rừng và em

Podcast truyện ngắn: Rừng và em

Giữa núi rừng bạt ngàn, niềm tin và tình người ấm áp lấp lánh hơn nắng. Đây là câu chuyện thắp sáng ước mơ nơi bản làng, nơi khát vọng vươn lên luôn cháy bỏng.
Podcast truyện ngắn: Nhật ký của một hạt mưa

Podcast truyện ngắn: Nhật ký của một hạt mưa

“Nhật ký của một hạt mưa” của tác giả Anh Đức kể về một thế giới đầy màu sắc qua góc nhìn nhân hóa của hạt mưa với những thông điệp sâu sắc về cuộc sống, tình bạn và sự sẻ chia.
Nỗ lực trao truyền ví, giặm cho thế hệ trẻ

Nỗ lực trao truyền ví, giặm cho thế hệ trẻ

Giữa guồng quay của cuộc sống, có những lớp nghệ nhân ở Hà Tĩnh vẫn thầm lặng cống hiến, gìn giữ tinh hoa nghệ thuật truyền thống. Với họ, đó không chỉ là lòng nhiệt huyết, niềm đam mê mà còn là sứ mệnh giữ lửa, trao truyền các giá trị của di sản quê hương.
"Rệu rã" di tích gần 400 tuổi

"Rệu rã" di tích gần 400 tuổi

Chùa Tịnh Lâm (phường Hà Huy Tập, tỉnh Hà Tĩnh) được xây dựng từ thế kỷ thứ XVII, nay đã xuống cấp nghiêm trọng.
Ươm mầm dân ca ví, giặm

Ươm mầm dân ca ví, giặm

Phát huy vai trò là những hạt nhân trong bảo tồn, gìn giữ di sản, nhiều nghệ nhân trên địa bàn Hà Tĩnh đã tình nguyện tham gia, mở các lớp học miễn phí để truyền dạy dân ca cho các em học sinh.
Podcast bút ký: Làng thợ bạc Nam Trị

Podcast bút ký: Làng thợ bạc Nam Trị

Nâng chén trà miệng bít bạc của các nghệ nhân Nam Trị, tôi lâng lâng nghĩ về quá khứ, nghĩ đến tương lai của cái nghề vàng, nghề bạc. Cái nghề mà ông cha đã một thời đeo đuổi!
Podcast truyện ngắn: Chiếc xe đạp

Podcast truyện ngắn: Chiếc xe đạp

Mỗi người sinh ra đều có một hoàn cảnh riêng, không ai giống ai. Bởi vậy, hãy luôn cùng nhau cố gắng trong mọi hoàn cảnh, để mỗi ngày cảm nhận cuộc sống tươi đẹp hơn.
Podcast truyện ngắn: Lênh đênh đời thúng

Podcast truyện ngắn: Lênh đênh đời thúng

Một già, một trẻ, nương tựa vào nhau mà sống. Bên nhau qua từng mùa biển động. Ngoại không còn đủ sức để vươn ra xa bờ, chỉ còn trông cậy vào chiếc thúng chòng chành...