Các phật tử tham dự lễ Vu Lan tại chùa Giai Lam (xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà) trong ngày 7/8/2022 vừa qua. Ảnh: Kiều Minh.
Đại đức Thích Tục Hiền (Ủy viên Ban trị sự Phật giáo Hà Tĩnh, Phó Trụ trì chùa Thiên Tượng - Long Đàm, TX Hồng Lĩnh): “Rằm tháng bảy và lễ Vu Lan nêu cao đạo hiếu của người Việt”
Lễ Vu Lan được bắt nguồn từ một bản kinh ngắn của Phật Giáo Đại Thừa “Phật Thuyết Kinh Vu Lan Bồn” trong đó, chữ Vu lan có nghĩa là “Giải đảo huyền” - cứu tội người bị treo ngược nơi lao ngục, tháo gỡ cái ách bị đày đọa trong cảnh giới ngạ quỷ và địa ngục. Điều này xuất phát từ tích truyện Bồ tát Mục Kiền Liên cứu mẹ.
Chuyện kể thời Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, Mục Kiền Liên là một trong những vị đại đệ tử có thần thông xuất chúng nhất, ngài đã tu hành đạt được quả vị A la hán, có thần thông nhìn rõ 6 cõi. Sau khi đắc đạo, ngài dùng thần thông để tìm người mẹ đã khuất, phát hiện bà Thanh Đề (mẹ ngài) do nghiệp xấu ác mà sinh về cõi ngạ quỷ, chịu cảnh đói khát, đau khổ, Bồ tát Mục Kiền Liên cầu xin Đức Phật chỉ cách cứu mẹ.
Đại đức Thích Tục Hiền
Nhờ làm theo lời Phật, vào ngày Rằm tháng bảy năm đó, không chỉ thân mẫu của ngài được thoát nạn khổ được tái sinh về cõi trời mà nhiều chúng sinh bị trầm luân nơi địa ngục là quyến thuộc (cha mẹ, anh em, họ hàng nhiều đời, nhiều kiếp) cũng được giải thoát. Bồ tát Mục Kiền Liên cảm kích ân Phật nên đã khuyến khích người thế gian hằng năm vào Rằm tháng bảy tổ chức lễ Vu lan, cúng dường tăng chúng mười phương hội về, tụng kinh Vu Lan Bồn để báo hiếu cho cha mẹ và cửu huyền thất tổ.
Kế tục truyền thống đó, từ xưa đến nay, người Việt đều xem tháng bảy là dịp làm lễ Vu Lan Báo hiếu nhằm tích công đức để báo hiếu với cha mẹ, ông bà đã khuất hoặc còn sống. Dịp này, các nhà chùa cũng hoan hỉ tổ chức lễ Vu Lan, hỗ trợ các phật tử và người dân bày tỏ tâm nguyện của mình gửi lời cầu nguyện đến những người đã mất được sinh về cõi lành, cha mẹ còn sống được mạnh khỏe, bình an.
Bà Nguyễn Thị Tỷ (SN 1968, thôn Yên Khánh, xã Cẩm Vịnh, Cẩm Xuyên): "Bày tỏ sự tri ân với người đã khuất"
Bố mẹ ruột và bố chồng tôi mất cách đây khá nhiều năm. Tôi luôn cảm thấy áy náy bởi khi bố mẹ còn sống chưa có nhiều cơ hội báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục. Tôi nghĩ đối với mỗi người con, công ơn cha mẹ là biển trời không có gì so sánh được và cũng không bao giờ báo đáp hết. Vì vậy, dù bây giờ, bố mẹ đã đi xa nhưng tôi vẫn luôn tự nhủ, mình cần làm điều gì đó để bày tỏ lòng tri ân đối với đấng sinh thành.
Bà Nguyễn Thị Tỷ (ở xã Cẩm Vịnh, Cẩm Xuyên).
Theo truyền thống của người Việt, hằng năm vào dịp Rằm tháng bảy, các nhà chùa thường tổ chức lễ Vu Lan, lễ cầu siêu… nhằm giúp mỗi người có cơ hội tạo công đức cho bản thân và người thân đã mất. Do vậy, nhiều năm nay, dịp này tôi vẫn thường về chùa Cảm Sơn (TP Hà Tĩnh) làm lễ. Tôi mong rằng, với sự thành tâm, lòng thương nhớ, biết ơn bố mẹ và những quyến thuộc đã mất của tôi sẽ được an ủi, sớm sinh về cõi an vui, đồng thời phù hộ cho con cháu bình an, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.
Ông Mai Đình Phong (SN 1960, phật tử ở xã Hồng Lộc, Lộc Hà): "Thực hành các nghi lễ, hài hòa giữa đạo và đời trong Rằm tháng bảy"
Tôi bắt đầu học Phật pháp từ cách đây hơn 22 năm. Thực hành tu tập Phật pháp trong vai trò một cư sỹ tại gia, qua kinh sách và hướng dẫn của các sư thầy, tôi luôn cân bằng, hài hòa giữa đạo và đời trong cuộc sống.
Đối với một phật tử, Rằm tháng bảy có nhiều nghi lễ ở chùa, nhà thờ họ và cả tại gia đình mình cần phải thực hành sao cho hài hòa, đúng tinh thần của Phật pháp và truyền thống dân tộc. Bên cạnh thực hiện lễ Vu Lan, cúng dường Tam bảo nhằm cầu siêu tịnh độ cho bố mẹ, người thân đã mất, mỗi phật tử cũng cần quan tâm đến việc làm lễ ở nhà thờ dòng tộc và ban thờ gia tiên của mình.
Phật tử Mai Đình Phong (xã Hồng Lộc, Lộc Hà).
Bởi, Rằm tháng bảy ở nhà thờ dòng họ và lễ Vu Lan ở chùa tuy 2 nhưng lại cùng một ý nghĩa chung là báo hiếu, tri ân với bố mẹ, tổ tiên, dòng tộc và cả những bậc anh hùng liệt sỹ, những người có công đối với đất nước. Đặc biệt, đây cũng là dịp nhắc nhở những người may mắn có bố mẹ còn sống, cần quan tâm hơn đến đấng sinh thành cả vật chất lẫn tinh thần, như Đức Phật từng nói: Cha mẹ tại thế là Phật sống trong nhà. Thờ cha kính mẹ mới là chân tu.
Bên cạnh chăm lo đời sống vật chất đầy đủ, mỗi người con chí hiếu cần khuyên bố mẹ làm lành, tránh dữ, bản thân cũng nỗ lực tu dưỡng, phấn đấu cống hiến cho xã hội, làm cha mẹ được tự hào.
Chị Nguyễn Thanh Huyền (SN 1995, phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh): "Rằm tháng bảy giúp thế hệ trẻ trân trọng nguồn cội của mình".
Dù sinh ra và lớn lên ở TP Hà Tĩnh nhưng từ nhỏ cho đến bây giờ, tôi vẫn duy trì việc theo bố mẹ về nhà thờ dòng họ ở xã Bùi La Nhân (Đức Thọ) vào mỗi dịp lễ tết, đặc biệt là Rằm tháng bảy. Với tôi, về nhà thờ họ trong Rằm tháng bảy không chỉ là cơ hội để mỗi người, nhất là người trẻ như tôi bày tỏ sự tri ân với tổ tiên, ông bà mà còn là dịp để gặp gỡ anh em, bà con trong dòng họ.
Tôi rất thích không khí anh em họ hàng từ phương xa cùng về quây quần tại nhà thờ dòng họ, cùng tham gia tế lễ và cùng trò chuyện, quan tâm lẫn nhau.
Chị Nguyễn Thanh Huyền (phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh).
Bố tôi thường dạy: “Chim có tổ, người có tông”, đã là người Việt thì không bao giờ được quên dòng tộc, họ hàng của mình, càng phải làm sao để rạng danh dòng họ. Từ lời dạy đó, chị em chúng tôi luôn nỗ lực học tập, phấn đấu để làm bố mẹ vui lòng. Mỗi dịp Rằm tháng bảy, chúng tôi về nhà thờ họ dâng hương báo công với tổ tiên, ông bà đã mất, cũng như những người đang sống.
Tôi nghĩ, trong cuộc sống hiện đại bận rộn, người trẻ bị chi phối bởi nhiều mối quan tâm nhưng dù thế nào, mỗi người cần sắp xếp thời gian để về nhà thờ dòng họ thắp hương, tế lễ trong dịp Rằm tháng bảy. Bởi đây là cơ hội để chúng ta biết trân trọng nguồn cội của mình, tạo động lực để phấn đấu vươn lên.