Y tế học đường còn nhiều trăn trở

(Baohatinh.vn) - Công tác chăm sóc sức khỏe (CSSK) học sinh đóng vai trò quan trọng, là “lá chắn” đầu tiên trong phòng ngừa và điều trị các loại bệnh, dịch bệnh phát sinh trong trường học. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, hoạt động y tế trường học trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Nhiều bất cập

Những năm qua, y tế học đường đã góp phần tích cực trong việc CSSK ban đầu cho học sinh, giáo viên tại các trường học. Y tế học đường trở thành một tiêu chí bắt buộc trong quá trình xây dựng trường chuẩn quốc gia. Chính vì thế, công tác y tế tại các trường học được quan tâm, chú trọng và đầu tư ngày một bài bản, từ cơ sở vật chất đến đội ngũ phụ trách.

Y tế học đường còn nhiều trăn trở ảnh 1

Y tế học đường trở thành một tiêu chí bắt buộc trong quá trình xây dựng trường chuẩn quốc gia

Theo Phó trưởng khoa Sức khỏe cộng đồng, Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) tỉnh Phan Thị Thu Hường, thời gian qua, ngành Y tế đã phối hợp với ngành Giáo dục tổ chức nhiều đợt tập huấn về nghiệp vụ điều trị cũng như công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại các trường học bán trú. Công tác tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh tay - chân - miệng, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn, nhất là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh được chú trọng ở bậc học mầm non và tiểu học. Đặc biệt, công tác truyền thông phòng chống ma túy, giáo dục về giới tính, sức khỏe vị thành niên được đẩy mạnh, nhất là ở bậc THCS và THPT...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì hiện nay, công tác y tế trường học vẫn còn nhiều bất cập và trăn trở. Toàn tỉnh hiện có 734 trường học, nhưng mới 523 trường có cán bộ y tế chuyên trách, được đào tạo bài bản; 213 trường còn lại vẫn kiêm nhiệm.

Lộc Hà là một trong số ít huyện làm tốt công tác y tế trường học trong nhiều năm qua. Toàn huyện có 42 trường từ mầm non đến THPT đều có cán bộ chuyên trách về y tế được đào tạo bài bản. Chính vì vậy, công tác CSSK ban đầu cho học sinh và giáo viên tại các trường học trên địa bàn được đảm bảo.

Còn tại Thạch Hà, hiện mới có 53/77 trường có nhân viên chuyên trách y tế, những trường còn lại phần lớn là do giáo viên, nhân viên văn thư, kế toán... kiêm nhiệm. Theo ông Lê Hữu Lưu - Phó Giám đốc Trung tâm YTDP huyện, những người kiêm nhiệm đều không có trình độ chuyên môn, chỉ mới qua một lớp tập huấn ngắn hạn do Trung tâm YTDP huyện tổ chức. Vì vậy, họ chỉ làm được báo cáo hồ sơ, còn việc sơ cứu, phối hợp với Trạm Y tế xã giám sát dịch bệnh, CSSK học sinh, giáo viên gặp nhiều khó khăn.

Trường Tiểu học Thạch Long được đánh giá là một trong những đơn vị làm tốt công tác y tế học đường của huyện nhưng vẫn chưa có nhân viên chuyên trách về y tế. Theo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Hường thì công tác y tế của trường hiện do nhân viên kế toán và cô tổng phụ trách đội kiêm nhiệm. Mặc dù trường đã nhiều lần đề xuất xin 1 nhân viên y tế nhưng đến nay vẫn chưa được đáp ứng.

Một bất cập khác là chế độ đãi ngộ đối với nhân viên y tế trường học chưa cao. Thậm chí, mức lương chi trả cho cán bộ y tế hợp đồng tại các trường còn quá thấp, trong khi đó, yêu cầu đặt ra khá lớn như: CSSK ban đầu cho học sinh; kết hợp những buổi sinh hoạt dưới cờ hoặc sinh hoạt ngoại khóa, phối hợp với các đơn vị để tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh... “Tôi vào biên chế nên lương và các chế độ được đảm bảo, chứ nhiều đồng nghiệp đang hợp đồng thì thu nhập rất bấp bênh” - chị Trần Thị Hương, cán bộ phụ trách y tế Trường Tiểu học Hộ Độ (Lộc Hà) chia sẻ. Hoặc như chị Trần Thị Nga, phụ trách y tế học đường Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi do chế độ quá thấp nên phải kiêm nhiệm thêm văn thư để tăng thu nhập.

Ngoài yếu về nguồn nhân lực thì hiện nay, cơ sở vật chất của y tế trường học cũng còn nhiều thiếu thốn, trang thiết bị y tế CSSK ban đầu ít, tủ thuốc chỉ có vài loại thông thường. Đặc biệt, hiện nay, các trường mầm non, tiểu học đều chuyển sang hình thức bán trú nên công tác CSSK cho học sinh càng yêu cầu cao hơn. Việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn cũng đặt ra nhiều thách thức cho những người làm công tác y tế trường học.

Y tế học đường còn nhiều trăn trở ảnh 2

Tủ thuốc tại các trường học chỉ có vài loại thông thường

Cần giải pháp

Theo bà Phan Thị Thu Hường, hiện nay, công tác y tế học đường đang đối mặt với nhiều khó khăn, chủ yếu do thiếu kinh phí. Hàng năm, các trường chỉ được trích 12% trong số tiền nộp BHYT của học sinh để hoạt động, các nguồn khác không có. Chính vì vậy, muốn giải quyết khó khăn của y tế học đường, trước hết, cần đẩy mạnh tuyên truyền để học sinh đóng nộp BHYT đúng quy định. Ngoài ra, cần sự hỗ trợ từ nhà trường và các cấp, ngành.

Bên cạnh đó, việc phối hợp củng cố và kiện toàn đội ngũ làm công tác y tế trường học là cần thiết, trong đó, chú trọng việc đảm bảo chế độ cho những cán bộ đang hợp đồng để họ yên tâm công tác; tăng cường sự phối hợp giữa ngành Giáo dục và Y tế tại các địa phương, nhất là việc tổ chức các lớp tập huấn ngắn, dài hạn để nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác y tế trường học.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast