Tết với nỗi lo ngộ độc... rượu!

(Baohatinh.vn) - Thời điểm áp Tết này, mỗi ngày, Khoa Cấp cứu chống độc - Bệnh viên đa khoa Hà Tĩnh tiếp nhận ít nhất 2 trường hợp ngộ độc rượu.

tet voi noi lo ngo doc ruou

Bác sỹ Khoa Cấp cứu chống độc BVĐK tỉnh chăm sóc bệnh nhân ngộ độc rượu cấp tính

Tết đã cận kề nhưng người mẹ già N.T.L, quê ở Phù Việt (Thạch Hà) vẫn còn phải ở viện với bao nỗi lo canh cánh. Theo bà L., hôm ấy khoảng 10h đêm, bệnh nhân về nhà trong tình trạng say mèm rồi vào giường ngủ. Một lát sau con gái anh phát hiện bố mình khó thở thì gọi mẹ. Tình trạng diễn biến rất nhanh, anh rơi vào tình trạng hôn mê, sùi bọt mép. Hoảng quá, vợ anh đã phải chạy ra đường Quốc lộ 1A (nhà gần đường) kêu người đi đường cứu giúp...

Bác sỹ Nguyễn Xuân Thái – Phó Khoa Cấp cứu chống độc BVĐK Hà Tĩnh cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng huyết áp không đo được, hôn mê sâu do ngộ độc Methanol. Bệnh nhân đã phải lọc máu và hiện đã qua cơn nguy kịch.

Cũng theo bác sỹ Thái, trước, trong và sau tết là thời điểm bệnh nhân ngộ độc rượu cấp tính phải nhập viện cấp cứu nhiều nhất. Mỗi ngày, khoa tiếp nhận ít nhất là 2 trường hợp.

Nguyên nhân khiến ngộ độc rượu có xu hướng gia tăng là do thị trường vẫn tồn tại rượu không đảm bảo an toàn, rượu chứa hàm lượng methanol cao (cồn công nghiệp), rượu giả… Tại Hà Tĩnh, gần đây, đoàn giám sát công tác ATVSTP HĐND tỉnh cũng đã phát hiện cơ sở rượu Thanh Bảo ở xã Cẩm Yên (Cẩm Xuyên) có nồng độ methadol đậm đặc. Điều đáng lo ngại nữa là cơ sở này được đầu tư dây chuyền sản xuất rất hiện đại và đang đăng ký nhãn hiệu chất lượng sản phẩm. Số lượng rượu lưu trữ tại nhà và bán ra thị trường hàng ngày rất lớn.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, năm 2017, ghi nhận số lượng mắc ngộ độc rượu tăng đột biến, đặc biệt là rượu có pha methanol, với 10 vụ và 119 người mắc, 115 người đi viện. Số người chết do ngộ độc rượu tập trung nhiều nhất vào thời gian từ tháng 2 - 4, trùng với thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán. Tính chung 5 năm qua, số ca ngộ độc rượu ở thời điểm tháng 2 - 4 hàng năm đều tăng vọt 40 - 50% so với các tháng còn lại. Trong số các vụ ngộ độc rượu, nguyên nhân do hàm lượng methanol cao chiếm 32,1%; rượu ngâm thuốc lá chiếm 17,9%; rượu ngâm cây rừng độc chiếm 39,3%...

Rượu cũng là nguyên nhân của 31% vụ đánh, giết nhau, 33% vụ hiếp dâm, 18% vụ tai nạn giao thông và 60 loại bệnh khác nhau như gan, dạ dày, tim mạch, tâm thần...

Rượu đã và đang đe dọa đến sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng. Đặc biệt, trong dịp Tết, càng có nguy cơ ngộ độc rượu cấp tính, đe dọa đến tính mạng. Để phòng tránh ngộ độc rượu trong dịp Tết, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chỉ nên sử dụng các loại rượu bia có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, uống rượu vừa phải; không vì ham rẻ mà mua các loại rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, sản xuất ở các cơ sở không đảm bảo an toàn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast