Ngày nay, thường sau chào cờ sáng mùng 1 Tết, bà con trong khối phố lại tập trung theo đoàn đi từng nhà chúc Tết
Từ xa xưa, ông cha ta đã quan niệm, người “xông đất” sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến may mắn, hạnh phúc, công danh, tài lộc của cả gia đình trong năm mới. Chính vì thế người xông đất thường được lựa chọn rất kỹ với kỳ vọng về sự may mắn và thịnh vượng cho gia chủ. Ngoài việc chọn người có tính tình vui vẻ, rộng rãi, có đời sống hạnh phúc, điều quan trọng hơn cả là người xông đất phải có tuổi hợp với chủ nhà và con vật đại diện của năm đó, đặc biệt tránh tuổi “tứ hành xung”.
Anh Chính - một doanh nhân ở Hương Sơn cho biết: “Là người làm kinh doanh nên rất chú trọng việc xông đất đầu năm mới. Qua lịch vạn sự và những thông tin tìm hiểu trên mạng được biết, với chủ nhà tuổi Tý, Ngọ, chọn khách xông đất có hành can Nhâm hoặc Ất. Vì thế tôi đã chọn một người bạn tuổi Ất Mùi để xông nhà với hy vọng một năm mới làm ăn gặp nhiều may mắn, cất giữ được tài lộc”.
Với nhiều gia đình, cũng có khi người thân trong gia đình tự xông đất. Anh Lê Dũng - cán bộ ngành điện cho biết: “Với đặc thù nghề nghiệp, chúng tôi thường phải trực giao thừa tại cơ quan. Chính vì thế, lúc trở về nhà đã bước sang năm mới nên xem như tự “xông đất” cho gia đình”.
Trẻ em thường được gia chủ mừng tuổi bằng những bao lì xì với mong muốn sớm khôn lớn và học hành tiến bộ
Nét văn hoá truyền thống của cha ông trong dịp Tết cổ truyền xưa kia vẫn được thế hệ hôm nay lưu giữ. Tuy nhiên, cùng với thời gian, những phong tục tập quán xưa cũng có những biến đổi linh hoạt để phù hợp với những thay đổi của cuộc sống hôm nay.
Tục “xông đất” cũng vậy, ngoại trừ tránh tham gia khi gia đình mình có những chuyện không hay xảy ra trong năm, còn lại hoạt động này ở nhiều nơi giờ đã trở thành biểu hiện cho sự đoàn kết gắn bó trong xóm làng, khối phố.
Anh Lê Vũ ở phường Nam Hà (thành phố Hà Tĩnh) cho biết: “Với khối phố chúng tôi, sau giờ phút đón giao thừa tại nhà, thường tập trung nhau thành một nhóm đến chúc Tết các gia đình trong khối. Dù thời gian ngồi không lâu nhưng ở mỗi một gia đình, ngoài những lời chúc tốt đẹp, mọi người sẽ cùng nhau nhấm nháp một vài món kẹo, mứt và đồ uống trong không khí đầm ấm. Nét đẹp này đã được chúng tôi duy trì trong nhiều năm qua”.
Năm mới, mỗi gia đình, mỗi lứa tuổi có những mong ước, niềm vui riêng, nhưng chung quy lại, nét đẹp văn hoá từ tục xông đất đầu năm vẫn luôn gửi gắm khát vọng muôn đời của người dân về một mùa xuân an khang, thịnh vượng và hạnh phúc. Đó cũng chính là lý do khiến việc xông đất đầu năm được duy trì và điều chỉnh cho phù hợp với lối sống hiện đại.