Ngôi nhà khang trang, vườn rau đang lên những mầm xanh là hình ảnh mới ở gia đình anh Phan Doãn Hợp, chị Đặng Thị Thích (thôn Tân Tùng Sơn, xã Tùng Lộc, Can Lộc). Gia đình anh Hợp, chị Thích là một trong số 235 hoàn cảnh khó khăn của huyện Can Lộc được thụ hưởng niềm vui từ Nghị quyết 01-NQ/TU về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phục hậu quả thiên tai năm 2020; một số định hướng, mục tiêu và giải pháp phòng ngừa, ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Từ đây, vào mùa mưa bão, gia đình anh đã có thể yên tâm hơn trong căn nhà kiên cố này.
Cũng vừa dọn vào căn nhà mới, anh Trần Văn Thanh và chị Trần Thị Cẩm (thôn Yên Phú, xã Liên Minh, Đức Thọ) đã thực sự chạm tay vào giấc mơ của mình. Trong ngôi nhà ấm áp tình xuân này, gương mặt anh Thanh - một bệnh nhân chạy thận cũng trở nên vui vẻ hơn. Từ nay, anh đã không còn phải lo lắng cho người vợ tảo tần và 3 đứa con nhỏ dại mỗi khi mùa mưa bão đến. Anh Thanh bày tỏ lòng biết ơn chủ trương nhân văn của tỉnh và tấm lòng của các nhà hảo tâm. Có căn nhà này, anh sẽ vững tin để điều trị bệnh và chia sẻ nhiều hơn với vợ trong cuộc sống thường nhật.
Bên cạnh xây nhà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, thời gian qua, có rất nhiều công trình cộng đồng đã được khánh thành, đưa vào sử dụng. Đó là những ngôi nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ được xây dựng bằng 100% nguồn vốn xã hội hóa, với mức hỗ trợ cao nhất từ trước tới nay (2 tỷ đồng/nhà) (Ảnh: Nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ sôi nổi diễn ra tại nhà văn hóa cộng đồng thôn Phan Chu Trinh, xã Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên).
Những ngôi nhà đoàn kết “2 trong 1” này vừa phục vụ nhu cầu vui chơi, sinh hoạt cộng đồng của người dân, vừa có công năng tránh trú bão lũ. Khi thiên tai xảy ra thì tầng 1 có thể là nơi tránh trú cho gia súc, gia cầm; tầng 2 sẽ là nơi tránh trú cho người dân, với phòng sinh hoạt cộng đồng, phòng tránh trú bão lũ, sân khấu, bếp, kho và khu vệ sinh chung (Ảnh: Nhà văn hóa cộng đồng thôn Văn Khang, xã Tùng Ảnh, Đức Thọ).
Để tiếp tục phát huy công năng sử dụng của nhà văn hóa cộng đồng, trong năm 2021, Hà Tĩnh tiếp tục ra mắt mô hình ngôi nhà trí tuệ tại 16 nhà văn hóa cộng đồng trên địa bàn (Ảnh: Nhà văn hóa cộng đồng - ngôi nhà trí tuệ thôn Tân Tiến (xã Tân Lâm Hương, Thạch Hà) trở thành không gian vui chơi, học tập cho trẻ em).
Nhà văn hóa cộng đồng - ngôi nhà trí tuệ được trang bị thêm tủ sách, góc học tập, góc trò chơi, bảng dạy học, lắp đặt ti vi, máy tính kết nối Internet, camera; trang bị các dụng cụ phục vụ hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao. Đây là không gian giúp thanh thiếu nhi rèn luyện kỹ năng sống và người dân có sân chơi lành mạnh, hướng tới xây dựng một xã hội học tập, xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, gắn kết tình làng nghĩa xóm (Ảnh: Máy tính kết nối internet được lắp đặt tại nhà văn hóa cộng đồng giúp người dân tra cứu thông tin hoặc thực hiện dịch vụ công trực tuyến).
Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn bởi thiên tai, dịch bệnh nhưng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh và cả cộng đồng đã tiếp thêm động lực để người dân không ngừng vươn lên, xây dựng cuộc sống, xây dựng quê hương (Ảnh: Niềm vui của người dân thôn Yên Điềm, xã Thịnh Lộc (Lộc Hà) ngày khánh thành nhà văn hóa cộng đồng).
Khai thác công năng, sử dụng hiệu quả và quyết tâm bảo quản, gìn giữ, tô đẹp thêm nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ là lời “cảm ơn” chân thành nhất mà bà con Hà Tĩnh gửi gắm đến cấp ủy Đảng, chính quyền và các nhà hảo tâm. Rồi từ đây, mỗi độ tết đến, xuân về, trên khắp mọi miền quê, trên mỗi nếp nhà được xây từ ý Đảng, lòng dân lại càng thêm ấm những tin yêu... (Ảnh: Các lớp học tiếng anh miễn phí được tổ chức tại nhà văn hóa cộng đồng)
Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng gần 3.500 nhà ở kiên cố cho người có công, hộ gặp hoàn cảnh khó khăn, hộ bị ảnh hưởng thiên tai và 41 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ với kinh phí xã hội hóa gần 300 tỷ đồng. Hiện nay, cấp ủy, chính quyền các cấp đang tích cực kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình. |