Tính đến năm 2017, toàn huyện Can Lộc có hơn 4.800 người đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng. Ngoài ra, số lao động tự do đi làm việc ở nước ngoài theo đường biên giới (chủ yếu ở Lào, Thái Lan) có gần 4.000 người và số lao động làm việc theo thỏa thuận của cộng đồng kinh tế ASIAN chưa thể thống kê. Các địa phương ở Hà Tĩnh có số người lao động đi lớn như: Vượng Lộc, Quang Lộc, Mỹ Lộc, Thiên Lộc, Thị trấn Nghèn...
Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi thăm hỏi một số gia đình có người thân đi xuất khẩu lao động ở xã Mỹ Lộc.
Riêng đối với xã Mỹ Lộc có 1.659 người đang sinh sống và làm ăn ở các nước: Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Lào... Trong đó, số lượng lao động làm việc ở Thái Lan chiếm gần 85%. Tuy nhiên, đa số lao động đi bằng đường tự do hoặc hộ chiếu du lịch nên khi sang nước bạn lao động chủ yếu làm thuê trong các nhà hàng, trông coi xe và “sống chui” không được sự bảo vệ của chính quyền sở tại.
Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc Trần Văn Mọn kiến nghị: Chính phủ và các nhà soạn thảo luật giữa hai nước Việt Nam - Thái Lan thỏa thuận, ký kết cho lao động sang Thái làm việc trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ theo hình thức hợp pháp thay vì chỉ ký kết trong lĩnh vực công nghiệp xây dựng và đánh bắt thủy sản...
Về chính sách BHYT, BHXH, hiện toàn huyện Can Lộc có 82% dân số tham gia BHYT. Để công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân thuận lợi hơn, Can Lộc kiến nghị bộ, ngành liên quan cần sớm ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản; quản lý tốt việc các bệnh viện tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc, khám, chữa bệnh bằng BHYT, qua đó giảm tình trạng quá tải cho các BV tuyến trên và hạn chế lãng phí đến mức thấp nhất; nên sáp nhập Trạm y tế xã với Trung tâm y tế dự phòng...
Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Bùi Huy Cường kiến nghị Quốc hội có ý kiến để sớm ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản, đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân thuận lợi
Tại buổi làm việc, đại biểu phân tích, làm rõ các vấn đề còn tồn tại trước thực trạng lao động xuất khẩu bất hợp pháp; hạn chế trong tuyên truyền người dân tham gia BHYT, BHXH và tồn tại trong khám, chữa bệnh ở tuyến cơ sở... Đề xuất một số kiến nghị, giải pháp như: Luật đưa người lao động Việt Nam đi nước ngoài cần bổ sung thông tin về thị trường lao động, xây dựng doanh nghiệp xuất khẩu lao động “hạt nhân”; xây dựng chính sách hỗ trợ và định hướng nghề nghiệp cho người lao động; tăng mức xử phạt đối với lao động cư trú bất hợp pháp; xây dựng cơ chế quản lý đối với lao động đi làm việc theo hình thức tự do; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền cho người lao động...
Bà Lê Thị Yến - Ủy viên thường trực, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu việc quản lý người xuất khẩu lao động trên địa bàn và những vấn đề phát sinh được thực hiện thế nào?
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi khẳng định XKLĐ là cần thiết nhưng không phải bằng mọi giá. Vì vậy, các cơ quan quản lý từ cơ sở đến trung ương cần vào cuộc mạnh mẽ hơn để hạn chế tối thiểu các hệ lụy.
Đoàn giám sát sẽ nghiên cứu báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi một số nội dung của Luật đưa người Việt Nam đi lao động nước ngoài nhằm bảo vệ quyền và lợi ích người lao động ở cả nơi đi và nơi đến.
Bên cạnh đó, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật lao động đến người dân; tăng cường vai trò quản lý nhà nước về lao động người nước ngoài, cư trú, làm ăn sinh sống trên địa bàn và người Việt lao động tại nước ngoài; thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các doanh nghiệp hoạt động XKLĐ thực hiện đúng pháp luật, quy định; tăng cường vận động toàn dân hiểu và tham gia BHYT.