“Cát tặc” trên sông La: Khó dẹp do hạn chế của ngành chức năng?!

(Baohatinh.vn) - Bên cạnh thực trạng cầu lớn hơn cung, nguyên nhân “cát tặc” lộng hành còn do những hạn chế, yếu kém của các ngành chức năng trong việc phối hợp kiểm soát, xử lý. Chấm dứt nạn trộm cát rất khó thực hiện trong “ngày một ngày hai”; song không phải là không làm được nếu có những giải pháp khả thi, phù hợp.

cat tac tren song la kho dep do han che cua nganh chuc nang

Bãi tập kết cát lậu tại phía Nam cầu Thọ Tường (thị trấn Đức Thọ).

Những năm gần đây, huyện Đức Thọ và các xã Đức Châu, Đức Quang… đã tiến hành nhiều đợt tuần tra kiểm soát, đồng thời thực hiện các giải pháp khá “mạnh tay” như: cắt ống hút, tịch thu máy nổ, tạm giữ thuyền và xà lan. Đặc biệt là cấm hẳn khai thác cát vào ban đêm để dễ bề kiểm soát. Quyết tâm của chính quyền huyện Đức Thọ trong chừng mực nào đó cũng khiến “cát tặc” chùn chân. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi, đó chỉ là những giải pháp mang tính đối phó theo kiểu “cắt phần ngọn” khiến “cát tặc” dừng lại một thời gian để tránh những… “tổn thất” không đáng có và lại “chớp thời cơ” khi có dịp.

Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào vẫn tận dụng được nguồn tài nguyên một cách hợp lý, khơi thông dòng chảy trên sông mà không làm dịch chuyển luồng lạch và ô nhiễm môi trường. Muốn vậy, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người dân, chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là huyện Đức Thọ cần khẩn trương xây dựng phương án chuyển đổi nghề cho hàng trăm lao động chuyên khai thác “cát lậu”.

Ông Nguyễn Quốc Hoạt - Chủ tịch UBND xã Liên Minh cho rằng, “hầu hết những người trộm cát rất hạn chế về nhận thức, thậm chí có nhiều người còn không biết chữ, lại thiếu đất sản xuất. Vì vậy, nếu làm “rát” nhưng không có hướng “mở” cũng có nghĩa là đẩy họ đến bước đường cùng. Bởi vậy, cần phải quy hoạch một quỹ đất để họ làm tư liệu sản xuất”.

cat tac tren song la kho dep do han che cua nganh chuc nang

Chấm dứt tình trạng khai thác trộm cát trên sông La trong ngày một ngày hai là rất khó

Một mặt phối hợp với các ngành chức năng (thanh tra giao thông, cảnh sát đường thủy, doanh nghiệp) tiến hành ngay việc xác định tọa độ, cắm mốc ranh giới khu vực khai thác của doanh nghiệp để thuận lợi trong việc phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm. Mặt khác, huyện Đức Thọ cần xử lý dứt điểm 3 bãi tập kết không phép hai phía đầu cầu Thọ Tường để “triệt” đầu ra của “cát lậu”.

Bên cạnh đó, “cuộc chiến” hạn chế, ngăn chặn và đẩy lùi nạn khai thác cát trộm trên sông La đòi hỏi phải có sự hỗ trợ từ nhiều phía, đặc biệt là sự quan tâm từ UBND tỉnh trong việc chỉ đạo các huyện (Hương Sơn, Vũ Quang) phối hợp tổ chức tuần tra chung, truy bắt chung và cùng nhau xử lý. Bởi theo phản ánh của Trưởng Công an huyện Đức Thọ Nguyễn Duy Đông, “nếu không có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các huyện, tình trạng “mạnh ai nấy chạy” cứ thế tiếp diễn. Bị truy bắt ở Đức Thọ, “cát tặc” lại chạy sang các huyện khác. Thực tế rất nhiều lần Đoàn liên ngành huyện Đức Thọ tập trung truy đuổi những tàu thuyền, xà lan vi phạm, đồng thời, thông tin phối hợp bắt giữ, xử lý nhưng các huyện khác lại thờ ơ, thiếu hợp tác khiến nỗ lực ngăn chặn những kẻ trộm cát không mang lại hiệu quả như mong đợi”.

Ngoài hỗ trợ về kinh phí và bổ sung lực lượng tham gia tuần tra, kiểm soát trên sông nhằm phát hiện kịp thời và xử lý những trường hợp vi phạm; sớm có văn bản hướng dẫn thu phí, lệ phí tạm giữ phương tiện vi phạm; UBND tỉnh cần bố trí kinh phí để chủ đầu tư là Công an tỉnh sớm triển khai xây dựng nơi tạm giữ các tàu thuyền vi phạm tại kênh 19/5 (cống Bùi Xá cũ).

Chấm dứt tình trạng khai thác trộm cát trên sông La trong ngày một ngày hai là rất khó, nhưng hạn chế, từng bước đẩy lùi, tiến tới chấm dứt là có thể làm được. Vấn đề là cả hệ thống chính trị các cấp phải thực sự quyết tâm, vào cuộc đồng bộ, xử lý nghiêm minh, dứt điểm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast