Kháng thể của F0 khỏi bệnh có cao hơn cả tiêm 2 mũi vaccine?

Các chuyên gia cho biết lợi thế của F0 khỏi bệnh là cơ thể tồn tại kháng thể. Trong khoảng 6 tháng, họ hiếm khi tái nhiễm.

Kêu gọi F0 khỏi bệnh tham gia phòng chống dịch Covid-19 là chủ trương được nhiều lãnh đạo Chính phủ, Bộ Y tế và TP.HCM đề cập trong thời gian qua. Hôm qua (ngày 2/9), Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng gửi thư riêng cho các F0 khỏi bệnh để kêu gọi việc này.

Kháng thể của F0 khỏi bệnh có cao hơn cả tiêm 2 mũi vaccine?

Tỷ lệ tái nhiễm thấp

Nói rõ hơn về vấn đề này tại buổi họp báo chiều 3/9, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, giải thích với các bệnh truyền nhiễm, sau khi bị mắc bệnh và hồi phục, cơ thể luôn có kháng thể. Một số bệnh có miễn dịch suốt đời.

Sau 2 năm dịch Covid-19 lây lan, hầu hết y văn, công trình nghiên cứu, giám sát đều cho thấy người đã mắc bệnh có kháng thể bảo vệ và không bị nhiễm lại SAR-CoV-2 trong ít nhất 6 tháng.

Thậm chí, một số công trình nghiên cứu cho biết người bị nhiễm virus nhưng đã khỏi bệnh có khả năng bảo vệ còn cao hơn người tiêm 2 mũi vaccine nhưng chưa bị bệnh. Người tiêm đủ 2 liều vaccine vẫn có tỷ lệ nhỏ nhiễm bệnh, còn tỷ lệ tái nhiễm với người từng mắc Covid-19 còn thấp hơn nữa.

Ông Châu nhấn mạnh việc kêu gọi F0 tình nguyện tham gia cùng nhân viên y tế để chia sẻ kinh nghiệm, trải nghiệm khi đã mắc bệnh là rất tốt. Đây là liệu pháp tinh thần chia sẻ với người đang điều trị. Họ từng gặp những vấn đề như người đang điều trị nên dễ dàng thuyết phục.

“Đây là giải pháp hỗ trợ nhân viên y tế trong bối cảnh dịch kéo dài thường xuyên, nhiều nhân viên y tế làm nhiều tháng chưa về nhà”, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM nói.

Về chính sách tuyển dụng F0, hôm nay, Sở Y tế đã có tờ trình gửi UBND TP.HCM xem xét phê duyệt và sẽ công bố sau khi có phương án chi tiết.

Nguồn lực lớn để hỗ trợ chống dịch

Từ đầu năm tới nay, TP.HCM đã điều trị khỏi cho hơn 120.000 F0. Trung bình mỗi ngày, ngành y tế cho xuất viện khoảng 2.000-3.000 người. Riêng ngày 2/9, con số này lên tới hơn 4.000 người. Đây là nguồn nhân lực rất lớn để hỗ trợ thành phố trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Trao đổi với Zing , Phó chủ tịch UBND quận 4 Đỗ Thị Trúc Mai chia sẻ quận 4 đã phát động việc này từ hơn một tuần nay, tuy nhiên, số lượng chưa nhiều. Bà cho biết hầu hết F0 khỏi bệnh tham gia chống dịch là nhân viên y tế, chiến sĩ, cán bộ…không may nhiễm bệnh trong quá trình làm nhiệm vụ. Sau khi điều trị và âm tính, họ lập tức trở lại vị trí để hỗ trợ đồng đội.

Còn với F0 tại cộng đồng, địa phương chủ yếu phát động dân thực hiện phong trào tự quản tại chính khu phố của mình. Ví dụ, F0 đã khỏi bệnh có thể cùng tham gia mang lương thực, thực phẩm đến nhà người dân.

“Lúc đầu nhiều người cũng ngại. Họ không ngại cho họ đâu mà ngại cho những người xung quanh vì sợ đi tình nguyện rồi thì trở thành nguồn lây nhiễm”, bà Trúc Mai chia sẻ.

PGS.TS Vũ Minh Phúc (nguyên Phó trưởng khoa Y, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TP.HCM, Giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM) cho rằng nếu muốn huy động F0 khỏi bệnh tham gia tình nguyện thì đầu tiên phải tìm hiểu xem tại sao nhiều người không tham gia. Chính xác về mặt khoa học thì nên có một bảng thăm dò, khảo sát các F0 về việc tình nguyện của F0 sau khỏi bệnh.

Từ kinh nghiệm điều trị của mình, bà Phúc cho rằng bệnh nhân Covid-19 ngại tham gia chống dịch có thể xuất phát từ một số nguyên nhân sau. Thứ nhất là những người trung niên, trên 40 tuổi, thường bận việc gia đình. Thứ hai là sợ nhiễm bệnh trở lại do không hiểu bản thân được miễn dịch với bệnh một thời gian sau khỏi bệnh. Thứ ba lo lắng về đồ bảo hộ cá nhân không an toàn. Thứ tư là lo ngại bản thân trở thành nguồn lây nhiễm, đem bệnh về cho gia đình.

Chuyên gia nhận định cần giải thích rõ cho nhóm này hiểu rằng một trong những lợi thế của F0 đã khỏi bệnh là cơ thể họ tồn tại kháng thể. Do đó, cơ thể hiếm khi tái nhiễm trong khoảng 6 tháng, có tác dụng như tiêm vaccine.

Giải thích rõ hơn, bà Phúc cho biết khi chúng ta bị nhiễm bất kỳ virus nào thì cơ thể bắt đầu sinh ra kháng thể. Người bệnh đã tiếp xúc với virus thì kháng thể trong người sẽ cao. Khi khỏi bệnh, lượng kháng thể này vẫn chưa mất đi mà vẫn ở trong cơ thể, do đó, khi virus tấn công trở lại thì kháng thể trong người sẽ trung hòa virus. Thông thường, kháng thể này tồn tại trong người không lâu nên bệnh nhân khỏi bệnh chỉ miễn nhiễm trong khoảng 5-6 tháng.

Theo Zing

Chủ đề Hỏi đáp về dịch COVID-19

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast